Đà Nẵng họp khẩn trước ngày khai mạc APEC

Lưu Hương - 19:49, 05/11/2017

TheLEADERLãnh đạo Thành phố Đà Nẵng cho rằng đây là thử thách cho Đà Nẵng nhưng cũng là lúc thể hiện bản lĩnh của Thành phố này.

Lãnh đạo Đà Nẵng chủ trì cuộc họp khẩn với tất cả sở, ban, ngành, địa phương và nhiều công ty lớn trên địa bàn. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Chiều 5/11, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp khẩn để khắc phục những thiệt hại do mưa và bão số 12 gây ra, sẵn sàng cho Tuần lễ Cấp cao APEC.

Cuộc họp gồm tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện và nhiều công ty lớn ở Đà Nẵng.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các công ty có nhiều pano, áp phích bị ngã đổ phải là lực lượng chính dựng lại.

“Tôi thấy trên đường đang la liệt các pano quảng cáo này mà chưa có ai dọn. Các công ty dựng lên để quảng cáo, bây giờ sập thì phải dựng lại. Pano quảng cáo làm không kịp thì chỉ cần dựng các tấm tôn lên. UBND quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn chủ trì và phải hoàn thành trước ngày mai”, ông Thơ nói.

Về việc ngập lụt ở một số thôn vùng ven sông của huyện Hòa Vang, cần tập trung khắc phục, hỗ trợ người dân đang bị ngập lụt và phải hoàn thành trước sáng ngày mai (6/11).

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, mưa sẽ tiếp tục kéo dài đến hết ngày 7/11 và gió tiếp tục mạnh lên trong những ngày tới. Vì thế, Sở Xây dựng cần hỗ trợ, cam kết chất lượng công trình ở các nơi tổ chức sự kiện bằng văn bản. Có như vậy Ban Tổ chức mới an tâm tổ chức các hoạt động của APEC.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, đây là cuộc họp cuối cùng tổ chức trước Tuần lễ Cấp cao APEC. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, không được vì tổ chức APEC mà lơ là phòng chống thiên tai, đặc biệt là tình hình xả lũ của các thủy điện.

Về công tác tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, ông Nghĩa yêu cầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm, phường chịu của phường, quận chịu của quận. Hiện nay mưa nhiều, gió to nên đã làm thì phải làm cho hiệu quả. Đặc biệt nhất là phải tuyệt đối an toàn.

“Tôi yêu cầu gỡ ngay tất cả những tấm phướn đang bay phấp phới dọc các tuyến đường. Các lực lượng sẽ nỗ lực tối đa để dọn dẹp bờ biển nhưng phải tùy vào tình hình. Quan trọng nhất là chính quyền các quận phải bám sát nhu cầu lực lượng, vật chất để điều phối kịp thời”, ông Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Mực nước lúc 14h40’ ngày 5/11 ở Hội An là 2,63 m, nhiều vùng đã bị ngập sâu. Ảnh: VGP/Lưu Hương

* Chiều 5/11, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu công an, quân đội và các phường xã phải khẩn cấp di dời du khách, người dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 17h ngày 5/11.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hội An cho biết: Lo ngại lũ dâng cao, Thành phố đã họp chỉ đạo triển khai di dời dân theo phương án tại chỗ với mức lũ dự kiến tương đương lũ năm 1999 (khoảng 3,2 m). Việc di dời phải hoàn thành trước 17h chiều nay.

Thành phố yêu cầu mọi người dân cần lưu ý cộng tác với chính quyền thực hiện một số việc như: Chấp hành mệnh lệnh di dời của thành phố và các xã phường; chuẩn bị dự trữ lương thực, nước uống, đèn pin, thuốc thông thường để chủ động xử lý và đề phòng khả năng ngập lâu. Những vị trí ngập sâu ngành điện sẽ cắt điện để bảo đảm an toàn.

Theo đó, mực nước lúc 14h40’ ngày 5/11 ở Hội An là 2,63 m, nhiều vùng đã bị ngập sâu. Dự báo sẽ tiếp tục lên vì đến 18h tối thủy triều sẽ lên lại.

Lũ lụt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh du lịch, nhiều hộ gia đình cho du khách ở đã bị nước ngập vào nhà, cơ sở lưu trú. Từ sáng nay, nhiều khách du lịch nước ngoài đã cùng người dân di chuyển đồ đạc ra vị trí an toàn.

Chính quyền Thành phố Hội An đã yêu cầu cảnh sát giao thông điều tiết giao thông, ngăn không cho các tàu thuyền chở khách du lịch. Thành phố đã chuẩn bị lương thực, nước uống, điều các tàu thuyền lớn, ca nô túc trực ở các địa điểm trọng yếu để sẵn sàng ứng cứu kịp thời.

Trước đó, trong chuyến kiểm tra tình hình lụt bão tại Hội An sáng 5/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu lưu ý thủy điện sẽ thường xuyên xả lũ nhằm điều tiết nước và đến ngày 8/11, nếu hết mưa thì thủy điện cũng phải ngừng xả lũ để người dân có thời gian dọn dẹp lại nhà cửa, vệ sinh môi trường, chuẩn bị cho sự kiện APEC.