Danh sách dự án đầu tư không hiệu quả của các bộ, ngành

09:04, 21/09/2017

TheLEADERTính đến thời điểm 25/8/2017, theo báo cáo của các bộ, ngành có 43 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, tổng vốn đầu tư được phê duyệt nhiều nghìn tỷ đồng

Danh sách dự án đầu tư không hiệu quả của các bộ, ngành
Một số dự án đầu tư của Tổng công ty truyền thông đa phương tiện có nguy cơ giảm hiệu quả. Ảnh vtc.org.vn

Theo nội dung Công văn số 7454/BKHĐT-PTDN về Báo cáo Đề án nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước của Bộ Kế hoạch và đầu tư, 43 dự án thuộc các bộ, ngành có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả tại doanh nghiệp do các bộ ngành quản lý tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng (cảng biển, kho bãi), nông nghiệp (thuỷ sản, cao su, cà phê) hoặc đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng công suất nhà máy. 

Ngoài ra có 8 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả đã được thanh lý, hoặc chuyển giao, thay đổi chủ đầu tư. 

Cụ thể như sau:

Bộ Thông tin và truyền thông: Theo báo cáo tại Công văn số 2270/BTTTT-QLDN ngày 28/6/2017, Bộ Thông tin và truyền thông đã có tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1679/BTTTT-QLDN ngày 13/7/2017. Theo đó 3/4 doanh nghiệp nhà nước do bộ quản lý là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chưa có dự án thua lỗ kéo dài, không có khả năng phục hồi.

Riêng Tổng công ty truyền thông đa phương tiện có một số dự án đầu tư có mục đích sử dụng cho Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã được thực hiện, có nguy cơ giảm hiệu quả khi việc bàn giao, chia tách Đài VTC chưa được hoàn thành (Dự án xây dựng trụ sở Đài VTC, Dự án Trung tâm truyền thông đa phương tiện, Dự án nâng cao năng lực Trung tâm truyền thông đa phương tiện, Dự án hiện đại hoá thiết bị trường quay bằng công nghệ cao: Bốn dự án có tổng mức đầu tư là 1.678 tỷ đồng và hầu hết đưa vào sử dụng trong năm 2014 hoặc 2015, nhưng tỷ lệ sử dụng thấp).

Bộ Quốc phòng: Theo báo cáo tại Công văn số 7318/BQP-KHĐT ngày 27/6/2017, Bộ Quốc phòng đã thống kê các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả theo 02 nhóm là các dự án đã đưa vào sản xuất, vận hành và các dự án tạm dừng, dở dang chưa hoàn thiện đầu tư.

Nhóm các dự án đã đưa vào sản xuất, vận hành bao gồm: các dự án trồng cao su kém hiệu quả sang Lào, Campuchia thuộc Tổng công ty 15; các dự án nâng công suất khai thác than tại mỏ Đông Rì, mỏ Nam Khe Tam của Tổng công ty Đông Bắc.

Nhóm các dự án tạm dừng, dở dang chưa hoàn thiện đầu tư: Là các dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản như xây dựng khu đô thị của Công ty TNHH MTV Hà Thành; dự án xây dựng khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng của Tổng công ty Thành An (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) và dự án xây dựng khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng Thành An Tower tại 21 Lê Văn Lương, Hà Nội; dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Sunshine Hill I và Sunshine Hill II của Tổng công ty Thái Sơn.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Theo báo cáo tại Công văn số 6399/BNN-QLDN, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thống kê có 27 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam (11 dự án), Tổng công ty Cà phê (13 dự án), Công ty TNHH MTV Thuỷ sản Hạ Long (3 dự án), với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 909,76 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các nhóm là nhóm dự án đã tạm dừng hoạt động (13 dự án), nhóm dự án đang sản xuất, vận hành nhưng thua lỗ (8 dự án).

Bộ Giao thông vận tải: Theo báo cáo tại Công văn số 8694/BGTVT-QLDN ngày 04/8/2017, Bộ Giao thông vận tải thống kê có 2 doanh nghiệp có các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).