Cuộc sống của thế hệ Millennials Trung Quốc: Nơi ước mơ và áp lực gặp nhau

Linh Lan - 22:52, 18/10/2017

TheLEADERSáng nay 18/10, Đại hội Đảng Cộng sản toàn quốc lần thứ 19 của Trung Quốc đã chính thức khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc. Với việc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục cầm quyền thêm ít nhất là 5 năm nữa, hãng tin Reuters đã cung cấp một cái nhìn rõ hơn về cuộc sống của thế hệ trẻ nước này.

Cuộc sống của thế hệ Millennials Trung Quốc: Nơi ước mơ và áp lực gặp nhau
Cô Zhang Weixuan, trợ lý thư ký hội đồng quản trị của một công ty phần mềm, trong một quán cà phê gần văn phòng của cô tại khu tài chính Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3/9/2017. Ảnh: REUTERS/Thomas Peter

Nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại, mức nợ công và giá bất động sản tiếp tục tăng vọt, Chính phủ đã thắt chặt sự kiểm soát với các tổ chức phi chính phủ, các hình thức video trực tuyến và nhiều hơn nữa. Nhưng bạn sẽ đi đâu để có cái nhìn sâu sắc và đa chiều về cuộc sống của người dân ở một đất nước rộng lớn với 1,4 tỷ người?

Các hoạt động chính của hãng tin Reuters tại Trung Quốc là tiến hành các cuộc phỏng vấn với các chính trị gia, giám đốc điều hành và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đối với dự án lần này, họ đã áp dụng cách tiếp cận khác, tập trung vào đối tượng là "Tầng lớp 2012" (Class of 2012) - những người trưởng thành trẻ tuổi, có học thức và đã bước chân vào xã hội khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012.

Kể từ khi tốt nghiệp, bắt đầu xây dựng gia đình và sự nghiệp, họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi Trung Quốc trải qua công cuộc hiện đại hóa.

Làm thế nào thế hệ này có thể điều chỉnh, thích nghi và dẫn dắt đất nước trong những năm tới sẽ là vấn đề then chốt trong quá trình hướng tới tăng trưởng bền vững của Trung Quốc.

Việc phỏng vấn người dân Trung Quốc thường là điều khá khó khăn, ngay cả đối với các chủ đề dường như vô hại. Mặc dù nhìn chung họ ít nói nhiều về các chủ đề nhạy cảm như chính trị, nhưng những người được đề cập trong bài báo này lại khá vui vẻ và thoải mái khi chia sẻ về bản thân, gia đình, công việc và ước mơ của họ.

Ví dụ, Qin Lijuan đã học để trở thành một họa sĩ hoạt hình ở thành phố Thành Đô, nhưng luôn mang tham vọng kiếm tiền. Cô tìm được việc làm bán thẻ thành viên sân golf ở khắp Trung Quốc. 

Tuy nhiên, khi không thể trụ vững với công việc đó, người phụ nữ trẻ 28 tuổi đã trở về quê, nơi cô kinh ngạc với cú sốc văn hoá đầu tiên: niềm yêu thích của cô đối với những tách cà phê buổi sáng bị coi là khác lạ và lãng phí. Hiện nay, cô đang điều hành một đội ngũ cố vấn tài chính.

Đối với một bộ phận người trẻ thuộc thế hệ Y, việc mua một căn hộ tại một thành phố lớn, tìm được một công việc như một nhà thiết kế nội thất hoặc có được một tấm bằng kế toán tại Mỹ là mục tiêu cuối cùng của họ. Số khác thì đang bận rộn tìm kiếm bạn đời. Những quan điểm của họ cung cấp một cái nhìn nhanh về cuộc sống của những millennials ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

KIỂM DUYỆT INTERNET

Sống chung với 'Bức tường lửa'


Ảnh minh họa: China Daily Mail

"Bức tường lửa lớn của Trung Quốc" - nỗ lực nhằm kiểm soát Internet lớn nhất trên thế giới - đã trở nên dữ dội hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các nhà chức trách đã đóng cửa một số trang web video và âm thanh trực tuyến, hạn chế truy cập trực tuyến vào các chương trình nước ngoài, tăng cường mức phạt cho hành vi "lan truyền tin đồn" qua các phương tiện truyền thông xã hội và hạn chế truy cập vào mạng riêng ảo (virtual private networks - VPN).

Đối với thế hệ Millennials, các biện pháp này phần lớn chỉ là những bất tiện nhỏ. Một số người tin rằng Internet cần phải được quản lý chặt chẽ, trong khi những người khác đang tìm cách khắc phục.

Dưới đây là quan điểm của họ về việc sống chung với "Great Firewall"

Wang Siyue, một chuyên gia sản phẩm tại một công ty giáo dục Internet:

"Tôi chắc chắn những hạn chế này sẽ tồn tại trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài họ không thể ngăn chặn sự phát triển của ngành công nghiệp này trong nước. Tôi tin rằng sẽ có nhiều công ty mạng và nhiều công ty khởi nghiệp trong ngành này hơn nữa".

Zhang Weixuan, trợ lý thư ký tại một công ty phần mềm:

"Đối với thanh thiếu niên hiện đại ở Trung Quốc hiện nay, các kênh thông tin của chúng tôi rất rộng, bao gồm việc sử dụng VPN hoặc nhiều phương tiện tương tự mà thông qua đó, chúng tôi có thể tiếp xúc với tin tức nước ngoài".

"Đối với tôi, việc chặn các VPN sẽ không có tác động lớn. Có lẽ đối với các thành phố cấp hai và ba, hoặc đối với những người trẻ tuổi chưa bao giờ có kinh nghiệm ra nước ngoài hoặc tiếng Anh của họ không tốt, thì việc kiểm soát chặt chẽ này mới có tác động".

Fu Shiwei, một trợ lý giáo viên đại học:

"Sinh viên của tôi rất am hiểu về công nghệ nên họ giúp tôi giải quyết những vấn đề như tra cứu thông tin học thuật hoặc cập nhật các vấn đề đương đại trên toàn cầu. Tôi nghĩ điều đó là ổn. Chính phủ đưa mọi việc vào khuôn khổ, vì vậy tôi không có bất kỳ ý kiến nào".

Qin Lijuan, chuyên gia tư vấn quản lý tài sản cao cấp:

"Nếu tôi muốn biết thêm tin tức, tôi thường hỏi bạn bè ở nước ngoài. Tôi có rất nhiều bạn học ở nước ngoài, những người đã học hoặc đang làm việc ở đó".

KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ 

Những người trong thời kỳ 'Chính sách một con' đã trưởng thành

Thế hệ này lớn lên trong điều kiện tốt hơn nhiều so với thế hệ trước nhờ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trong suốt thời thơ ấu của họ.

Họ không phải trải qua những khó khăn như bố mẹ hay ông bà họ, điều này cho phép họ có một cái nhìn lạc quan hơn. Cuộc sống của họ cũng được định hình theo chính sách một con, từ những năm 1970 nhằm kiểm soát tình trạng bùng nổ dân số.

Đây là những gì họ nghĩ về khoảng cách thế hệ.

Cô Wu Qiong, một nhân viên ngân hàng, ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 24/9/2017. Ảnh: REUTERS/John Ruwitch

Wu Qiong, nhân viên tại một ngân hàng nước ngoài:

"Khi tôi bắt đầu có nhận thức, thế giới đã thay đổi và trở nên tương đối phát triển. Tôi đã chứng kiến đời sống ngày càng tốt hơn, không chỉ dừng lại ở mức tạm hay tái thiết, mà là hoàn toàn thay đổi".

Hu Ruixin, một kỹ thuật viên máy tính, nói về sự lạc quan của thế hệ mình:

"Tôi nghĩ rằng điều này liên quan đến độ tuổi của thế hệ chúng ta. Cha mẹ chúng tôi đã sống cuộc sống vất vả, nhưng thế hệ của chúng tôi lúc đó chỉ là trẻ em thôi nên cuộc sống của chúng tôi không hề tệ. Chúng ta nên giữ thái độ tích cực".

Zhang Yulin, nhà thiết kế trò chơi điện tử đã lập gia đình:

"Áp lực đối với thế hệ của chúng tôi là khá lớn. Tất cả chúng tôi đều là 'những đứa trẻ duy nhất'. Vì vậy, áp lực chăm sóc cha mẹ và những trách nhiệm tương tự là rất lớn. Hai người chúng tôi cần phải hỗ trợ bốn cha mẹ. Giá nhà đất cũng rất cao. Công việc lại cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu không làm việc chăm chỉ, tôi sẽ bị loại".

KHÁT VỌNG

Giới trẻ Trung Quốc đang nắm bắt cơ hội từng ngày, từng giờ

Đa số những người trẻ Trung Quốc tham vọng và thực dụng. Họ muốn điều gì trong cuộc sống?

Đối với một số người, điều họ muốn là một người bạn đời. Đối với những người khác là một căn hộ trong thành phố. Còn số khác lại đang hài lòng với một công việc ổn định, hoặc đi du lịch và những trải nghiệm mới.

Wang Siyue, chuyên gia sản phẩm tại một công ty giáo dục:

"Thành thật mà nói, làm sao tôi có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra trong 5 năm tới? Bạn có thể đặt ra một vài kế hoạch nhưng thế giới luôn thay đổi không ngừng... Có một câu nói rất hay: vận may của mỗi người là cân bằng. Sướng trước, khổ sau. Tôi tin vào số mệnh".

Hu Ruixin, kỹ thuật viên máy tính, chia sẻ về những giấc mơ của mình khi anh còn học đại học:

"Tôi đã có một kế hoạch 15 năm cho bản thân mình. Trong 5 năm đầu tiên, tôi sẽ mở một studio quảng cáo. Trong 5 năm tới, tôi sẽ phát triển studio thành một công ty. Năm năm sau đó, tôi muốn phát triển công ty của mình hơn nữa. Nhưng khi cuối cùng cũng tốt nghiệp đại học và bước chân vào thế giới, tôi thấy việc này thật khó thực hiện. Có quá nhiều hạn chế và thực sự rất khó, vì vậy tôi đã từ bỏ".

"Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là trách nhiệm. Bây giờ tôi đã có một đứa con và kể từ khi trở thành một người cha, tôi càng cảm thấy tầm quan trọng của những trách nhiệm".

Zhang Weixuan, trợ lý thư ký tại một công ty phần mềm:

"Giấc mơ Trung Hoa của tôi rất đơn giản. Tôi hy vọng mình sẽ sống ổn định ở một thành phố lớn. Năm ngoái, tôi đã có hộ khẩu Bắc Kinh và giờ tôi muốn kết hôn và xây dựng gia đình riêng của mình".

"Về công việc, tôi sẽ làm việc thật tốt và trong hai năm tới, hoặc thậm chí bây giờ, có thể mua một căn hộ nhỏ. Sau đó, tôi có thể an cư lạc nghiệp. Tôi nghĩ điều đó khá tuyệt".

Qi Jing, cán bộ Đoàn thanh niên ở thành phố Vũ Hán:

"Tôi nghĩ tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện tại của tôi là khi đã đạt đến một độ tuổi nào đó, bạn có ít cơ hội hơn. Đặc biệt đối với phụ nữ, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn trong công việc hay lựa chọn giữa công việc và gia đình. Sau đó, bạn sẽ từ bỏ rất nhiều thứ. Nếu có điều gì đó bạn muốn làm khi còn trẻ, bạn chỉ đơn giản nghĩ rằng "Tại sao lại không thử?" Nhưng bây giờ tôi cảm thấy mình cần phải từ bỏ chúng và tập trung vào sự ổn định.