Cơ hội tỷ đô cho xuất khẩu Việt Nam tại thị trường châu Phi và Nam Á

Đặng Hoa - 16:15, 25/04/2018

TheLEADERTheo đại diện Bộ Công thương cho biết, đây là các thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng và có nhiều phân khúc thị trường phù hợp với sản phẩm thương hiệu Việt từ hàng cao cấp đến hàng tiêu dùng bình dân.

Cơ hội tỷ đô cho xuất khẩu Việt Nam tại thị trường châu Phi và Nam Á
Nhu cầu gạo tại thị trường châu Phi rất lớn.

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cho rằng, bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, các thị trường tiềm năng như châu Phi và Nam Á cần được các doanh nghiệp hướng đến để tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. 

Trong khi yêu cầu tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật rất cao tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, các thị trường tiềm năng như châu Phi và Nam Á vẫn chưa thực sự yêu cầu quá khắt khe.

Đối với châu Phi, bà Oanh cho rằng cần quan tâm nhiều hơn đến các thị trường như Algeria, Ai cập, Nam Phi, Angola... với các mặt hàng gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, điện gia dụng, dệt may và các máy cơ khí cho nông nghiệp, dệt may.

Với dân số trên 1 tỷ người, nhu cầu gạo đối với các quốc gia châu Phi sẽ tăng lên mạnh trong thời gian tới. Mặc dù chính phủ các nước châu Phi đã ưu tiên phát triển nông nghiệp đặc biệt là canh tác lúa song không mang lại hiệu quả và chưa đáp ứng được nhu cầu.

Nhập khẩu gạo đối với các nước châu Phi cũng tốn ít chi phí hơn so với sản xuất trong nước vì họ phải đầu tư rất lớn vào hệ thống tưới tiêu; tỷ lệ dân số trong khu vực luôn tăng cao hơn so với tốc độ tăng của sản xuất nông nghiệp cũng như dân số đô thị ngày càng gia tăng khiến cho việc tự đảm bảo an ninh lương thực ngày càng khó khăn. 

Vì vậy bà Oanh khẳng định trong thời gian tới, châu Phi vẫn phải tiếp tục nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Bên cạnh đó, châu Phi cũng là thị trường có lượng thuê bao di động gia tăng nhanh nhất thế giới. Đây là cơ hội lớn cho các sản phẩm viễn thông, điện thoại thương hiệu Việt như Viettel. 

Việc sản xuất các mặt hàng thủy sản đặc biệt là sản xuất cá nước ngọt không phát triển ở châu Phi; do đó khu vực này phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng cao. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng thủy sản để thay thế cho các sảm phẩm thịt của người dân châu Phi đang tăng lên, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu các mặt hàng như tôm, cá phi lê

Đối với thị trường Nam á, đặc biệt là Ấn Độ đang có nhu cầu nhập khẩu lớn một số mặt hàng đơn giản như củ gừng, đinh hương nhưng Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu được nhiều. Chẳng hạn, xuất khẩu củ nghệ từ Việt Nam sang Ấn Độ chỉ chiếm 6,1% thị phần.

Thị trường Bangladesh với quy mô 160 triệu dân có nhu cầu lớn với nhiều mặt hàng như máy nông nghiệp, công cụ xe đạp xe máy, đường mía, bánh kẹo, sữa, kem... nhưng Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được.

Thị trường truyền thống vẫn còn nhiều dư địa

Khu vực châu Á - Thái Bình dương trong đó có các nước ASEAN thuộc các thị trường phát triển hàng đầu thế giới, có triển vọng phát triển kinh tế sáng sủa trong tiến trình tự do hóa thương mại, có tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh.

Theo bà Oanh, ở khu vực này vẫn cần tập trung vào các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và các thị trường nhiều tiềm năng như Myanmar với các mặt hàng chế biến chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, duy trì đẩy mạnh các nhóm hàng nông lâm thủy sản như gạo, rau quả, cà phê, ca cao...

Đơn cử như Indonesia với địa hình đảo khiến việc cung cấp điện cho người dân gặp không ít khó khăn, việc sản xuất điện cũng không đủ để cung cấp; do đó, nhu cầu về máy phát điện là khá lớn. Đây là các sản phẩm mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận.

Năm 2017, Indonesia nhập khẩu khoảng 374 triệu USD mặt hàng máy phát điện, trong đó nhập khẩu 212 triệu USD từ thị trường Trung Quốc, chiếm hơn 56%, 44 triệu USD từ thị trường Nhật Bản, 18,9 triệu USD từ Singapore trong khi thị phần máy phát điện Việt Nam tại thị trường này chỉ chiếm hơn 1,9%, tương đương 7,15 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này ra thị trường thế giới đạt kim ngạch hơn 100 triệu USD, chủ yếu tập trung vào các thị trường Philippines và Mexico.

Myanmar là một thị trường mới nổi và các mặt hàng thuần việt như đường mía có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2017, thị phần xuất khẩu đường mía của Việt Nam sang Myanmar chỉ chiếm 0,44%.

Malaysia có nhu cầu nhập khẩu thủy sản lên tới 242 triệu USD trong khi Việt Nam chỉ mới xuất khẩu sang thị trường này 35,1 triệu USD, chiếm thị phần 14,5%. Với mặt hàng cà phê, Việt Nam cũng mới chỉ xuất khẩu khoảng 65,2 triệu USD trong khi nhu cầu nhập khẩu đối với mặt hàng này tại Malaysia là 245 triệu USD.

Đối với thị trường Philippines, nhu cầu đối với nhiều mặt hàng như chế phẩm gia vị là khá lớn và các doanh nghiệp Việt có thể hướng đến. Trong năm 2017, nhập khẩu mặt hàng nước sốt từ Việt Nam của Philippines chỉ chiếm hơn 3% trong khi nhu cầu nhập khẩu nước này rất lớn. Đối với mặt hàng nguyên liệu thực phẩm, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu 32 triệu USD trên tổng số 700 USD, chiếm 4,6% thị phần.

Thái Lan là thị trường truyền thống của Việt Nam trong khu vực ASEAN; nhưng đối với một số sản phẩm như sữa, trái cây tươi, sấy khô thì đây lại là một thị trường hoàn toàn mới. Nhiều vùng của Thái Lan chưa được các doanh nghiệp Việt quan tâm đúng mức và tận dụng được như khu vực Đông Bắc của Thái Lan.

Bên cạnh đó, Đông Bắc Á là khu vực đông dân cư, có nhu cầu nhập khẩu bình quân/đầu người cao, là địa bàn có sức mua cao và là khu vực để thương hiệu Việt có thể tiếp tục khai thác và thử sức. Khu vực Trung Đông và châu Phi cũng là những khu vực có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cao.

Đối với thị trường này bà Oanh cho rằng, cần tập trung vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Hàn Quốc đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam với các ưu đãi cắt giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới, đặc biệt đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực và các mặt hàng công nghiệp như dệt may, gỗ... Việt Nam đồng thời là đối tác đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa đối với nhiều mặt hàng hết sức nhạy cảm như tỏi, mật ong, gừng, khoai lang.

Hiệp định FTA với Hàn Quốc cũng tạo cơ hội cạnh tranh cho các sản phẩm của Việt Nam so với các đối thủ khác như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Chẳng hạn, Hàn Quốc đã miễn thuế tôm xuất khẩu của Việt Nam với hạn ngạch 10 ngàn tấn/năm tăng dần trong 5 năm lên 15 ngàn tấn/năm tuy nhiên Việt Nam chỉ mới tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản được đảm bảo ưu đãi thuế cao nhất so với các nước ASEAN khác đối với các mặt hàng mật ong, gừng tỏi, vải, sầu riêng, tôm, cua. Đặc biệt, Nhật Bản không bảo hộ bằng thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là hai mặt hàng dệt may và giày dép.

Đối với thị trường châu Đại Dương, cần đặc biệt tập trung vào thị trường Australia với các sản phẩm từ cây dừa. Năm 2017, Australia nhập khẩu 5 triệu USD dừa bóc vỏ, trong đó Thái Lan chiếm 3,7 triệu USD tương đương 72,9% thị phần trong khi thị phần của Việt Nam chỉ chiếm 3,1% với 192.000 USD.

Một sản phẩm thuần Việt khác có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này là cây lau nhà. Nhu cầu ở Australia là rất lớn trong khi thị phần nhập từ Trung Quốc chiếm tới 81,7%, con số của Việt Nam chỉ là 1,3%. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng này chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ.

Để có thể tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng của các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng các thị trường trọng điểm, truyền thống, đại diện Bộ Công thương cho rằng cần có sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan xúc tiến thương mại ở trung ương và địa phương, các hiệp hội và ngành hàng và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.