Chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhưng tiềm ẩn rủi ro

Linh Lan - 16:23, 13/09/2017

TheLEADERCác nhà đầu tư nước ngoài đang rót tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh triển vọng kinh tế tăng trưởng cao. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo nền kinh tế không nên quá lạc quan về điều này do nợ cao và các rủi ro từ bên ngoài.

Mặc dù tồn tại nhiều mối đe dọa như khủng hoảng Triều Tiên, lãi suất ở Mỹ tăng cao, và nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các thị trường mới nổi ở Châu Á vẫn không giảm sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo dữ liệu của Bloomberg, Việt Nam là thị trường duy nhất thu hút dòng tiền vào tất cả các tháng trong năm nay. Theo dữ liệu từ Sở GDCK TP.HCM, sau 8 tháng mua ròng liên tục nhà đầu tư nước ngoài đã đổ thêm vào các cổ phiếu của sàn HOSE gần 14 nghìn tỷ đồng.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong giai đoạn hấp dẫn do đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng và định giá hợp lý", ông Thomas Hugger, CEO của Asia Frontier Capital Ltd tại Hồng Kông nhận định.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM

Trong Báo cáo phát triển châu Á năm 2017, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,5% trong năm nay và 6,7% vào năm 2018, tăng mạnh so với mức tăng trưởng 6,2% của năm ngoái .

Báo cáo cho biết dòng vốn FDI tiếp tục tăng, với việc giải ngân vào cuối quý I/2017 ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 6,5% GDP.

Tổng nguồn vốn FDI dự kiến sẽ đạt kỷ lục mới, hơn 16 tỷ USD vào năm 2017, giúp gia tăng sản xuất và tiếp tục giữ tỷ lệ thất nghiệp thấp (2,3%). Lạm phát giảm xuống 2,7% vào năm 2016, mặc dù ADB dự báo tăng lên 4% trong năm nay và 5% vào năm 2018.

Theo Capital Economics, trong 8 tháng đầu năm 2017, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức trung bình 20%, cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

"Tăng trưởng của Việt Nam ổn định do được hỗ trợ bởi nền tảng tăng trưởng đa dạng và nhu cầu nội địa gia tăng. Quá trình cải cách cơ cấu cũng giúp nền kinh tế tăng trưởng phù hợp với tốc độ gia tăng lạm phát và tăng trưởng tín dụng", ông Euenia F. Victorino, nhà kinh tế học tại ANZ, cho biết trong một báo cáo ngày 25/8.

Tăng trưởng không bền vững

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Việt Nam trong năm 2017 sẽ có thể đưa nền kinh tế trở về "mô hình tăng trưởng không bền vững trong quá khứ".

"Đã có sự cải thiện về nhu cầu tiêu dùng trong nước và gia tăng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 17,8% kể từ năm 2015, vượt qua các mục tiêu chính thức và trong năm nay vượt mục tiêu 18% của Ngân hàng Nhà nước (SBV)", ông nói.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng cao, SBV vẫn làm thị trường ngạc nhiên với quyết định giảm lãi suất điều hành (giảm 0,25 điểm phần trăm) và trần lãi suất cho vay ngắn hạn của tổ chức tín dụng vào tháng 7. Tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi gia tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 22%, để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP.

Ngành ngân hàng cũng đã phải chịu nhiều tác động nặng nề bởi các khoản nợ xấu. Theo đó, mức an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng trong nước đã bị suy yếu. Moody's ước tính, toàn bộ hệ thống ngân hàng bị thiếu hụt vốn khoảng 9,5 tỷ USD tính đến cuối năm 2016, tương đương 4,6% GDP.

"Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong khi nguồn vốn yếu sẽ làm tăng khả năng phân bổ tín dụng sai lầm", ông Victorino nói.

"Chúng tôi cảm thấy thoải mái khi phần lớn các khoản tín dụng mới được chuyển hướng đến các hộ gia đình thay vì bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước như trước đây. Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh tín dụng đối với ngành xây dựng và bất động sản trong vài năm qua đang ở trong tình trạng đáng báo động", ông nói thêm.

Hãng nghiên cứu Capital Economics cũng chỉ ra rằng Việt Nam có tỷ lệ nợ công trên GDP cao thứ hai ở các nền kinh tế mới nổi châu Á. Tỷ lệ này của Việt Nam là 60%, chỉ sau Sri Lanka với gần 80%. Hãng tư vấn nhận thấy SBV nên cắt giảm lãi suất một lần nữa trước thời điểm cuối năm để hỗ trợ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Hà Nội Mới

Theo đánh giá mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đà tăng trưởng cơ bản của Việt Nam vẫn vững vàng, được củng cố nhờ hoạt động sản xuất mạnh và nguồn vốn FDI dồi dào, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và sự phục hồi của sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, mặc dù ghi nhận các biện pháp củng cố tài chính, như cam kết hạn chế thâm hụt ngân sách tới 3,5% GDP vào năm 2020, IMF cho rằng "các biện pháp cụ thể vẫn chưa được xác định rõ ràng".

"Những cải cách của ngân hàng đã có phần tiến triển, nhưng giải pháp giải quyết các khoản vay không hiệu quả, tăng vốn ngân hàng và cải cách pháp lý vẫn chưa mang lại nhiều kết quả", cơ quan này cảnh báo.

IMF chỉ ra những nguy cơ cho nền kinh tế bao gồm nợ công cao, tiến trình giải quyết nợ xấu chậm, điều kiện tài chính toàn cầu chặt chẽ hơn và những cú sốc từ bên ngoài, như các chính sách tăng cường bảo hộ.

"Việc thực hiện thành công chương trình cải cách của chính phủ có thể tăng tiềm năng tăng trưởng và khả năng thích ứng với các cú sốc kinh tế. Bên cạnh đó, việc sớm thực hiện các hiệp định thương mại song phương sẽ kích thích xuất khẩu và FDI", IMF nhận định.

Thỏa thuận thương mại

Các nhà phân tích cũng cho rằng Việt Nam nên đẩy nhanh Hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU), hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - EU đã tăng lên hơn 48 tỷ USD từ 10 tỷ USD trong thập kỷ qua và một hiệp định thương mại có thể giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 2,7% mỗi năm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do khác như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), và vẫn đang tiếp tục tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay cả khi Mỹ đã rút.

Việt Nam cũng dự kiến sẽ loại bỏ tất cả thuế nhập khẩu còn lại với các nước láng giềng vào năm 2018, theo Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).

GDP danh nghĩa của Việt Nam đạt khoảng 201 tỷ USD, thấp hơn so với các quốc gia ở Đông Nam Á khác như Malaysia và Singapore (khoảng 296 tỷ USD mỗi nước), xếp hạng thứ 48 trong các nền kinh tế thế giới. IMF ước tính GDP của Trung Quốc là 11,2 nghìn tỷ USD.