Đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả, để tăng thu ngân sách

Tuấn Nguyễn - 15:07, 24/08/2017

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang góp phần không nhỏ vào số thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nạn buôn lậu, hàng giả vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, làm thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả, để tăng thu ngân sách
Thuốc lá lậu gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng/năm gần đây

Thu hàng nghìn tỷ đồng từ xử lý vi phạm

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), năm 2016, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 223.000 vụ việc vi phạm. Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt trên 21.500 tỷ đồng.

Đóng góp nhiều nhất trong tổng số thu ngân sách từ xử lý vi phạm lực lượng thuế với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 17.000 tỷ đồng. Tiếp theo là lực lượng hải quan với số tiền trên 3.500 tỷ đồng; quản lý thị trường gần 549 tỷ đồng; bộ đội biên phòng thu nộp gần 58 tỷ đồng; cảnh sát biển gần 32 tỷ đồng…

Đáng chú ý, các cơ quan thanh tra chuyên ngành chỉ phát hiện, xử lý 532 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 62 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc ngày 21/8/2017 giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 11 bộ, ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ ra một thực trạng: một năm, doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành, nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp”. 

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan, nhiều lô hàng Hải quan kiểm tra rồi nhưng không thông quan được, thậm chí 3 tháng sau bộ chuyên ngành mới tới kiểm tra.

Làm sao để tăng thu?

Để công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái 6 tháng cuối năm 2017 đạt hiệu quả cao nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo cùng bộ, ngành, địa phương phải xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục.

Phó Thủ tướng đề nghị xử lý nghiêm minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự; chỉ đạo đẩy mạnh điều tra cơ bản, xác lập chuyên án trinh sát để làm rõ tổ chức tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu…

Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (thuộc Tổng cục Hải quan), cũng cho biết, Tổng cục đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ký kết nhiều quy chế, kế hoạch phối hợp giữa tổng cục và Tổng cục Cảnh sát, Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư - Tổng cục An ninh... để đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm.