'Chúng ta bắt được bệnh, có đơn thuốc nhưng chữa mãi không khỏi'

Anh Duy - 08:05, 24/03/2018

TheLEADERÔng Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, phạm vi cải cách của Việt Nam hiện còn hẹp, chưa bao quát được cả trước mắt và dài hạn là một trong những thách thức lớn khiến Việt Nam chưa xóa bỏ thành công rào cản phát triển kinh tế tư nhân.

Theo ông Hiếu, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với ba thách thức chủ yếu trong việc xóa bỏ rào cản phát triển kinh tế tư nhân, những rào cản khiến “chúng ta khám được bệnh, bắt được bệnh, có đơn thuốc nhưng chữa mãi không khỏi”.

'Chúng ta bắt được bệnh, có đơn thuốc nhưng chữa mãi không khỏi'
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Thứ nhất là khoảng cách giữa kết quả và mục tiêu đề ra và làm thế nào để Việt Nam có thể tổ chức thực hiện một cách đầy đủ.

Phát biểu tại chương trình hội thảo quốc gia “Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Hiếu cho biết từ năm 2015, Việt Nam phấn đấu môi trường kinh doanh ở mức trung bình 4 nước ASEAN nhưng đến nay vẫn chưa đạt được.

“Chúng ta không thực hiện được một cách đầy đủ, đúng thời hạn, đúng yêu cầu và mục tiêu đề ra. Chúng ta không phải là thiếu giải pháp, cũng không phải là không biết vấn đề”, ông Hiếu đánh giá.

Thứ hai là phạm vi cải cách còn hẹp, chưa bao quát được kể cả trước mắt và dài hạn, thể hiện qua những rào cản trong thểchế nhìn từ góc độ chính sách.

Ông Hiếu đánh giá rằng, Việt Nam gần như chưa có cải cách nhắm tới sự phát triển bền vững và tạo ra động lực phát triển thông qua vấn đề an toàn và bảo vệ quyền tài sản.

Bên cạnh đó, chính sách cạnh tranh dù đã được đề cập đến nhưng chưa thực sự mạnh mẽ. Xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp chỉ là điều kiện tiên quyết để tạo ra một sân chơi công bằng nhưng để thúc đẩy phát triển thì phải có một môi trường thể chế cạnh tranh bởi bản chất của động lực phát triển là cạnh tranh.

Các nghị quyết của Chính phủ được ông Hiếu đánh giá là mới chỉ dừng lại việc tập trung giảm gáng nặng pháp luật, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Xét về trước mắt, những hành động của Chính phủ cho đến hiện nay là đúng đắn nhưng bản chất và động lực lâu dài rõ ràng đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn rất nhiều việc đơn giản chỉ giảm tải.

Thách thức cuối cùng, cũng là thách thức quan trọng nhất chính là việc làm thế nào để có thể cải cách mạnh mẽ hơn và duy trì được động lực cải cách.

Cải cách không phải là quá trình một lần, do đó cái khó là làm thế nào để kéo dài được năm này qua năm khác và trong bối cảnh dư địa cải cách ngày càng khó, yêu cầu nỗ lực ngày càng phải lớn hơn.

Không chỉ vậy, bản thân Việt Nam còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.

Ông Hiếu cho rằng, thách thức đầu đã khó thì thách thức thứ hai còn khó hơn theo cấp số nhân và thách thức thứ 3 thậm chí khó gấp bội lần.

Mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho khu vực này tăng trưởng như năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh, những thách thức trên vẫn là bài toán khó cần được giải quyết càng nhanh càng tốt.