Cuộc chiến Amazon - Alibaba tại khu vực Đông Nam Á

Nguyễn Lê - 18:09, 03/08/2017

TheLEADERCuộc chiến giành sự thống trị trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Đông Nam Á chỉ mới bắt đầu.

Cuộc chiến Amazon - Alibaba tại khu vực Đông Nam Á
Dịch vụ Prime Now đã có mặt tại Singapore. Ảnh: Nikkei Asia

Nhiều khách hàng ở Đông Nam Á từ lâu đã tự hỏi khi nào trang mua sắm điện tử Amazon.com bắt đầu tiến vào khu vực.

Các dịch vụ thanh toán và thương mại điện tử lớn ở Đông Nam Á.

Các nhà bán lẻ điện tử trong khu vực cũng đang nghi ngờ điều tương tự. Giả sử tập đoàn khổng lồ của Mỹ tham gia thị trường, họ sẽ phải tranh đua để củng cố vị thế của họ, nhất là với nhà bán lẻ điện tử khổng lồ của Trung Quốc, Alibaba. Tập đoàn này đã tăng cường quy mô kể từ năm 2016, sau khi việc Amazon tham gia vào thị trường khu vực trở nên rõ ràng.

Amazon cuối cùng đã gia nhập thị trường Đông Nam Á vào ngày 27/7. Đối với nhiều lực lượng thị trường, đây là dấu hiệu bắt đầu một cuộc chiến dài và khốc liệt giữa hai gã khổng lồ thương mại điện tử phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, sự xuất hiện này có thể làm thay đổi động lực cạnh tranh cho những người chơi khác ở mọi thị trường trong khu vực.

Amazon đã bắt đầu cuộc chiến của mình bằng cách tham gia vào thị trường đô thị nhỏ nhưng dày đặc của Singapore và cung cấp dịch vụ Prime Now, dành riêng cho các khu dân cư đô thị. Đây là dịch vụ giao hàng trong hai giờ với hàng chục nghìn mặt hàng.

"Chúng tôi sử dụng các kỹ thuật tiên tiến và các thuật toán để thực hiện các đơn đặt hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể", ông Ivan Lim, nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu của Singapore nói tại một sự kiện.

Bộ trưởng Thương mại Singapore, ông S. Iswaran, người cũng tham dự sự kiện này nói rằng ông hy vọng công nghệ của Amazon sẽ tạo ra "lợi ích đáng kể về năng suất lao động và sử dụng cơ sở hạ tầng, đảm bảo thời gian giao hàng tại thành phố". Chính phủ Singapore cũng hài lòng với sự xuất hiện của một nhà tuyển dụng quy mô lớn mới. Theo ông Lim, trang web này đã tuyển dụng hàng trăm người lao động.

Henry Low, giám đốc Prime Now khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: "Tôi rất hào hứng về triển vọng của tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á. Đây là một nơi tuyệt vời để chúng tôi tiến vào".

CEO Amazon Jeff Bezos

Nghiên cứu của Temasek Holdings và Google ước tính rằng thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á chỉ có 7 tỷ USD vào năm 2016 và dự đoán sẽ đạt 22 tỷ USD vào năm 2020 và 88 tỷ USD vào năm 2025, tăng hơn 12 lần trong một thập kỷ.

Nghiên cứu của Business Insider ước tính rằng, Amazon chiếm 43% doanh số bán lẻ trực tuyến hàng năm ở Mỹ vào năm 2016. Những số liệu thống kê này cho thấy kinh doanh bán lẻ trực tuyến của Amazon ở Đông Nam Á có thể tăng lên gần 40 tỷ USD một năm nếu đạt được mức độ thống trị tương tự ở Mỹ.

Doanh thu ròng 12 tháng của Công ty cho đến tháng 6/2017 là 150 tỷ USD, trong đó 47 tỷ USD, hay 31%, đến từ thương mại điện tử bên ngoài thị trường Bắc Mỹ. Doanh thu tại khu vực Bắc Mỹ tăng 24% so với cùng kỳ. Việc mở rộng kinh doanh ở nước ngoài bằng cách tham gia vào các thị trường mới nổi như Đông Nam Á sẽ tạo ra một động lực phát triển lớn.

Chủ tịch Alibaba, Jack Ma

Tại Đông Nam Á, Amazon thậm chí không nằm chung một chiến trường với Alibaba, do cả hai đều chưa có chỗ đứng đáng kể tại khu vực này. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ thay đổi rất nhanh trong thời gian tới.

Cho đến nay, Alibaba đã chọn cách sáp nhập và đầu tư vốn cổ phần để tiến vào Ấn Độ và Đông Nam Á hơn là xây dựng các dịch vụ địa phương trong bước đầu như Amazon thường làm.

Tại Ấn Độ, Alibaba theo sau tập đoàn SoftBank của Nhật Bản trong việc đầu tư vào nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ ba - Snapdeal. Alibaba cũng đã được đầu tư vào ứng dụng ví di động số 1 của nước này, Paytm, từ năm 2015 và sau đó là lĩnh vực bán lẻ trực tuyến Paytm E-Commerce.

Vào mùa xuân năm 2017, Flipkart, nhà bán lẻ trực tuyến số một của Ấn Độ, đã đề nghị sáp nhập với Snapdeal để nâng cao khả năng cạnh tranh với Amazon. Tuy nhiên, Snapdeal công bố vào ngày 31/7 rằng họ đã quyết định từ bỏ hợp đồng và "theo đuổi con đường riêng". Các cổ đông lớn của Flipkart bao gồm đối thủ của Alibaba là Tencent Holdings (Trung Quốc), eBay (Mỹ) và Naspers (Nam Phi).

Amazon đã tham gia vào thị trường Ấn Độ vào giữa năm 2013 và giờ đây cung cấp đầy đủ các dịch vụ, bao gồm cả Prime Now và Prime Video.

Không thua kém, Alibaba đã mua đã số cổ phần của nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á, Lazada Group, vào tháng 4/2016. Tháng 6 năm nay, công ty Trung Quốc nâng mức cổ phần của mình tại hãng này tới 83%.

Trung tâm logistic của Lazada

Đầu tư của Alibaba vào Lazada ước tính đã lên tới 2 tỉ USD, cho đến nay là khoản đầu tư lớn nhất ở nước ngoài của tập đoàn này.

Lazada vận hành một trang web mua sắm trực tuyến tại mỗi thị trường Công ty gia nhập trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Với khoản vốn huy động từ việc phát hành cổ phiếu cho Alibaba, Lazada đã mua lại RedMart, một hãng bán lẻ trực tuyến của Singapore, vào cuối năm 2016 để cạnh tranh với Amazon.

Vào tháng 4 năm nay, Tập đoàn thanh toán của Alibaba Ant Financial Services Group đã kiểm soát bộ phận thanh toán của Lazada, HelloPay, và quyết định đổi thương hiệu thành Alipay ở mỗi quốc gia nơi họ hoạt động: Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.

Ant Financial đã đầu tư vào nền tảng nhắn tin và thanh toán BlackBerry Messenger ở Indonesia và thành lập một liên doanh thanh toán tại Malaysia với nhóm ngân hàng địa phương CIMB Group Holdings. Tại Philippines, Công ty thành lập liên doanh thanh toán Mynt với Ayala, một trong những tập đoàn lớn nhất nước này.

Ở Thái Lan, Ant Financial đã đầu tư vào Ascend Money, bộ phận thanh toán của Ascend, vốn là bộ phận kinh doanh số của Tập đoàn Charoen Pokphand, tập đoàn lớn nhất nước này. Ascend Money cung cấp dịch vụ thanh toán di động dưới thương hiệu TrueMoney ở Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Campuchia và Myanmar.

Alibaba đã thành lập trung tâm hậu cần riêng của mình tại Malaysia trong năm nay để giúp các doanh nghiệp Malaysia bán hàng thông qua dịch vụ có tên Tmall.

Tóm lại, Alibaba đã in dấu ấn của mình trong các phân khúc dịch vụ tại thị trường Đông Nam Á nhiều hơn Amazon, trong khi Amazon có lợi thế ở Ấn Độ.

Sắp tới, thị trường và các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến động thái Amazon mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á và trận chiến giữa hai gã khổng lồ này với nhau và với các đối thủ khác trong khu vực.