Chuyên gia Ngân hàng thế giới: 'Tăng lương tối thiểu có tác động tiêu cực đến các khu vực kinh tế'

Minh Anh - 18:48, 13/09/2017

TheLEADERTheo nhiều chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh tăng lương cần phù hợp với các điều kiện về năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, không thể coi lương như một công cụ bảo trợ xã hội.

Chuyên gia Ngân hàng thế giới: 'Tăng lương tối thiểu có tác động tiêu cực đến các khu vực kinh tế'
Tăng lương đang gây khó cho doanh nghiệp?

Những góc nhìn khác biệt về lương tối thiểu và năng suất lao động tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu: “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Văn phòng JICA Nhật Bản tổ chức. 

Tăng lương khiến doanh nghiệp tăng trưởng chậm lại

(TS. Futoshi Yamauchi, Chuyên gia Ngân hàng thế giới, Washington DC)

TS. Futoshi Yamauchi. Ảnh: VEPR

Nhìn chung, xét về tổng thể nền kinh tế, tăng lương tối thiểu sẽ dẫn đến tăng lương trung bình, từ đó làm giảm việc làm và giảm lợi nhuận.

Lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%. Ngoài ra, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận (đo bằng lợi nhuận trên doanh thu) sẽ giảm 2,3%.

Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về tác động của tăng lương tối thiểu đối với các thành phần kinh tế, phản ánh sự khác nhau về quy mô của thị trường lao động và năng lực công nghệ và năng lực tài chính của các khối doanh nghiệp nhằm đối phó với sự gia tăng các chi phí lao động.

Về mức lương trung bình, mặc dù lương tối thiểu tăng có tác động tiêu cực đáng kể đến tất cả các khu vực kinh tế, tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu có tác động ít hơn trong khu vực tư nhân so với khu vực nhà nước và FDI.

Về việc làm, tác động của tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm nhiều hơn trong khu vực nhà nước (lương tối thiểu tăng 1% dẫn đến việc làm giảm 0,25%), nhưng tác động nhẹ và không đáng kể ở khu vực tư nhân và FDI. Cần lưu ý rằng, trong khu vực tư nhân, các doanh nghiệp có mức tuân thủ chế độ lao động cao hơn (thể hiện qua việc đóng bảo hiểm xã hội) sẽ cắt giảm việc làm nhiều hơn.

Về lợi nhuận, khu vực tư nhân chịu những tác động tiêu cực đáng kể từ tăng lương tối thiểu. Cụ thể, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận có khả năng giảm 3,25 điểm phần trăm. Điều này cho thấy, chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhanh và liên tục, có thể làm giảm tốc độ tích lũy tư bản của khu vực doanh nghiệp tư nhân, khiến khu vực này tăng trưởng chậm lại.

Ngoài ra, tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm trong tất cả các ngành công nghiệp. Doanh nghiệp có quy mô lớn hơn (thể hiện qua số lượng lao động nhiều hơn) thì cắt giảm việc làm nhiều hơn. Về đầu tư máy móc, khi mức lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc, trong khi các ngành công nghiệp thâm dụng vốn như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc.

Điều này cho thấy doanh nghiệp chỉ tiếp tục mở rộng sản xuất và đầu tư vào máy móc (để thay thế lao động) trong những ngành Việt Nam đang có lợi thế so sánh tĩnh. Còn với một số ngành quan trọng khác, doanh nghiệp có thể không muốn mở rộng vì lo ngại giá lao động sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, và do dó mất đi lợi thế so sánh.

Áp dụng lương tối thiếu có thể không phát huy tính hiệu quả

(TS. Nguyễn Tiến Dũng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách)

TS. Nguyễn Tiến Dũng. Ảnh: VEPR

Một bộ phận lớn người lao động (khoảng 50%) không có hợp đồng lao động. Do đó, họ không thuộc phạm vi áp dụng chính sách lương tối thiểu. Đối với người lao động làm công ăn lương (không bao gồm công nhân viên chức, cũng như các đối tượng làm việc tại cơ quan hành chính sự nghiệp của Nhà nước) từ đủ 15 tuổi trở lên, một bộ phận lớn người lao động làm việc tại các hộ gia đình, hay hộ sản xuất và kinh doanh cá thể nhận lương thấp hơn mức lương tối thiểu vào năm 2014.

Đối với người lao động làm công ăn lương, có hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, nhà nước và FDI (khu vực chính thức), tỷ lệ người lao động có thu nhập cao hơn lương tối thiểu là cao. Mức tỷ lệ này còn cao hơn đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành chế biến, chế tạo. Ngoài ra, tỷ lệ người lao động có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu có xu hướng tăng theo thời gian, nguyên nhân chủ yếu có thể bởi mức tăng lương tối thiểu đột ngột trong năm 2012, cũng như mức tăng ở các năm tiếp sau đó.

Lao động trẻ tuổi (hoặc lớn tuổi), có trình độ học vấn tương đối thấp, người làm việc không có hợp đồng (không được tham gia vào bảo hiểm xã hội) là những người có khả năng cao bị trả dưới mức lương tối thiểu. Thêm vào đó, hệ thống lương tối thiểu hiện nay dường như không bao hàm đầy đủ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội.

Điều này cho thấy việc áp dụng lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ xã hội (nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và giảm nghèo) có thể không phát huy tính hiệu quả.

Doanh nghiệp có khuynh hướng cắt giảm lao động hoặc không tăng lương

(TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách)

TS. Nguyễn Đức Thành. Ảnh VEPR

Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Việc tăng lương tối thiểu có khả năng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, và quan trọng hơn, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nếu lương tối thiểu cứ tiếp tục tăng nhanh hơn năng suất lao động.

Bên cạnh đó, lương tối thiểu không phát huy vai trò hiệu quả nếu được xây dựng như một chính sách bảo trợ xã hội. Vì hệ thống lương tối thiểu hiện nay không bao gồm người lao động không có hợp đồng, cũng như không có nhiều tác dụng đối với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Do đó, cần có các chính sách bổ trợ khác, thay vì chỉ kỳ vọng ở chính sách lương tối thiểu.

Trong khi đó, việc xem lương như một công cụ mang tính bảo trợ xã hội, tăng lương không theo một nguyên tắc nào hết đang gây ra những tác động rất lớn với xã hội, mà trước hết là gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hiện nay đang có khuynh hướng cắt giảm lao động hoặc không tăng lương. 

Cụ thể, các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tiền lương và phúc lợi lao động cảm thấy khó khăn hơn vì chính sách lương tối thiểu và buộc phải cắt giảm nhân công. Trong khi đó, các doanh nghiệp chấp hành ít nghiêm chỉnh hơn, né tránh phần nào tác động của tăng lương tối thiểu, và do dó, không cắt giảm nhân công.

Như vậy, chính sách tăng lương của Chính phủ lại mang một ý nghĩa tiêu cực, nó không những không bảo vệ được người lao động mà còn vô tình đẩy hàng triệu người lao động đến nguy cơ mất việc. Thay vì nâng cao đời sống cho người lao động thì nó lại làm mất đi cơ hội việc làm của nhiều người lạo động khác.

Do đó, tôi cho rằng việc tăng lương phải phản ánh đúng năng suất lao động . Vấn đề chính của Việt Nam là làm thế nào để tăng năng suất lao động. Khi năng suất tăng, người lao động sẽ nhận được lương một cách xứng đáng, đời sống của người dân được cải thiện, doanh nghiệp cũng từ đó phát triển đi lên, có như vậy mới có thể tạo động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững.