Đánh thuế cao bất động sản: Chống đầu cơ, chống cả tham nhũng, rửa tiền

An Chi - 08:00, 10/08/2017

TheLEADER"Một nền kinh tế có giá bất động sản thấp mới là một nền kinh tế phát triển bền vững", theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.

Đánh thuế cao bất động sản: Chống đầu cơ, chống cả tham nhũng, rửa tiền
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường

Thuế nhà đất tại Việt Nam đang rất thấp

Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thành một báo cáo chuyên đề về chính sách thuế với bất động sản. Trong đó có nội dung đánh thuế căn nhà thứ 2. Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế với tài sản hiện chưa đáp ứng vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Do đó, cơ quan này cho rằng, cần thiết phải xây dựng một luật thuế tài sản riêng, góp phần quản lý sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế đầu cơ bất động sản. 

Về vấn đề này, TheLEADER đã có buổi trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.

Trước thông tin về việc Bộ Tài chính đang có dự định đánh thuế tài sản mang tính trực thu vào những người có tài sản lớn, theo đó với những người có từ hai ngôi nhà trở lên thì ngôi nhà thứ hai sẽ bị đánh thuế. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

GS. Đặng Hùng Võ: Trên thực tế, việc đánh thuế trực thu vào các tài sản có giá trị như nhà đất không phải lần đầu tiên được nhắc đến. Hơn năm năm trước, sắc thuế này đã được đề xuất với tên gọi là thuế nhà ở, nằm trong Luật Thuế nhà đất, song tại thời điểm đó, đề xuất này không được Quốc hội thông qua. 

Cuối năm 2009, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thuế nhà đất trước đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã thống nhất chưa đánh thuế nhà ở vì chưa có sự đồng thuận cao trong dư luận.

Hiện nay, việc đánh thuế đối với nhà ở thứ hai trên thực tế đã được đưa vào thực tiễn, song, mức thuế là rất thấp. Luật pháp hiện chỉ quy định với thuế đất chứ chưa đánh thuế nhà ở. Chính vì vậy, việc Bộ Tài chính muốn đánh vào thuế nhà, nhằm nâng mức thuế lên cao hơn, theo đánh giá của tôi, chắc chắn sẽ tạo ra những hiệu quả và tác động rất tích cực đối với sự phát triển của xã hội trong tương lai.

Ông có thể phân tích kỹ hơn về việc tăng mức thuế đối với nhà đất trong thời gian tới sẽ mang lại những hiệu quả gì, thưa ông?

GS. Đặng Hùng Võ: Hiện nay ở Việt Nam, chúng ta đang đánh thuế nhà đất rất thấp trong khi các nước khác trên thế giới họ để mức thuế này rất cao. Thông thường, các nước khác đánh thuế khoảng 1% thuế vào tổng giá trị của cả đất lẫn nhà tính theo giá thị trường, còn ở Việt Nam hiện chỉ đánh 0,03% thuế vào đất và không tính thuế vào nhà ở.

Mức thuế này theo tôi là quá thấp so với các nước trên thế giới, cũng chính vì vậy nó dẫn đến rất nhiều hệ luỵ. Mà trước hết là mức thuế quá thấp này không đủ cho Nhà nước chi trả các dịch vụ công cộng tại đô thị. Việc nâng cấp đô thị cũng như việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Người dân đô thị đang phải trả một mức thuế rất thấp trong khi lại được hưởng những dịch vụ công cộng, những hạ tầng đô thị rất hiện đại như ngày nay.

Điều đó đang dẫn đến một thực tế là chúng ta đang rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách, thiếu nguồn thu cho ngân sách và nợ công ngày càng cao. Nhà nước hiện vẫn phải dùng ngân sách và vốn đi vay ODA để trả cho các khoản chi này chứ không phải từ nguồn thuế của người dân.

Một khía cạnh khác, Nhà nước và các cơ quan chức năng đang mất rất nhiều công sức để giải bài toán ngăn luồng di cư của người dân các tỉnh vào Hà Nội, đặc biệt là rất khó khăn trong việc bố trí dân cư tại phố cổ, khu vực trung tâm của thành phố. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này chính là do điều kiện sống ở Hà Nội tốt hơn rất nhiều ở các tỉnh thanh khác, trong khi người dân lại không phải chi trả nhiều cho nơi ở và việc sinh sống của mình.

Chính vì vậy, theo tôi đánh giá, quy định tăng thuế đối với nhà ở sẽ mang lại những tác động rất tích cực cho xã hội nếu được thực thi trong thời gian tới.

Nền kinh tế có giá bất động sản thấp mới là nền kinh tế phát triển bền vững

Những tác động cụ thể đến thị trường bất động sản sẽ như thế nào, thưa ông?

GS. Đặng Hùng Võ: Một quy luật trên thị trường bất động sản hiện nay là thuế cao thì giá thấp và giá thấp thì thuế chắc chắn sẽ cao. Thực tế cho thấy là giá và thuế bất động sản của Việt Nam hiện nay đang ngược lại hoàn toàn so với ở Mỹ. Cụ thể, ở Mỹ, giá bất động sản rất thấp vì người ta đánh thuế cao còn chúng ta thì ngược lại.

Tại Mỹ, chỉ với từ 100 nghìn đô đến 500 nghìn đô là người dân đã có thể mua được một tài sản bất động sản có chất lượng khá cao. Thậm chí những vị quan chức của Mỹ cũng chỉ ở những bất động sản có giá khoảng 2 triệu đô la. Trong khi đó, tại việt Nam, 2 triệu đô la thì không thể mua được một biệt thự trong phố cổ của Hà Nội. 

Câu hỏi là tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Đó là do ở Mỹ người dân trước khi mua nhà sẽ phải cân nhắc xem mua xong có thu nhập đủ để trả thuế hay không, mua xong có thể sinh lợi như thế nào...

Chính những suy nghĩ đó đã làm hạn chế nguồn cầu bất động sản khiến giá bất động sản thấp đi vì mọi người sẽ không còn tâm lý cứ có tiền là đi mua bất động sản nữa. Kết quả tất yếu là làm hạ giá trị bất động sản. Và một nền kinh tế có giá bất động sản thấp mới là một nền kinh tế phát triển bền vững.

Ông có cho rằng, việc đánh thuế cao sẽ hạn chế sự phát triển của thị trường bất động sản?

GS. Đặng Hùng Võ: Đánh thuế cao đối với bất động sản và đánh thuế luỹ tiến với những ngôi nhà thứ hai, thứ ba sẽ có khả năng chống đầu cơ tích trữ trong bất động sản, thậm chí là chống tham nhũng rửa tiền. 

Bên cạnh đó, việc vốn của người dân dồn vào bất động sản là không nên, bởi trên thực tế, nguồn tiền trong xã hội phải đầu tư sản xuất mới tạo động lực cho phát triển.

Hiện một số ý kiến cho rằng, sắc thuế trực thu này chỉ có khả năng nằm trên giấy vì đi vào thực tế rất khó thực hiện, trong trường hợp thực hiện được thì sẽ tạo ra tiêu cực bắt tay ngầm để lách thuế. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

GS. Đặng Hùng Võ: Đương nhiên, khi một sắc luật mới được đưa ra bàn và ngay cả sau này khi đưa vào thực tiến chắc chắn cũng sẽ vấp phải rất nhiều luống ý kiến trái chiều từ dư luận. Theo tôi, sắc luận này là hợp lý và cần thiết cho sự phát triển của thị trường bất động sản nói riêng và xã hội nói chung.

Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta phải thực hiện như thế nào cho đúng. Nếu làm tốt, tôi tin rằng nó sẽ giúp vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn.