Cuộc đua mới MB, ACB, SHB, VPBank và Techcombank

Minh An - 11:32, 23/08/2017

TheLEADERXuất phát ở các vị trí rất khác nhau từ năm 2010, nhưng kể từ năm 2014 đến nay, khoảng cách tổng tài sản của 5 ngân hàng này luôn bám sát nhau.

Cuối tháng trước, Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 được phê duyệt, đưa ngành ngân hàng trong nước bước vào một giai đoạn tái cấu trúc mới.

Trong 5 năm trước đó, một đề án tương tự đã được thực hiện tạo ra một diện mạo mới cho ngành ngân hàng Việt Nam. Số lượng ngân hàng giảm xuống đáng kể sau các vụ sáp nhập và hợp nhất. Quy mô tài sản của các ngân hàng tăng trưởng mạnh với chất lượng được cải thiện tốt hơn.

Quá trình tái cơ cấu đã tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ giữa các ngân hàng xét trên quy mô tài sản tính đến giữa năm 2017. Trong đó 5 ngân hàng MB, ACB, SHB, VPBank và Techcombank có khoảng cách khá gần nhau.

Ở các vị trí xuất phát rất khác nhau từ năm 2010, nhưng kể từ năm 2014 đến nay, khoảng cách tổng tài sản của 5 ngân hàng này luôn dưới 50 nghìn tỷ.

Dù các ngân hàng không thừa nhận, nhưng một cuộc đua giữa các ngân hàng này đang diễn ra trong những năm qua. Trong đó VPBank nổi bật như một ngôi sao mới, trong toàn ngành, không chỉ về quy mô tài sản mà còn hiệu quả hoạt động.

Cho vay bất động sản

Techcombank bất ngờ giảm nhẹ tổng tài sản trong 6 tháng đầu năm 2017. Điều này đến từ việc ngân hàng giảm cho vay bất động sản từ mức 17% tổng dư nợ cuối năm 2016 (24 nghìn tỷ đồng) xuống còn 13,6% hiện nay (18 nghìn tỷ đồng). Lần gần nhất ngân hàng này bị suy giảm tài sản là năm 2013 cùng với ACB.

Một ngân hàng khác cũng đang giảm tỷ lệ cho vay bất động sản trong tổng dư nợ là VPBank. Năm ngoái ngân hàng này ghi nhận chỉ còn 12,3% dư nợ bất động sản (gần 18 nghìn tỷ đồng) so với 16,3% của năm 2015.

Cả hai ngân hàng này đều cho vay lớn vào bất động sản trong quá khứ. Cụ thể năm 2014, tỷ lệ cho vay bất động sản của VPBank là 28,6% tổng dư nợ còn Techcombank là 20%. Không chỉ cho vay trực tiếp Techcombank còn đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu do các công ty bất động sản phát hành như Vingroup, Novaland…

Trong khi ACB khá im ắng trên thị trường cho vay bất động sản thì hai ngân hàng còn là MB và SHB có tỷ trọng tín dụng kinh doanh bất động sản từ 4% đến 6%. Tuy nhiên, cả hai ngân hàng này đều có khoản cho vay xây dựng lớn, lần lượt là 9,4% và 14% tổng dư nợ năm 2016.

Ngân hàng bán lẻ

FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng đóng góp 2.000 tỷ đồng lợi nhuận cho VPBank năm ngoái trở thành ‘trang sức quý giá’ giúp ngân hàng này niêm yết trên thị trường chứng khoán với mức giá 3x, cao hơn hầu hết các ngân hàng khác.

Sau khi VPBank chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, FE Credit chính là động lực đưa ngân hàng này gia nhập vào cuộc đua của nhóm 5 ngân hàng trên.

Cho vay tiêu dùng bùng nổ mang lại lợi nhuận hấp dẫn khiến các ngân hàng khác không thể ngồi yên. Cuối năm ngoái, MBBank đã hợp tác với Shinsei Bank (Nhật Bản) giới thiệu MCredit với tham vọng chiếm lĩnh thị phần vốn đang nằm trong tay FE Credit và 3 công ty Home Credit, HD Saison và Prudential Finance.

Techcombank cũng đã mua một công ty tài chính vào năm 2015 và đổi tên thành công ty tài chính Kỹ Thương nhưng chưa có hoạt động nào đáng chú ý. Hiện nay, cho vay cá nhân chiếm 45% tổng dư nợ của ngân hàng này tăng mạnh so với mức 32% từ năm 2013.

“Ngân hàng này đang thực hiện chiến lược xây dựng mạng lưới bán lẻ hàng đầu”, Masan, tập đoàn hàng tiêu dùng đang sở hữu 30% lợi ích tại ngân hàng này viết trong một bản công bố tháng trước.

Mỗi ngân hàng đều đang tìm cách xây dựng vị thế của mình trên thị trường ngân hàng bán lẻ, nhưng có một thực tế là ACB đã khẳng định vị trí dẫn đầu trong mảng hoạt động cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ từ trước sự cố năm 2012 của ngân hàng này.

Bên cạnh việc xử lý các vấn đề về chất lượng tài sản, ACB đang lấy lại vị thế của mình trong những năm gần đây. Hiện tỷ trọng cho vay cá nhân của ngân hàng này là 53% (năm 2016) tăng từ mức 35% của năm 2011. Sau khi mở 5 chi nhánh năm 2016, ngân hàng này có kế hoạch mở 3 -5 chi nhánh mỗi năm tiếp theo đồng thời mở rộng quy mô tín dụng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiệu quả hoạt động

Năm 2012, ngân hàng quy mô nhỏ Habubank đã sáp nhập vào SHB đưa ngân hàng này lên quy mô 100 nghìn tỷ đồng. Kể từ đó đến nay, tổng tài sản của SHB đã tăng thêm hơn 150 nghìn tỷ đồng nữa để gia nhập vào nhóm 5 ngân hàng trên.

Tuy nhiên, so với 4 ngân hàng còn lại, hiệu quả sử dụng tài sản của SHB là thấp nhất. Trung bình 5 năm qua, ROA của SHB là 0,4% trong khi MB là 1,3% và VPBank là 1,1% (trung bình 5 ngân hàng là 0,8%).

Lợi nhuận của SHB luôn thấp nhất trong 3 năm qua so với các ngân hàng còn lại trong nhóm này và tăng trưởng chậm. Riêng năm ngoái, MB, VPBank và Techcombank đạt lợi nhuận gấp nhiều lần con số của SHB.

Ngược lại với SHB, MB duy trì một khả năng sinh lời ấn tượng trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2012 – 2014. Chỉ trong hai năm gần đây, sự vươn lên mạnh mẽ của VPBank và Techcombank mới khiến MB không còn nổi bật về lợi nhuận trong nhóm này.