Cuộc chiến giấy phép con: Phải buộc các bộ ngành không thể thoái thác trách nhiệm

Bạch Dương (thực hiện) - 08:00, 30/08/2017

TheLEADERĐó là nhận định của ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) về đề xuất của Bộ Kế hoạch và đầu tư trong việc cắt giảm các giấy phép con cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Cuộc chiến giấy phép con: Phải buộc các bộ ngành không thể thoái thác trách nhiệm
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

LTS: "Giấy phép con" lâu nay luôn là gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp. Tiến trình loại bỏ giấy phép con đã được Chính phủ triển khai nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi. Cứ loại bỏ được loại này thì loại khác lại hình thành. Cộng đồng đã đúc kết và chỉ rõ các nguyên nhân chính của tình trạng này là tư duy quản lý "quản không được thì cấm" và lợi ích ẩn chứa phía sau giấy phép con tác động làm thiên lệch chính sách...

Trong năm 2016, Chính phủ đã ký ban hành hàng loạt các chính sách mà qua đó hơn 3000 giấy phép con được loại bỏ. Ngày 22/8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ đề xuất bỏ tiếp 1.930 yêu cầu, điều kiện kinh doanh. Đây là một sự kiện rất ý nghĩa mang tính khích lệ lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ về tạo lập môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi.

Nhân sự kiện này, Ban biên tập TheLEADER thực hiện Chuyên đề: Giấy phép con có còn là “đầu Phạm Nhan”?, với sự tham gia đóng góp ý kiến, phân tích, bình luận của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế uy tín, với mục tiêu góp phần làm rõ hiện trạng, nguyên nhân và đưa ra được các giải pháp hữu ích để loại bỏ được cơ bản tình trạng giấy phép con đang rất nhức nhối trong hoạt động kinh doanh trong nước hiện nay.

TheLEADER đã có buổi trao đổi với ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) xung quanh việc Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Chính phủ đề xuất bãi bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp. 

Thưa ông, ông có nhận định như thế nào trước đề xuất bãi bỏ gần 2.000 giấy phép con cho doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và đầu tư?

Ông Trần Hữu Huỳnh: Về đề xuất bãi bỏ các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp, trước đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng đã hô hào nhiều. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa thực sự mang lại hiệu quả. Dẫn đến hệ lụy tất yếu để lại là hiện nay chúng ta có đến 4.284 điều kiện kinh doanh, ứng với 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). 

Trong số này, Bộ Công thương có số lượng điều kiện kinh doanh nhiều nhất, 1.152 điều kiện, kế đến là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn…

Các điều kiện kinh doanh này đã và đang tạo ra những rào cản rất lớn đối với việc kinh doanh, gây hao tổn thời gian, tiền bạc, làm gia tăng chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Từ đó, gây nên những tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Do đó, tôi cho rằng, đề xuất bãi bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch và đầu tư lần này là việc làm hết sức cấp thiết. Đây là một đề xuất rất cụ thể của Bộ Kế hoạch và đầu tư với khối lượng các điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ lớn. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng chỉ ra được những tiêu chí vì sao phải cắt bỏ và có kế hoạch thực hiện đồng bộ, tổng thể.

Nếu thực hiện thành công đề xuất này, chắc chắn sẽ mang lại động lực cho rất nhiều doanh nghiệp.

Với mục tiêu cắt giảm 2.000 điều kiện kinh doanh, theo ông, Chính phủ và các bộ, ngành nên có giải pháp gì?

Ông Trần Hữu Huỳnh: Để thực hiện được mục tiêu này, theo tôi trước hết, các bộ ngành cần khẩn trương rà soát lại các điều kiện kinh doanh nằm trong con số 2.000 điều kiện kinh doanh buộc phải cắt giảm. Từ đó, phân loại cụ thể các điều kiện kinh doanh này thuộc bộ, ngành nào thì bộ ngành, cơ quan đó phải có trách nhiệm kiểm tra, rà soát. Có như vậy mới có thể buộc các bộ ngành không thể thoái thác trách nhiệm.

Thứ hai, để rà soát lại các điều kiện kinh doanh một cách cụ thể và khách quan nhất, ngoài sự vào cuộc quyết liệt các bộ ngành còn cần có sự đóng góp kiến nghị của các tổ chức khác như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

Vừa qua, tổ chức này đã có một báo cáo rất đầy đủ về các kiến nghị bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh của ba bộ gồm Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và công nghệ. Trong đó, VCCI đã chỉ ra rằng các điều kiện kinh doanh hiện nay của Việt Nam đang dựa trên những tiêu chí không thực sự phù hợp, can thiệp quá nhiều vào hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo tôi, các tiêu chí, căn cứ rà soát điều kiện kinh doanh trước hết phải hợp lý, thứ hai phải khả thi, thứ ba phải thống nhất và thứ tư là phải đảm bảo công khai, minh bạch. Những tiêu chí rà soát khi các bộ đưa ra cần phải được thảo luận và căn cứ vào những kiến nghị của doanh nghiệp. 

Đồng thời, để đảm bảo công khai minh bạch, các bộ ngành nên mời các hiệp hội, các doanh nghiệp liên quan đến ngành nghề của mình cũng như các chuyên gia độc lập, các tổ chức trung gian không có lợi ích cụ thể như VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Tổ chức Bảo vệ người tiêu dùng… cùng tham gia. 

Mặt khác, việc rà soát bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp nên được thực hiện một cách đồng bộ, công khai trên cổng thông tin của các bộ ngành để các doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp ý kiến. Sau đó, đặt ra thời hạn để thực hiện cụ thể. Những gì vướng mắc không thể tháo gỡ cần được trình lên Chính phủ để xin ý kiến rà soát một cách nghiêm túc, đến cùng.

Trước đó, Luật Doanh nghiệp 2000 với luồng gió mới về tư duy “người dân được làm những gì pháp luật không cấm”, tiến trình loại bỏ các giấy phép con đã dần được đặt ra. Tuy nhiên, sau khi hàng trăm giấy phép con được định danh và loại bỏ thì chỉ sau một thời gian ngắn, các điều kiện kinh doanh khác lại xuất hiện. Vậy theo ông lần này, Chính phủ liệu có thành công?

Ông Trần Hữu Huỳnh: Việc thực hiện mục tiêu loại bỏ 2.000 giấy phép con cho doanh nghiệp là cả một quá trình dài đòi hỏi sự quyết liệt trong hành động của Chính phủ cũng như các cơ quan bộ ngành.

Trước đây, tiến trình loại bỏ các giấy phép con chưa đạt hiệu quả là do chúng ta chưa thực sự quyết tâm, chưa có các văn bản pháp luật quy định cụ thể. Dẫn đến, các cơ quan quản lý Nhà nước bị rơi vào vòng luẩn quẩn, “chặt cái này lại mọc cái kia” không thoát ra được...

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khi Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Chính phủ đề xuất bãi bỏ gần 2.000 yêu cầu, điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp, tình hình thực tế đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. 

Theo đó, động thái cải cách này nằm trong chương trình mục tiêu chung của Chính phủ hướng tới một Chính phủ kiến tạo. Hai nghị quyết của chính phủ là Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 mới đây cũng đều đề cập đến các điều kiện kinh doanh và đề xuất tháo gỡ khó khăn về các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp,

Bên cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp đang ngày càng lớn mạnh, các hiệp hội doanh nghiệp cũng đã trưởng thành, có tiếng nói đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Cùng với đó là sức mạnh của truyền thông, dư luận… 

Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng rằng, chỉ cần Chính phủ quyết tâm, chắc chắn mục tiêu bãi bỏ gần 2.000 giấy phép con cho doanh nghiệp sẽ thực hiện thành công.

Xin cảm ơn ông!