Chuyên nghiệp hóa hội đồng quản trị của doanh nghiệp: Khó hay dễ?

An Chi - 15:06, 02/03/2018

TheLEADERChuyên nghiệp hóa hội đồng quản trị là yếu tố cần thiết giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp gia đình, để giải bài toán này là không hề đơn giản do những mối quan hệ đặc thù giữa các thành viên gia đình trong hội đồng quản trị.

Chuyên nghiệp hóa hội đồng quản trị của doanh nghiệp: Khó hay dễ?
Ông Tạ Quốc Đạt, Tổng giám đốc Công ty CP TAKUDA.

Hiện nay, chuyên nghiệp hoá đang trở thành mối quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp gia đình. Trong đó, quan trọng nhất chính là năng lực của các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) để bảo đảm chèo lái doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời đại 4.0 và cạnh tranh toàn cầu. 

Việc thường xuyên xem xét lại các muc tiêu chiến lược của doanh nghiệp, năng lực của các thành viên, cũng như làm mới bộ mặt ban lãnh đạo công ty là rất cần thiết.

Tuy nhiên, một trong những điều thường thấy tại nhiều doanh nghiệp gia đình là các thành viên trong gia đình luôn đảm nhiệm các vị trí quan trọng HĐQT. Việc nâng cao năng lực quản trị của ban lãnh đạo cũng là điều không dễ. 

Theo nhiều chuyên gia, để đánh giá HĐQT và đưa ra yêu cầu nâng cao tính chuyên nghiệp luôn là một công việc rất khó, bởi không ai có thể đánh giá được liệu HĐQT có làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp hay không ngoài chính họ. 

Hơn nữa, đánh giá năng lực mỗi thành viên trong HĐQT luôn là câu chuyện nhạy cảm, ảnh hưởng đến mối quan hệ và rất khó khắc phục trong trường hợp này.

Chuyên nghiệp hóa HĐQT của doanh nghiệp: Khó hay dễ?
Chương trình CEO - Chìa khoá thành công số 45

Để tìm giải pháp cho các doanh nghiệp gia đình, chương trình CEO - Chìa khoá thành công số 45 của VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam) đã đặt ra chủ đề "Doanh nghiệp gia đình - Chuyên nghiệp hóa hội đồng quản trị".

Chương trình đặt ra tình huống của một doanh nghiệp gia đình sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm chế biến. Sau 25 năm phát triển ổn định, đến nay, doanh nghiệp đang chuẩn bị các bước để lên IPO. 

Cùng thời điểm đó, doanh nghiệp cũng bắt tay hợp tác chiến lược với một với đối tác đến từ Châu Âu. Họ chấp thuận kế hoạch IPO của doanh nghiệp. Nhưng yêu cầu HĐQT cần bổ sung thành viên độc lập vào. Đó phải là người có trình độ, có năng lực giúp doanh nghiệp tăng tính minh bạch và sự chuyên nghiệp, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho Ban điều hành.

Chuyên nghiệp hóa HĐQT của doanh nghiệp: Khó hay dễ? 1
Ông Bùi Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hùng Vân trong vai trò cổ đông

Bản thân CEO cũng nhận thấy, để doanh nghiệp có thể chuyển sang một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn thì đó là yếu tố cần thiết. Bởi thực tế, các thành viên HĐQT hiện nay chỉ thuần túy sở hữu vốn chứ không phải là những nhà quản trị chuyên nghiệp.

Bởi vậy, CEO đề xuất cần chuyên nghiệp hóa HĐQT, một mặt bổ sung nhân sự cấp cao vào HĐQT, mặt khác HĐQT cũng phải tự nâng cao năng lực của mình.

CEO thuyết phục rằng, muốn IPO, muốn thu hút đối tác, không chỉ phải cần phải bổ sung nhân sự cấp cao bên ngoài vào HĐQT, mà còn phải đồng thời nâng cao năng lực các thành viên khác trong HĐQT. HĐQT là người vạch chiến lược và quyết định những vấn đề về chiến lược. Khi phát triển đến tầm cỡ lớn, một sai nhỏ sẽ làm đổ cả ngôi nhà lớn nên HĐQT cần phải chuyên nghiệp.

HĐQT chuyên nghiệp thì sẽ hỗ trợ được nhiều cho bộ máy điều hành cả trong việc hoạch định chiến lược lẫn phát triển công ty. Nhiều cty nước ngoài phát triển tốt, là vì trên thực tế họ áp dụng mô hình quản trị rất chuyên nghiệp. Doanh nghiệp lớn và chuyên nghiệp điều hành bằng vốn chứ không phải bằng chính bản thân họ.

Chuyên nghiệp hóa HĐQT của doanh nghiệp: Khó hay dễ? 2
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Hợp danh đấu giá Tây Đô trong vai trò cổ đông

Tuy nhiên, HĐQT lại không đồng tình vơí đề xuất này. Theo họ, khi nắm vốn, họ phải kiểm soát được vốn của mình. Để người ngoài vào kiểm soát thì không thể tin tưởng được. An toàn là trên hết. Giỏi mà không đáng tin thì mất cả chì lẫn chài.

Theo HĐQT, các thành viên gia đình trong hiện nay đều đã tham gia HĐQT từ nhiều năm. Chính họ là những người đã cùng CEO mang lại thành công hôm nay. Tuy có thể có một số hạn chế (như khó khăn trong việc tiếp cận những kiến thức và thông lệ mới vì lý do tuổi tác và lối mòn trong công việc…) thì các thành viên này vẫn đang rất nhiệt huyết và tin tưởng. Yếu tố đó mới làm nên sự ổn định và phát triển cho doanh nghiệp.

Giả sử có thuê được người bên ngoài vào thì cũng phải mất rất nhiều tiền. Dù họ là người có chuyên môn thực sự nhưng đã chắc gì họ tâm huyết, toàn tâm toàn ý với doanh nghiệp.

Ông Tạ Quốc Đạt, Tổng Giám đốc Công ty CP TAKUDA tham gia chương trình CEO - Chìa khóa thành công trong vai trò CEO cùng với hai vị khách mời trong vai trò cổ đông HĐQT, là ông Bùi Ngọc Hùng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hùng Vân) và ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hợp danh đấu giá Tây Đô). Cả ba sẽ cùng tranh biện và phân tích xung quanh chủ đề của chương trình.

Chương trình Chìa khoá thành công số 45 được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (4/3) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (5/3) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

CEO – Chìa khóa thành công là một chương trình chính luận, kinh tế chuyên biệt của Đài Truyền hình Việt Nam. Ra đời từ năm 2005, chương trình có sứ mệnh “Đồng hành doanh nghiệp, nâng tầm doanh nhân” trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập.

Bắt đầu từ năm 2017, bên cạnh các chương trình phát sóng trên VTV, CEO – Chìa khóa thành công sẽ tổ chức chuỗi các hội thảo dành riêng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp theo các chủ đề hữu ích và thời sự về kinh doanh. TheLEADER.vn là đơn vị bảo trợ thông tin cho chương trình này.

Chương trình được tổ chức định kỳ hai tháng một lần các hội thảo, tọa đàm, workshop, với nội dung xoay quanh các vấn đề nan giải mang tính chiến lược về thương hiệu, phát triển, nhân sự, tài chính của các doanh nghiệp. Qua đó, đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp tục định hướng phát triển.