Đề xuất đánh thuế với nhà ở trên 700 triệu đồng và ô tô trên 1,5 tỷ đồng

Minh Anh - 08:29, 14/04/2018

TheLEADERBộ Tài chính vừa có đề xuất thu thuế tài sản đối với nhà trên 700 triệu, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Phương án thuế suất được đưa ra là khoảng 0,4%.

Đề xuất đánh thuế với nhà ở trên 700 triệu đồng và ô tô trên 1,5 tỷ đồng
Nhà ở có thể chịu thuế tài sản theo đề xuất mới của Bộ Tài chính

Sẽ đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng?

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế Tài sản. Theo đó, bộ này đề xuất đối tượng chịu thuế tài sản gồm đất ở, đất ở nông thôn và đô thị, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất hoạt động khoáng sản, đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm gốm, đất phi nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.

Về lý do đưa ra đề xuất trên, bộ này giải thích rằng kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đánh thuế nhà, trong đó có nhà sử dụng cho mục đích kinh doanh vì cho rằng người được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, phúc lợi xã hội sẽ phải có nghĩa vụ đối với nhà nước.

Nhiều quốc gia có quy định cụ thể đánh thuế đối với nhà sử dụng cho mục đích kinh doanh như: Hàn Quốc quy định các loại nhà chịu thuế tài sản gồm nhà ở, nhà cho sân golf và các dịch vụ xa xỉ, tòa nhà dùng để làm nhà máy ở khu dân cư và các tòa nhà với mục đích khác; Đài Loan quy định các loại nhà chịu thuế là nhà ở và nhà, công trình xây dựng cho mục đích thương mại; Singgapore quy định thu thuế đối với nhà ở, tòa nhà...

Ở Việt Nam việc đánh thuế đối với nhà và công trình thương mại, dịch vụ sẽ có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Giá tính thuế đối với đất được Bộ Tài chính xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá 1m2 đất tính thuế. Diện tích đất tính thuế là diện tích đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất hoặc trên quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất hoặc hợp đồng giao đất, hợp đồng cho thuê đất.

Trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, hợp đồng giao đất, hợp đồng cho thuê đất thì diện tích đất tính thuế là diện tích thực tế sử dụng.

Đối với đất xây dựng nhà chung cư gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh thì diện tích đất tính thuế được xác định bằng diện tích nhà của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhân với hệ số xác định diện tích đất tính thuế theo quy định của Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo hai phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng.

Bộ này cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%; Philippines 1% và 2%. 2 phương án thuế suất thuế tài sản được tính đến là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3% hoặc 0,4%.

Với thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 23.300 nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Còn đối với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Với tất cả các phương án trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Ngoài ra, trong quá trình thảo luận xây dựng dự án luật, có ý kiến đề nghị chỉ đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ 2 trở đi. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính phương án này không đảm bảo công bằng và khó khăn trong triển khai thực hiện thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện triển khai thực tế tại Việt Nam cũng như có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản. Do đó, bộ này đề xuất không đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi.

Ô tô từ 1,5 tỷ có thể chịu thuế tài sản

Bên cạnh thuế nhà đất, bộ Tài chính cũng đề nghị đánh thuế tài sản đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Đối tượng không chịu thuế tài sản đối với tài sản khác nếu có giá trị dưới 1,5 tỷ đồng và sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách.

Dù vậy, Bộ Tài chính cũng tính tới phương án không đánh thuế tài sản đối với tàu bay, du thuyền, ô tô bởi kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiện chỉ có ba nước đánh thuế tài sản đối với động sản bao gồm máy móc thiết bị, phương tiện. Ttrong đó có ô tô, tàu bay, tàu thuyền là Hàn Quốc, Kazakhstan và Bolivia, trong đó Hàn Quốc chỉ đánh thuế đối với tàu bay, du thuyền.

Thêm vào đó, theo số liệu do Bộ Giao thông vận tải cung cấp, 100% số lượng tàu bay, du thuyền đăng ký trên toàn quốc thuộc sở hữu của tổ chức, không có tàu bay, du thuyền nào đăng ký thuộc sở hữu tư nhân.

Với phương án đánh thuế tài sản với tàu bay, du thuyền và ô tô có giá trị trên 1,5 tỷ đồng, giá tính thuế là giá trị tài sản tại thời điểm tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định. Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô đã qua sử dụng, giá tính thuế được xác định bằng giá trị tài sản mới nhân với tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản do UBND cấp tỉnh ban hành theo thời gian sử dụng tài sản tại thời điểm tính thuế.

Về thuế suất, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án thuế suất là 0,3% và 0,4% giống như đối với thuế nhà.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Luật Thuế Tài sản sẽ được công bố rộng rãi, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Dự kiến năm 2020 sẽ đưa dự thảo ra trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.