Chuyên gia lạc quan về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Thùy Dung - 11:08, 16/03/2018

TheLEADERLợi ích cơ bản khi thị trường Việt Nam được nâng hạng là thu hút dòng vốn nước ngoài, nâng cao tính minh bạch và cải thiện môi trường đầu tư.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá rằng nếu Việt Nam phấn đấu hết sức mình và với đà tăng trưởng tốt như năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được xem xét đưa vào watchlist, tức là danh sách cần theo dõi để được nâng hạng của MSCI, một trong những tổ chức lớn nhất thế giới về xếp hạng thị trường tài chính.

Theo quy định của tổ chức này, Việt Nam sẽ mất thêm ít nhất hai năm nữa để có thể được xem xét nâng hạng.

Điều này đồng nghĩa với việc trong trường hợp nhanh nhất, đến năm 2021, Việt Nam sẽ được MSCI nâng hạng từ vị trí thị trường sơ khai (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market).

Theo ông Lực, việc nâng hạng trên mang lại 4 lợi ích cơ bản. Thứ nhất là tăng khả năng thu hút vốn vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh hiện có rất nhiều quỹ đầu tư sẵn sàng rót tiền vào các thị trường mới nổi. Chuyên gia này ước tính mỗi năm, thị trường sẽ có thêm khoảng 5 tới 10 tỷ USD và đây là một con số rất đáng kể.

Thứ hai là giúp tăng khả năng minh bạch. Khi trở thành một thị trường mới nổi, thông tin sẽ được chuẩn hóa hơn với việc áp dụng các cơ chế kế toán, kiểm toán quốc tế.

Thứ ba là đẩy mạnh cải cách thể chế mạnh hơn, liên quan đến môi trường đầu tư cũng như môi trường công bố thông tin.

Thứ tư là việc nâng hạng thị trường thể hiện mức độ phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.

Liệu chứng khoán Việt có thể thăng hạng thị trường vào 2021?
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Võ Trí Thành, cựu Phó chủ tịch Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại buổi tọa đàm “Kinh tế Hoa Kỳ và Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn về Thị Trường Chứng Khoán”, khả năng Việt Nam trở thành “emerging markets” chỉ có xác suất 25%.

Theo ông Thành, có ba lý do khiến Việt Nam rất khó đạt được tiêu chí nâng hạng của MSCI.

Thứ nhất là việc công bố thông tin phải bằng tiếng Anh. Ông Thành cho rằng yếu tố này rất khó cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vấn đề khó khăn không chỉ nằm ở năng lực mà nguồn lực và phí tổn khá lớn.

Thứ hai là sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài hay mức độ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba là mức độ dễ dàng luôn chuyển dòng vốn. Theo cựu Phó chủ tịch của CIEM, đây là yếu tố Việt Nam khó đạt được nhất khi năm 2000, Việt Nam đặt mục tiêu trong 10 năm tới, VND trở thành đồng tiền chuyển đổi nhưng cho đến tận thời điểm hiện nay, mục tiêu này có thể nói là vẫn chưa thực hiện được.

Chuyên gia lạc quan về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam 1
Việt Nam là một trong 3 thị trường Châu Á chưa được MSCI nâng hạng

Trái ngược với tâm lý thận trọng của ông Thành, TS. Cấn Văn Lực lại cho rằng “nếu như chúng ta quyết tâm cũng như khi chúng ta tham gia vào các sân chơi như CPTPP thì những vấn đề trên sẽ được giải quyết”.

Theo ông Lực, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực và cố gắng trong việc đạt đến nâng hạng thị trường trong những năm qua như cải thiện môi trường kinh doanh, tăng quy mô thị trường chứng khoán. Việc Việt Nam tham gia và ký kết CPTPP được đánh giá là một động thái rất tích cực đối với thị trường tài chính.

Bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ SSI đánh giá trong hai năm gần đây, Chính phủ đã thay đổi rất nhiều trong cách cổ phần hóa doanh nghiệp khi sẵn sàng giảm tỉ lệ sở hữu xuống, tạo ra tính thanh khoản cũng như nâng cao tính công bằng, từ đó thúc đẩy thu hút nhà đầu tư ngoại.

Trong năm 2018, xu hướng cổ phần hóa được kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, bà Hằng nói.