Để doanh nghiệp không còn cảnh 'vụt sáng vụt tắt', 'chưa kịp nổi thì đã chìm'

Đỗ Long - 07:34, 10/08/2017

TheLEADERThực tế cho thấy, sở dĩ có nhiều đại gia nổi lên cồm cộm rồi vụt tắt nhanh chóng là do họ lợi dụng được chính sách không minh bạch, họ liều làm là vì có sự tiếp tay của một bộ phận công chức biến chất. Đó là thảm họa quốc gia.

Để doanh nghiệp không còn cảnh 'vụt sáng vụt tắt', 'chưa kịp nổi thì đã chìm'
Nhiều doanh nghiệp than rằng “chưa kịp lớn thì đã già”.

Đã làm doanh nghiệp tức ta đã chọn cho mình con đường công danh gắn với mục tiêu làm giàu chính đáng và phải hướng đến phát triển ngày càng tốt, bền vững.

Tuy nhiên trong cuộc sống, trong mối quan hệ kinh tế, trong thương trường mọi thứ đều không phải lúc nào cũng là “màu hồng”, lúc nào cũng bền vững. 

Có nhiều nguyên do để có thể khẳng định “Doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn non trẻ, vẫn nằm trong sự biến động chung của nền kinh tế còn thiếu ổn định”; và vì thế doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, còn phải “vật lộn cả với môi trường bên ngoài lẫn bên trong nội tại của doanh nghiệp”.

Thực trạng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho thấy, cùng một môi trường cùng một thể chế cùng một ngành nghề nhưng có rất nhiều dạng doanh nghiệp khác biệt nhau và như thế cũng có nhiều kết quả khác nhau.

Trước tiên, phải thừa nhận là đất nước đang có nhiều doanh nghiệp thành đạt đến đời thứ ba. Đó là nhưng nghiệp doanh nghiệp đã chọn lựa “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. 

Họ nối tiếp truyền thống ông bà, gia đình, duy trì sản nghiệp với tiêu chí nhất là là chỉ “một nghề” duy nhất. Họ trân trọng, tảo tần, tỉ mỉ cải tiến các sản phẩm bằng đầu tư phát triển công nghệ. Họ làm tốt nên có điều kiện bứt phá đi lên, làm giàu và còn phát triển bền vững hơn khi họ biết chuẩn bị tốt để giao cho thế hệ kế thừa.

Với họ, chỉ cần 1 nghề, không bon chen các nghề khác nếu họ không am hiểu. Con cháu họ thì được giáo dục, được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho việc kế thừa thành công. Đây có thể xem là thành phần doanh nghiệp chuẩn, doanh nghiệp gốc của đất nước; mà ở nước ta hiện có tới 90% số doanh nghiệp tư nhân có đặc điểm là doanh nghiệp gia đình.

Phần còn lại của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì chủ yếu là “vụt sáng vụt tắt”, “chưa kịp nổi thì đã chìm”. Trong suốt chặng đường 30 năm kể từ khi Việt Nam mở cửa kinh tế từ năm 1986 đến nay, không biết được đã có bao nhiêu doanh nghiệp kiểu “sáng nắng chiều mưa” bị rơi rụng?

Nguyên nhân để hình thành những dạng doanh nghiệp không bền vững này chắc có lẽ có cả “nghìn lẻ một lý do”; nhưng theo tôi có 2 nguyên nhân rất quan trọng.

Trước hết là thể chế. 

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam là có nhiều luật lệ về quản lý kinh tế nhất thế giới; hàng ngàn quy định được gọi là các giấy phép mẹ và con nằm trong các điều luật như ma trận làm khó doanh nghiệp, cứ bỏ được cái này cái khác lại mọc ra mà xã hội đã phải ví như “đầu Phạm Nhan”. 

Nhiều luật lệ lại trói buộc nhau theo kiều “Nếu quản không được thì ra quyết định cấm”; hoặc những qui định cho doanh nghiệp lại không phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà là để tạo điều kiện cho dể dàng quản lý của các cơ quan làm luật.

Đây là việc mà Chính phủ đã nhìn ra từ lâu và đã, đang rất nỗ lực tháo gỡ, cải cách mạnh mẽ. Nghị quyết 35/NQ-CP gần đây được Chính phủ ban hành để tháo gỡ những rào cản kinh doanh, làm giảu chính đáng là một ví dụ. 

Trong hội nghị Thủ Tướng với các doanh nghiệp ngày 31/7/2017, người đứng đầu Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều rào cản, cần nhận được nhiều sự hợp tác của doanh nghiệp để tháo gỡ nhanh các khó khăn vướng mắc trong hệ thống pháp lý đồ sộ này.

Bên cạnh đó, khi làm việc với các bộ ngành, địa phương trong phiên họp giao ban ngày 3/8/2017 Thủ tướng Chính phủ đã phải mạnh mẽ “xốc tinh thần của các tư lệnh ngành” khi nói: “Anh nào chưa có lửa trong lòng thì hãy nhóm lên, đã đến lúc cần ‘ghi bàn’ cho nền kinh tế thì các ‘tiền đạo’ cần tiến lên”.

Rõ ràng điều hành chính sách quốc gia có tác động trực tiếp đến các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp; và cũng rất rõ ràng là doanh nghiệp mạnh được hay không có tác nhân rất quan trọng đến từ sự minh bạch của chính sách.

Kế đến là vấn đề con người.

Hiện cả nước đang có cả trăm ngàn doanh nghiệp. Trong đó có doanh nghiệp chỉ mơ “qua một đêm” là thành tỷ phú cho nên làm bất chấp luật lệ, bất kể rủi ro; cũng có doanh nghiệp bị “buộc” rơi vào hoàn cảnh phải làm giàu bất chính vì nợ nần, làm ăn khó khăn dẫn đến làm liều làm bậy; cũng có doanh nghiệp theo kiểu “Liều mạng” để được “Xứng danh đại gia”.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người và dư luận luôn luôn quan sát và thấu hiểu, nên câu chuyện “Doanh nghiệp nào sẽ thành công”, “Doanh nghiệp nào sẽ sớm tàn lụi” là điều không khó nhận diện bởi năng lực thực chất sớm muộn cũng được cộng đồng biết đến. 

Chỉ tiếc rằng bản thân những doanh nghiệp đang cố “làm giàu bằng mọi giá” thì không màng dư luận, không thấy được tương lai đen tối của họ nếu vận hành doanh nghiệp bất chấp các thủ đoạn. Rồi hậu quả là họ sẽ “Sớm vụt sáng rồi cũng vụt tàn”.

Đa phần những doanh nghiệp này khi đã tự chọn cho họ con đường làm giàu tốc độ, kinh doanh bất chấp pháp luật, dùng chiêu trò lũng đoạn, mua chuộc… sẽ để lại cho đất nước những lỗ hổng kinh tế không thể vá lành được. Và điều quan trọng hơn là: “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị ảnh hưởng, chịu nhiều thiệt thòi; hình ảnh doanh nghiệp làm ăn gian dối trong cộng đồng làm lu mờ sự tích cực của doanh nghiệp, dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm soát, kiểm tra bằng đủ loại hình, bị trói buộc trong nhiều tầng cấp quản lý. Họ khó mà lớn kịp, cho nên nhiều doanh nghiệp than rằng “Chưa kịp lớn thì đã già” là như vậy.

Để có lực lượng doanh nhân doanh nghiệp mạnh, để Việt Nam trở thành mành đất hấp dẫn cho khởi nghiệp và đầu tư kinh doanh, phải có được môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch.

Để làm được như vậy, trước hết Chính phủ cần nỗ lực cụ thể hóa thêm các chủ trương kiến tạo phát triển đất nước bằng cách tạo thêm nhiều cơ chế, cơ hội cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng phát triển; cần có cơ chế thuận lợi để các doanh nhân được phát biểu và các kiến nghị của họ phải được lắng nghe cầu thị và tiếp thu.

Cần sớm có các quyết sách để “thông quan” các chính sách kìm hãm doanh nghiệp như giải tỏa các quy hoạch treo làm vướng doanh nghiệp không đầu tư phát triển được, xem xét điều chỉnh các chính sách về lao động, BHXH, y tế, cắt giảm các chi phí ăn vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp; trừng trị thích đáng những kẻ làm hàng gian hàng giả làm tổn hại xã hội.

Những kiến nghị hợp tình, hợp lý có lợi chính đáng cho doanh nghiệp cũng như đất nước cần phải được ủng hộ và chấp thuận không chờ xin ý kiến từng bộ ngành mà chỉ cần thông qua một đầu mối do Chính phủ chỉ định. Đây là cơ chế mở để giải quyết những vướng mắc về việc cùng một chủ trương nhưng mỗi nơi mỗi hiểu khác nhau dẫn đến giải quyết khác nhau.

Thực tế cho thấy, sở dĩ có nhiều đại gia nổi lên cồm cộm rồi vụt tắt nhanh chóng là do họ lợi dụng được chính sách không minh bạch, họ liều làm là vì có sự tiếp tay của một bộ phận công chức biến chất. Đó là thảm họa quốc gia.

Với đại bộ phận các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm giàu căn cơ cần động lực lớn nhất là các cơ quan chính quyền phải chuyên nghiệp hơn để cải thiện chính sách sao cho minh bạch, vì lợi ích chung và dễ đoán định; đồng thời chính sách cũng phải che chở cho doanh nghiệp phát huy thế mạnh nội lực, vươn ra thế giới để từ đó có đóng góp cho đất nước.

Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bitas