Công ty cho vay tiêu dùng phải xóa nợ nghìn tỷ

Minh An - 10:41, 18/08/2017

TheLEADERThị trường tài chính tiêu dùng bùng nổ gần đây mang lại lợi nhuận lớn nhưng cũng khiến các công ty cho vay phải xóa nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Công ty cho vay tiêu dùng phải xóa nợ nghìn tỷ
Cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng 29% năm ngoái. Ảnh: Thanh Lan

Năm 2016, FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng của VPBank, lãi sau thuế gần 2.000 tỷ đồng, đóng góp 50% vào tổng lợi nhuận của ngân hàng này. Lợi nhuận lớn giúp VPBank có định giá hấp dẫn và trở thành cổ phiếu ngân hàng có thị giá lớn nhất (39.000 đồng) trên sàn chứng khoán sau khi niêm yết hôm qua.

Dù mới xuất hiện, nhưng thương hiệu FE Credit hiện đã bỏ xa các công ty cho vay tiêu dùng khác như HD Saison, Home Credit hay Prudential Finance. Bốn công ty này cũng đang thống lĩnh thị cho vay tiêu dùng ở Việt Nam.

Quy mô cho vay của công ty này đạt 32 nghìn tỷ vào cuối năm 2016, gấp 3 lần so với công ty đứng thứ 2 là Home Credit, công ty từng được biết đến với thương hiệu PPF, xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2009.

Thay đổi thói quen tiêu dùng của tầng lớp dân số trẻ ở Việt Nam tạo nên sự bùng nổ trên thị trường cho vay tiêu dùng những năm gần đây. Năm 2016, thị trường này tăng trưởng 29%, đạt quy mô khoảng 26 tỷ USD, theo một nghiên cứu của StoxPlus.

Ngày càng có nhiều người có nhu cầu vay mượn để chi tiêu. Đó là cơ hội kiếm lời của các công ty cho vay tiêu dùng. Home Credit, công ty từ Cộng hòa Czech, năm ngoái cũng lãi 1.226 tỷ đồng. HDSaison, công ty của HDBank hợp tác với Credit Saison cũng lãi hơn 300 tỷ trong năm ngoái.

Tuy nhiên đằng sau những con số lợi nhuận nghìn tỷ, các công ty tài chính tiêu dùng cũng phải xóa nợ hàng nghìn tỷ đồng khác trong danh mục cho vay.

Công ty tài chính tiêu dùng của VPBank đã phải sử dụng gần 3.000 tỷ đồng để xử lý rủi ro cho vay, theo báo cáo năm 2016. Trước đó, năm 2015, con số này là 810 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, VPBank đã sử dụng 3.305 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng, trong đó, riêng tại ngân hàng chỉ chiếm 11%, còn lại là sử dụng tại FE Credit và công ty VPBank AMC.

Tương tự, Home Credit đã xóa nợ 670 tỷ đồng khỏi danh mục cho vay trong năm ngoái. Năm 2015, công ty này cũng xóa nợ 826 tỷ đồng.

Để có dự phòng sử dụng khi xóa nợ, các công ty tài chính tiêu dùng đều phải trích lập với tỷ lệ cao từ lợi nhuận tạo ra hàng quý/năm.

Năm ngoái, tại FE Credit, công ty này đưa vào dự phòng 55% lợi nhuận tạo ra (gần 3.200 tỷ đồng). Tương tự, Home Credit dự phòng 715 tỷ đồng trong số 2.252 tỷ đồng lợi nhuận tạo ra năm 2016.

Bản cáo bạch niêm yết của ngân hàng này cho biết, FE Credit có hơn 3,9 triệu khách hàng vào cuối năm 2016. Đối tượng của công ty này là người có thu nhập 1,5 đến 7,5 triệu đồng.

Trong khi đó, đặc thù của các khoản vay tiêu dùng là tín chấp (không có tài sản đảm bảo) nên khi khoản vay rơi vào tình trạng nợ xấu, các công ty cho vay không thể thu hồi được vốn và phải sử dụng dự phòng để xử lý.

Nhiều công ty tài chính mới đang xuất hiện nhằm giành được miếng bánh của thị trường cho vay hấp dẫn này. Gần đây nhất, MBBank giới thiệu thương hiệu cho vay tiêu dùng Mcredit, với sự hỗ trợ của đối tác Nhật Bản là Shinsei Bank. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác đang tìm kiếm các công ty tài chính trong nước để mua lại.

Sự bùng nổ của thị trường này mang lại lợi ích kinh tế cho các công ty cho vay nhưng cũng kéo theo sự gia tăng về nợ xấu và đặc biệt là yêu cầu quản lý rủi ro của các công ty cho vay.