Đại biểu Bùi Văn Phương: Cảnh báo về tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp nở rộ

Vũ Nga - 15:42, 06/11/2017

TheLEADERHiện nay đã xuất hiện các hình thức núp bóng doanh nghiệp để vi phạm pháp luật, gián tiếp ảnh hưởng đến vấn đề an toàn trật tự xã hội, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương cho biết trước Quốc hội.

Đại biểu Bùi Văn Phương: Cảnh báo về tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp nở rộ
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương, tỉnh Ninh Bình.

Phát biểu trước Quốc hội sáng 6/11, đại biểu Bùi Văn Phương (tỉnh Ninh Bình) cho rằng, trong báo cáo tóm tắt về công tác phòng ngừa chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày có nội dung tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp, là vấn đề cần hết sức quan tâm.

Theo ông Phương, Nhà nước chủ trương cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh được quyền tự do, mong muốn có hàng triệu doanh nghiệp, là những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nhưng hiện nay đã xuất hiện các hình thức núp bóng doanh nghiệp để vi phạm pháp luật, gián tiếp ảnh hưởng đến vấn đề an toàn trật tự xã hội.

Theo dõi thực tế gần đây, ông Phương cho biết các hình thức kinh doanh cầm đồ, công ty tài chính hỗ trợ cho sinh viên, học sinh vay mọc ra như nấm. Nhưng công tác kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp này hết sức lỏng lẻo. Trong khi đó cũng có ý kiến cho rằng người ta làm rất kín luật nên cơ quan chuyên môn không phát hiện được gì sai.

“Công ty tài chính hỗ trợ sinh viên cho vay một cách hết sức dễ dàng, không cần tài sản bảo đảm, chỉ cần có một thứ giấy tờ khẳng định địa chỉ và con người ở đâu sẽ được vay tiền. Đây là cách gián tiếp để cho các vi phạm diễn ra; tình trạng lô đề, cờ bạc, cá độ cũng xuất phát từ chuyện dễ dàng trong vấn đề quản lý đồng tiền của chúng ta”, đại biểu Phương nhận xét.

Theo ông Phương, thực tế có chuyện cho vay nặng lãi, lãi rất cao mà không xử lý được. Người ta cho vay một cách dễ dàng như đưa 10 triệu đồng tiền mặt nhưng trong giấy ghi nợ 15 triệu, thời hạn trả nợ 30 ngày. Do vậy đã có người nói rằng, ở đây không phải vay nặng lãi. Khi đến hạn không trả được nợ thì xã hội đen đem dao, gậy đến tận nhà. Hiện tượng này bây giờ không dừng lại ở đô thị mà ở nhà quê cũng náo loạn bởi chuyện các công ty tài chính hoạt động.

“Chúng ta cấp đăng ký kinh doanh cho một công ty tài chính hoạt động nhưng thử hỏi các cơ quan chức năng kiểm tra xem họ chấp hành các quy định của Nhà nước về kế toán như thế nào, sổ sách của họ thế nào và Nhà nước sẽ thu được gì ở các công ty này nếu hình thức cho vay rất đơn giản như tôi vừa nêu trên; hay cầm đồ thì đồ gì cũng cầm, có giấy cũng cầm, không có giấy cũng cầm được hết”, ông Phương nói.

Đây là một kẽ hở vô cùng lớn, ông Phương đề nghị Chính phủ phải có sự chỉ đạo chặt chẽ trong lĩnh vực này vì có liên quan đến cuộc sống bình yên của người dân, liên quan đến sự gia tăng các hoạt động tội phạm.

Về nguyên nhân, đại biểu Phương đồng tình với báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ ra trong đó một nguyên nhân là do năng lực, đạo đức, nghề nghiệp, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ còn yếu kém; cả về trang thiết bị phương tiện ở một số đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa đáp ứng yêu cầu tình hình. Và đây là một vấn đề lớn đang đặt ra cho lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thực tế hiện nay, đấu tranh chống loại tội phạm này hết sức nguy hiểm đến tính mạng của những người tham gia, nhiều vụ việc diễn ra người dân chỉ biết đứng nhìn mà không dám có một hành vi gì và vẫn phải dựa chính vào lực lượng chức năng, đó là công an.

“Vì vậy, để khắc phục những thiếu sót, tồn tại như trên, ngoài vấn đề chấn chỉnh về mặt chuyên môn lực lượng, tôi kiến nghị Nhà nước cần phải có một chính sách đặc thù đối với lực lượng hình sự đấu tranh trên mặt trận phòng chống tội phạm”, ông Phương kiến nghị.