Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Cơn lũ hàng Thái "có chút lo âu nhưng không nên sợ hãi"

Kim Yến - 15:47, 25/10/2017

TheLEADERĐã chấp nhận kinh tế thị trường, hội nhập thì việc hàng hóa của nước khác ồ ạt tràn vào là tất yếu. Điều quan trọng chính là chúng ta học được gì từ câu chuyện này?

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Cơn lũ hàng Thái "có chút lo âu nhưng không nên sợ hãi"
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.

LTS: Nói “cơn lũ” hàng Thái không phải là kiểu nói ví von vì hàng Thái đã và đang tràn vào Việt Nam với mức độ báo động đến nỗi cách đây hơn nửa tháng Bộ Công thương phải tiến hành họp khẩn bàn biện pháp ứng phó khi nhập siêu hàng thái vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 đã lên đến 3,5 tỷ USD và còn tiếp tục gia tăng. Hàng Thái đã có mặt gần 9.000 chợ lớn nhỏ ở Việt Nam và ở các siêu thị hàng tiêu dùng, hàng điện máy ở các thành phố lớn, hàng Thái chiếm từ 30% đế 50%.

Đánh giá thực trạng hàng Thái ở Việt Nam và ứng phó thế nào trước sự xâm nhập ngày càng tăng của hàng Thái? Chuyên đề "Ứng phó thế nào trước cơn lũ hàng Thái?" được TheLEADER thực hiện với các phân tích, kiến giải và đưa ra giải pháp của các chuyên gia kinh tế, nhà báo, doanh nhân.

Trước cơn lũ hàng Thái có nguy cơ tràn ngập, xâm chiếm thị trường Việt, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, chút lo âu thì có, nhưng không nên hoảng hốt, sợ hãi, nghi kỵ… Phải bình tĩnh để nhìn nhận về câu chuyện hàng hóa song phương giữa Việt Nam - Thái Lan.

Phải nhìn trên toàn cục để đánh giá

Theo ông Võ Trí Thành, trong thời buổi thị trường và hội nhập, đây không phải lần đầu tiên Việt Nam gặp phải trường hợp này. Đã từng có hai lần như vậy, đầu những năm 90 khi Việt Nam mới cải cách thị trường, mở cửa, bia Trung Quốc, hàng sứ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam như bia Vạn Lực, nhưng cùng với thời gian không dài, người Việt dùng đồ gốm Việt rất nhiều như gốm sứ Minh Long, đàn ông Việt cũng uống bia Việt rất nhiều… đó chính là động lực cho doanh nghiệp Việt vươn lên.

Năm 2000, xe máy Trung Quốc ồ ạt xuất sang Việt Nam, chính vì thế xe máy Việt và xe máy Nhật tại Việt Nam cũng phải tự thay đổi, cải cách quyết liệt, tính nội địa hóa rất cao, trên 90%.

"Theo tôi, đây không phải là điều quá xa lạ. Cạnh tranh là yếu tố quyết định cho hiệu quả, cho nghị lực vươn lên, đó là nguyên tắc thị trường. Trên thực tế, khó khăn có nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có thể khắc phục, vươn lên, nếu biết kết nối, học hỏi”, ông Thành nói.

Ở một góc nhìn khác, ông Thành cho rằng trong kinh tế thị trường, rất nhiều lợi ích đan xen, trước một hiện tượng không nên chỉ nhìn nội ngành. Ví dụ rất rõ là hệ thống phân phối. Báo chí thường cho rằng phía nội và phía ngoại đánh nhau, tuy nhiên đó chỉ là một phần, thực ra là nhiều hệ thống bán lẻ đang liên kết với nhau, quan trọng là người tiêu dùng được hưởng lợi, thu ngân sách cũng hưởng lợi. Phải nhìn toàn cục chứ không chỉ nhìn nội ngành.

Hơn nữa, với quy mô sản xuất kinh doanh hiện nay, nhiều mạng sản xuất trong khu vực, nhiều chuỗi giá trị, thì mối quan hệ đan xen, phức tạp hơn nhiều chỉ để cập đến góc nhìn song phương. Cứ nhìn song phương trong thương mại thì khác gì Tổng thống Mỹ Donald Trump nói người Việt Nam đang cướp mất việc làm của người Mỹ? Đó không phải là kinh tế thị trường.

Trong trường hợp này, cái nhìn song phương là cần thiết nhưng không đủ, giống như cách nhìn song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phải nhìn trên toàn cục để đánh giá.

Học được gì từ cách đi của các thương hiệu Thái Lan?

Theo ông Thành, câu chuyện nhập siêu 3,5 tỷ USD từ Thái Lan các bộ ngành phải bóc tách ra, trong đó bao nhiêu là ô tô? Ô tô là câu chuyện khác với câu chuyện hàng hóa tiêu dùng, cả về năng lực cạnh tranh, phân phối. 

Hàng tiêu dùng đi qua những cửa khác nhau, không phải tất cả đều qua siêu thị của Thái. Qua Quảng Trị, Đông Hà, có thể thấy tràn ngập trên các phố là những cửa hàng nhỏ gia đình toàn bán hàng Thái. Đó là vấn đề cạnh tranh, chấp nhận của người tiêu dùng. 

Còn hàng điện máy, hàng xa xỉ, đồ lót… qua các hệ thống phân phối do người Thái làm chủ là bao nhiêu? Phải nhìn trong mức tăng lên từng mặt hàng đó, để thấy rõ phần các chủ siêu thị người Thái là bao nhiêu? Phần người Việt tự nhập hàng là bao nhiêu?

Bài học lớn nhất chính là chúng ta học được gì từ câu chuyện này?

Ông Thành nói: “Người Việt mình, Chính phủ mình, người làm chính sách, doanh nghiệp Việt Nam… phải thấy vấn đề dưới góc nhìn cầu thị, rằng mình học được gì ở đây?".

Ông phân tích thêm, lĩnh vực rõ nhất là ô tô. Xét về cả nội địa hóa, công nghiệp hỗ trợ, ô tô sản xuất ở Thái và năng lực cạnh tranh thì Thái là nhất ở ASEAN. Việc nhập tăng lên liên quan đến giảm thuế rất mạnh theo cam kết ATIGA, chắc chắn là người tiêu dùng được lợi.

Dưới góc độ doanh nghiệp, các công ty đang lắp ráp ô tô ở Việt Nam thì chiến lược lựa chọn của họ như thế nào? Có hai hướng rất rõ, một là không lắp ráp, không sản xuất nữa, mà làm dịch vụ. Thứ hai thấy rất rõ trong nguy có cơ, họ vẫn làm, vấn đề chọn phân khúc nào, thị trường nào, cái nhìn của họ chắc chắn là khu vực, và mạng sản xuất như THACO. Hay như VINFAST theo xu hướng mới, được hay không chưa thể biết, nhưng trong khó khăn nảy ra ý tưởng, khát vọng, liên kết với nước ngoài để bảo đảm cạnh tranh được không chỉ trên thị trường Việt Nam. 

Về phía Chính phủ, các bộ ngành, theo ông Thành, đã là thị trường thì khó khăn là đương nhiên, đây cũng là bài học đắt giá cho người làm chính sách, cho Chính phủ, thấy được ngành ô tô không thể làm rộng. Bên cạnh đó thể hiện điều hành thị trường của ta vẫn còn lúng túng, đời sống người tiêu dùng vẫn khó khăn. 

Nhu cầu cần hiện đại hóa, trong chừng mực khá ý nghĩa thì ô tô là ngành điển hình, liên quan đến ý tưởng, thiết kế, công nghệ mới gắn với cách mạng 4.0. Nhưng mặt khác, vấn đề môi trường, lao động, ngân sách… ứng xử trong xử lý rất nhiều mục tiêu ấy thấy rõ sự lúng túng trong để xuất chiến lược khả thi của các bộ ngành. Vai trò của Chính phủ trong công nghệ hỗ trợ, phí tổn kinh doanh… kết quả rất xa so với kỳ vọng, giá vận chuyển vẫn còn rất cao.

Bàn về cách thức xúc tiến thương mại của Thái Lan, ông Thành đánh giá, họ làm rất bài bản, không chỉ cung cấp thông tin cho thị trường, nhà đầu tư, mà họ còn kết nối tầm nhìn trung và dài hạn cho doanh nghiệp được làm việc với nhau. 

"Tôi nghiên cứu rất rõ và có cả quá trình đàm phán với họ trong ký kết hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, các nhà chính sách của mình phải học họ, nhưng học có chọn lọc", ông nói.

Vẫn theo ông Thành, một bài học nữa là Chính phủ phải khéo léo, có rất nhiều việc chúng ta làm mà không có lộ trình. 2019 mở cửa mạnh mẽ nhưng phải có nguyên tắc, điều kiện khi họ mở rộng cách thức kinh doanh tại Việt Nam, việc này chúng ta chưa làm tốt, những quy định còn… mờ lắm. 

Phải làm sao vận dụng phù hợp với cam kết hội nhập mà chúng ta lại cân đối được thị trường, dần hỗ trợ doanh nghiệp Việt, tăng cường sức ép cạnh tranh. Bên cạnh đó, chuẩn bị của chúng ta chưa tốt, chúng ta chưa lường hết những khó khăn, đem lại hệ quả không tốt. Sự chuẩn bị này phải từ cả hai phía Nhà nước và doanh nghiệp.

Các hệ thống phân phối ở Việt Nam đang chuyển mình rất mạnh

Nhìn vào hệ thống phân phối bán lẻ của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh với Thái Lan, ông Thành không quá bi quan: “Khó khăn rõ ràng là có, nhưng dấu hiệu tích cực là nhờ áp lực cạnh tranh của các nhà bán lẻ nước ngoài mà các hệ thống phân phối ở Việt Nam đang chuyển mình rất mạnh. Sự chuyển mình này ở tầm dài hạn và chiến lược, thấy tiềm năng thị trường, nhu cầu mới, cách chơi mới, nhiều doanh nghiệp Việt đã đi thẳng vào đầu tư kênh phân phối bằng kết nối. Rõ nhất là Vinmart, kỹ thuật chiết khấu, bảo đảm tiêu chuẩn sạch, xanh, chất lượng dịch vụ theo kịp nhu cầu mới nhất của người tiêu dùng . Tinh thần này đang lan rộng ra nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ".

Theo ông Thành, nếu kết nối, doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có lợi. Đừng quá cực đoan cho rằng siêu thị Thái chỉ bán hàng Thái, nếu người tiêu dùng không chấp nhận thì những ông chủ Thái cũng phải chào mời doanh nghiệp Việt để cung cấp hàng cho họ… Đằng sau câu chuyện này còn rất nhiều điều phải nhìn nhận lại.

Cũng theo ông Thành, sâu xa câu chuyện hàng tiêu dùng là vấn đề cạnh tranh, liên quan đến chất lượng và giá cả. Chất lượng hàng Thái ngày càng đáp ứng nhu cầu xã hội, sạch, theo tiêu chuẩn, mua bán thuận lợi, chưa kể cung cách phục vụ thông minh thì doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được.

Xu hướng thứ hai, trong bối cảnh mình còn khó khăn về vốn liếng, muốn chuyển giao, lan tỏa về kỹ năng, công nghệ, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn muốn hợp tác với nước ngoài để làm ăn, như Coop Mart, Phú Thái … đó là khát vọng, ý chí làm ăn với thế mạnh cốt lõi của mình, thì liên doanh liên kết vẫn là một cách chơi.

“Vươn ra bên ngoài không chỉ với Thái, mà các nước khác, như Vinamilk. Tăng cường chất lượng, biểu tượng xanh, hoa quả Việt đã sang các nước phát triển kể cả ASEAN. Sức ép cạnh tranh khiến cho cả nhà nước và doanh nghiệp phải biết học hỏi nghiêm túc, đàng hoàng. Chính phủ cũng học cách ứng xử với doanh nghiệp khác đi, còn doanh nghiệp cũng phải thay đổi từ tầm nhìn, chiến lược, cộng với linh hoạt, đàng hoàng, không láu cá, thì VN mới có thể vươn lên được”, ông Thành kết luận.