Cổ đông Techcombank đồng ý tăng vốn thêm 1 tỷ USD

Trần Anh - 21:16, 14/06/2018

TheLEADERĐây là đợt tăng vốn thông qua hình thức trả cổ tức bằng tiền 200%, tức là các cổ đông không góp thêm vốn vào ngân hàng.

Đại hội đồng cổ đông bất thường của Techcombank hôm nay đã thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ lên mức 34.965 tỉ đồng từ mức hơn 11.500 tỷ đồng hiện tại. 

Theo đó vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm tổng cộng là 23.311 tỉ đồng thông qua 3 nguồn gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong 3 năm gần nhất của Techcombank (5.827 tỷ đồng), quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (3.496 tỷ đồng), nguồn thặng dư nguồn vốn từ đợt phát hành riêng lẻ cổ phần Techcombank trước khi ngân hàng này niêm yết (13.986 tỷ đồng).

Các cổ đông sẽ được trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 200%, tương ứng với số lượng cổ phần dự kiến phát hành thêm là 2,331 tỷ cổ phần phổ thông. Tổng số lượng cổ phiếu của Techcombank sau khi tăng vốn sẽ là khoảng 3,5 tỉ cổ phiếu. 

Theo kế hoạch thủ tục tăng vốn điều lệ sẽ được hoàn tất  trong tháng 7. Thời gian phát hành cổ phiếu dự kiến thực hiện trong quý 3/2018. Mức vốn điều lệ mới sẽ đưa Techcombank vượt qua BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 3 trong ngành ngân hàng, sau Vietcombank và Vietinbank.

Gần đây nhiều ngân hàng TMCP lên kế hoạch tăng vốn điều lệ sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Đặc biệt là khi việc áp dụng tính CAR theo chuẩn Basel 2 đang đến gần.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, nếu áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel 2 tại nhóm ngân hàng thí điểm, hệ số CAR sẽ giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Trước đó, một số ngân hàng, như VPBank cũng thông báo về việc tăng vốn điều lệ thêm 10.000 tỷ đồng, MB tăng vốn điều lệ thêm 3.449 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, vấn đề lớn của các ngân hàng đang gặp phải, đó là dù tăng vốn điều lệ lên rất cao, song dòng tiền mới không thực sự chảy vào ngân hàng.

Trong trường hợp Techcombank, nguồn tiền để tăng vốn điều lệ của ngân hàng đến từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ vốn bổ sung và thặng dư cổ phần từ các đợt phát hành trước đó. 

Tất cả những nguồn tiền trên đều đã được tính vào nguồn vốn tự có của ngân hàng. Do đó, dù có tăng vốn điều lệ lên rất cao nhưng tổng vốn tự có của Techcombank không thay đổi nhiều.

Còn VPBank và MB cũng tăng vốn chủ yếu dựa vào nguồn lợi nhuận để lại, các quỹ và thặng dư vốn cổ phần.

Trọng tâm của việc tăng vốn là phải có dòng tiền mới từ các nhà đầu tư chảy vào, từ đó cải thiện nguồn vốn tự có của ngân hàng. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng đạt được mục tiêu này.

Các ngân hàng TMCP Nhà nước như Vietcombank và BIDV đều có kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu mới cho nhà đầu tư nước ngoài hay tìm đối tác chiến lược. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa ngân hàng nào huy động vốn thành công.

Trước khi niêm yết, Techcombank đã có các đợt phát hành riêng lẻ thu hút 900 triệu USD từ các quỹ đầu tư tài chính lớn. Đây là đợt gọi vốn lớn nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam. 

Vào cuối năm ngoái, các nhà đầu tư nước ngoài cũng chi ra 300 triệu USD để mua hơn 21% cổ phần của HDBank trước khi ngân hàng này niêm yết. Tuy nhiên giao dịch này diễn ra trên thị trường thứ cấp và HDBank sau đó phát hành riêng lẻ cho các cổ đông hiện hữu với giá tương đương.