Đà Nẵng lên kế hoạch ứng phó với bão, lũ và sóng thần tại APEC 2017

08:33, 03/11/2017

TheLEADERTrước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai và thời tiết xấu trong thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Đà Nẵng lên kế hoạch ứng phó với bão, lũ và sóng thần tại APEC 2017


Theo kế hoạch này, kịch bản các loại hình thời tiết xấu có thể xảy ra trên địa bàn thành phố khi diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC là bão, mưa lớn, lũ lụt, ngập lụt và sóng thần.

Về cơ bản, kế hoạch ứng phó đều tuân thủ Phương án Phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố đã được Chủ tịch UBND thành phố ban hành ngày 14/8/2017; trong đó chú trọng đến công tác dự báo, cảnh báo, truyền thông, tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả.

Cụ thể, Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Trung Trung bộ chịu trách nhiệm thực hiện công tác dự báo, cảnh báo thời tiết, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ lụt trong thời gian diễn ra tuần lễ cấp cao (TLCC).

Cảnh báo mưa lớn từ 500 - 700 mm tại Đà Nẵng

Chiều 2/11, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ phát tin cảnh báo mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ xuất hiện lũ lớn trên nhiều sông ở Trung Trung Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với hoàn lưu của cơn bão số 12 và nhiễu động trong đới gió đông trên cao hoạt động mạnh.

Theo đó, từ đêm 3/11 đến hết ngày 8/11 khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến 400 - 600mm, có nơi trên 800mm. Trong đó, tại thành phố Đà Nẵng, từ đêm ngày 3/11 đến hết ngày 8/11 có mưa to, rải rác mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 500 - 700 mm.

Văn phòng thường trực Ban Thư ký APEC. Sở Ngoại vụ làm đầu mối điều phối thông tin giữa các đơn vị liên quan của thành phố với các đoàn đại biểu nền kinh tế thành viên APEC, Văn phòng thường trực Ban Thư ký APEC; tiếp nhận và xử lý kịp thời các yêu cầu của các đoàn khách quốc tế, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam trong việc ứng phó với thiên tai và thời tiết xấu.

Tùy thuộc vào các loại tin thời tiết và dự báo khả năng ảnh hưởng đến thành phố sẽ có các phương án ứng phó cụ thể. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch hiệp đồng công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố, nhất là ứng cứu cho các vùng trọng điểm bị ngập lũ và các địa điểm bị ngập trong nội đô, nơi diễn ra các hoạt động của TLCC.

Trường hợp xảy ra bão, triển khai phối hợp với UBND các quận, huyện thực hiện công tác hỗ trợ sơ tán người tại các địa bàn dự kiến tổ chức các hoạt động của TLCC, trong đó đặc biệt chú trọng vào các khách sạn, resort không an toàn ven biển.

Trong tình huống khẩn cấp bố trí nơi sơ tán đến tại các khách sạn khác trên đường Ngô Quyền và trên địa bàn quận Hải Châu. Đồng thời, chủ trì triển khai công tác bố trí lực lượng, phương tiện ứng phó, xử lý tình huống khẩn cấp thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực trọng điểm; và thực hiện công tác ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai trong điều kiện có thể.

Trong kế hoạch ứng phó, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thành phố.

Trước đó, trong 2 ngày 1 và 2/11, ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam về việc triển khai các phương án chủ động ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Trong đó có khả năng mưa lớn trên diện rộng, gây lũ và ngập úng trong đô thị tại hai địa phương.

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho hay, để chủ động với mọi tình huống trong Tuần lễ Cấp cao, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu xây dựng 3 phương án ứng phó với tình huống có bão, lũ lụt và sóng thần.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị chính quyền Đà Nẵng, Quảng Nam không được chủ quan dù theo dự báo áp thấp nhiệt đới và bão hướng vào các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, dù thành phố quản lý an toàn hồ đập rất tốt, nhưng trước thực tế và kinh nghiệm rút ra từ những ảnh hưởng, thiệt hại gần đây ở các tỉnh bắc miền Trung và phía Bắc, cần rà soát công tác bảo vệ an toàn hồ đập, di dân phía hạ lưu để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân khi cần thiết.