Chuyện ưu đãi đặc khu và bài học thất bại của các khu kinh tế mở trong quá khứ

Thu Phương - 09:00, 24/05/2018

TheLEADERChuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc ưu đãi dàn trải cho quá nhiều ngành nghề tại ba đặc khu kinh tế tương lai đang làm gia tăng sự bất bình đẳng về thuế cho các doanh nghiệp.

Chuyện ưu đãi đặc khu và bài học thất bại của các khu kinh tế mở trong quá khứ
Đầu tư sân bay ở Vân Đồn

Chính sách thuế không nên là ưu tiên hàng đầu tại các đặc khu

Tại phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sáng 23/5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) với một số điều chỉnh trong ưu đãi về thuế tại các đặc khu tương lai Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Theo đó, để kêu gọi và hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn từ nước ngoài, dự thảo luật đặc khu kinh tế đã đề xuất những chính sách ưu đãi đặc biệt.

Cụ thể, về thời hạn sử dụng đất, dự thảo luật quy định hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư.

Với từng trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ngoài ra, Nhà nước còn miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời gian thuê đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đảm bảo tiêu chí là các dự án khách sạn, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 4 sao trở lên; du lịch văn hóa có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỉ đồng, dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, vốn đầu tư tối thiểu là 45.000 tỉ đồng, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng hàng không quốc tế là 6.000 tỉ đồng.

Đối với kinh doanh casino trong đặc khu sẽ được áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu từ dịch vụ.

Về những ưu đãi thuế tại các đặc khu kinh tế, tại Hội thảo "Thảo luận về chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu kinh tế", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ưu đãi về thuế không nên là ưu tiên hàng đầu tại các đặc khu.

Chuyện ưu đãi đặc khu và bài học thất bại của các khu kinh tế mở trong quá khứ
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo bà Lan, đặc khu kinh tế là một phòng thí nghiệm về thể chế nhằm đưa ra các thể chế mới nhất trong điều kiện nền kinh tế đang hội nhập toàn diện với các cam kết thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia.

"Việt Nam rất cần thể nghiệm đặc khu kinh tế ở cái đó, chứ không phải đưa ra hàng loạt ưu đãi. Ưu đãi tại các khu kinh tế mở của Việt Nam đã có nhiều rồi, nhưng không thành công. Như vậy là do các ưu đãi đã có nhiều nhưng không thực hiện tốt, không hiệu quả chứ không phải là không có ưu đãi phải đề xuất thêm tại các đặc khu. Với cách làm này, không tin là sẽ thành công", bà Phạm Chi Lan nói.

Mặt khác, vị chuyên gia này cũng cho rằng, với mức 10% thuế thu nhập doanh nghiệp tại các đặc khu, chỉ bằng một nửa so với các khu vực khác. Như vậy, cùng một doanh nghiệp giống nhau nhưng chỉ vì họ ở đặc khu nên được ưu đãi hơn. Điều này làm gia tăng sự bất bình đẳng về thuế cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc ưu đãi dàn trải cho quá nhiều ngành tại ba đặc khu kinh tế sẽ gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước do hoạt động chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp. Nếu không có cách bù đắp được những thiếu hụt này, người dân liệu có phải cõng thêm gánh nặng thuế phí, liệu có gia tăng số người nghèo hay không, bà Lan đặt câu hỏi

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng bày tỏ lo ngại vấn đề thâm hụt ngân sách. 

“Việt Nam đang phải tái cấu trúc toàn bộ hệ thống thuế vì nhiều loại thuế đang giảm đi theo lộ trình hội nhập, nguồn thu ngân sách đang giảm đi. Nay xây dựng 3 đặc khu này, sẽ cần đầu tư lượng vốn rất lớn. Vậy nguồn tiền ở đâu? Ngân sách thì không có, nếu kêu gọi tư nhân cũng cần có vốn mồi. Đó là điều nên cẩn trọng xem xét tỉ mỉ việc có nên xác định xây dựng ngay hay không”, vị chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Cũng theo ông Hồ, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã bỏ những ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, mà cố gắng tạo ra một mặt bằng chung với cơ chế thông thoáng, để từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy, nếu vẫn áp dụng các ưu đãi như trong dự thảo luật đặc khu thì đó là “sai lầm”.

Chuyện ưu đãi đặc khu và bài học thất bại của các khu kinh tế mở trong quá khứ 1
TS. Lưu Bích Hồ

Còn theo ông Henrique Alencar, Tư vấn chính sách về thuế và bất bình đẳng, tổ chức Oxfam Novib, những ưu đãi thuế với đặc khu dẫn đến giảm thu ngân sách, thậm chí dẫn đến thâm hụt ngân sách. 

Từ đó, có thể Chính phủ phải cắt giảm các chương trình đầu tư cho giáo dục, y tế, các chương trình phúc lợi hoặc phải cắt giảm ưu đãi ở những khu vực không được ưu đãi, vì khu vực ưu đãi các bạn phải cam kết lâu dài.

Nghiêm trọng hơn, những chính sách ưu đãi kéo dài hàng chục năm sẽ dẫn đến những thất thoát lớn hơn nhiều dự đoán của người làm chính sách. Do đó, nếu không có những tính toán cụ thể, sẽ rất khó để đánh giá được cái được và mất khi thực hiện những chính sách này, ông Henrique nhấn mạnh.

Cho thuế đất đến 99 năm, chỉ doanh nghiệp bất động sản được lợi?

Về việc cho thuê đất lên tới 99 năm tại các đặc khu kinh tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: "Đây là điều rất tệ và không nên làm, bởi không một doanh nghiệp nào xây dựng nhà máy dám tuyên bố tôi sẽ làm đến 99 năm".

Việc cho thuê đất thời hạn quá lâu tại các đặc khu cùng với cơ chế chuyến nhượng đất kinh hoạt sẽ khiến giới doanh nghiệp bất động sản được lợi nhất do họ được phép sở hữu đất lâu dài.

Bà Lan cho rằng, trong ưu đãi thời gian thuê đất này, rõ ràng đang có sự vận động chính sách của các doanh nghiệp bất động sản, du lịch.

Trong khi đó, cái Việt Nam cần ở các đặc khu kinh tế không phải là bất động sản. Không một đất nước nào có thể phát triển nhờ bất động sản. Thay vào đó phải là công nghiệp sản xuất. 

Giấc mơ công nghiệp hoá hiện đại hoá của Việt Nam vẫn còn dang dở, trong khi, cơn sốt đất tại các đặc khu hiện nay đang tạo hiệu ứng hút vốn, hút nguồn lực, giảm sự quan tâm thích thú của các doanh nghiệp vào các lĩnh vức khác, vị chuyên gia này cho hay.

Ở khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, việc gắn đất đai với quyền sở hữu và ưu đãi cho thuê với thời hạn quá dài là không cần thiết. Điều này không có lợi cho việc bảo vệ lợi ích lâu dài của quốc gia cũng như gây những bất ổn về an ninh quốc phòng.

Tại các đặc khu quốc tế, thời gian cho thuê tối đa chỉ 50 năm có nơi chỉ 20 năm. Do đó, Việt Nam nên xem xét, tính toán lại mức ưu đãi này để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho các đặc khu, vị chuyên gia này nhấn mạnh.