Đề xuất quy hoạch ga Hà Nội: Hà Nội cần gì ở bản quy hoạch này?

Lạc Nhật - 11:54, 26/09/2017

TheLEADERĐề xuất quy hoạch lại ga Hà Nội thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi không chỉ là câu chuyện liên quan đến văn hóa, biểu tượng mà còn là chuyện về tư duy và tầm nhìn trong quy hoạch Thủ đô - một chuyện bàn đi bàn lại trong nhiều năm qua.

Đề xuất quy hoạch ga Hà Nội: Hà Nội cần gì ở bản quy hoạch này?
Ga Hà Nội. Ảnh báo Kiến thức

Đồ án quy hoạch lại khu vực ga Hà Nội và phụ cận dù chưa được "lên sóng" chính thức, nhưng đề xuất xin ý kiến các bộ ban ngành về đề xuất này đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. 

Dư luận đặc biệt quan tâm bởi lẽ, những thay đổi trong bản đề xuất của Hà Nội không chỉ có ảnh hưởng đến các yếu tố về văn hóa, một khu vực mang tính biểu tượng của Thủ đô, mà còn là câu chuyện về tư duy và tầm nhìn trong quy hoạch Hà Nội – một chuyện bàn đi bàn lại trong nhiều năm vừa qua.

Phải nói rằng, dù chỉ là một quy hoạch phân khu, nhưng với vai trò là đầu mối của tất cả các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, lại nằm trong khu vực lõi, nên nếu mọi việc trở thành hiện thực như đề xuất đã nêu ra, thì chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới việc phát triển đô thị, giao thông của Thủ đô trước mắt và cả trong dài hạn.

Hà Nội cần gì ở bản quy hoạch này? Vì sao lại đề xuất quy hoạch lại ga Hà Nội? Quy hoạch này có lợi ích nhóm hay không? Hà Nội cần bất động sản hay cần phát triển bền vững?...Đó là một vài trong hàng ngàn câu hỏi được dư luận và các chuyên gia đặt ra quanh đề xuất quy hoạch lại ga Hà Nội.

Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, trải qua hơn 100 năm, ga Hà Nội không chỉ trở thành đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, mà còn mang trong mình giá trị lịch sử mang tính biểu tượng. Ở một góc nhìn nào đó, kiến trúc cổ kính của ga Hà Nội được ví như Tháp Eiffel của Thủ đô Paris nước Pháp hay Đồng hồ Big Ben tại London của Anh.

Chính bởi điều này, việc tái cấu trúc, kiến tạo lại không gian của ga Hà Nội với công năng, chức năng và kiến trúc khác là không dễ, đối mặt với phản ứng rất lớn của dư luận trong và ngoài nước. Đồng thời, tính toán sao với bài toán giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hóa trong suốt hơn 100 năm qua của ga Hà Nội. 

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa, phá xây mới thì rất dễ, nhưng xây mà giữ được di sản thì mới khó, mới là thách thức cần vượt qua. Bản thân ga Hà Nội hiện nay còn giữ được khá nhiều đường nét kiến trúc của Pháp. Do đó, việc cải tạo ga gần như bắt buộc phải giữ lại toàn bộ kiến trúc này.

Chưa kể, ngoài vấn đề về giá trị lịch sử, thì yếu tố quan trọng hơn cả chính là câu chuyện về quy hoạch ga Hà Nội trong tương lai trung và dài hạn khi nhiều ý kiến cho rằng xây cao ốc cao 40 – 70 tầng ở khu vực Ga Hà Nội và phụ cận được nêu ra vô tình đi ngược với Quy chế quản lý quy hoạch công trình cao tầng tại khu vực nội đô lịch sử mà Hà Nội mới phê duyệt hồi tháng 4/2016.

Cụ thể, tại điều 9 trong Quy chế nêu rõ khu vực xung quanh Ga Hà Nội được xây dựng tối đa 18 tầng (tương đương với 65m). Điều kiện riêng của khu vực xung quanh qua Hà Nội, các công trình cao phải đảm bảo giảm mật độ xây dựng, tạo không gian thoáng, thông tầng tại các tầng đế, kết nội không gian công cộng.

Ngay cả điều 7 (khu vực hai bên tuyến phố hướng tâm) của Quy chế cũng quy định rõ phía Tây đường Lê Duẩn (đoạn từ Điện Biên Phủ đến Hai Bà Trưng) nằm trong khu vực Văn Miếu và phụ cận không được xây dựng công trình cao tầng; Phía Tây đường Lê Duẩn (toạn từ Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) kiến trúc công trình phải đảm bảo phù hợp với cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn Ga Hà Nội.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội đánh giá: Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử ra đời tháng 4/2016 là thể hiện mong muốn, ý chí của TP. Hà Nội trước áp lực hàng loạt công trình cao tầng được xây dựng. Và bản thân quy định này cũng căn cứ từ Quy hoạch chung và Luật Thủ đô đã được ban hành. Do vậy, theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm thì thành phố phải tôn trọng những điều đã đặt ra trong Quy chế.

Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội cũng không loại trừ khả năng có những công trình được điều chỉnh chiều cao so với Quy chế mà TP. Hà Nội đã ban hành. Tuy nhiên, thành phố phải làm rõ những yếu tố mang tính đột biến để buộc phải điều chỉnh quy hoạch, phải xin ý kiến các chuyên gia và phải hỏi ý kiến cộng đồng trong khu vực điều chỉnh. Nếu thấy không ổn thì cần phải dừng lại đề xuất này để tránh gây tâm lý bất ổn trong dư luận.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, câu chuyện quy hoạch phát triển của Hà Nội "bị băm nát" đã liên tục được đưa lên các diễn đàn thảo luận, thậm chí còn trở thành đề tài nóng trên Nghị trường Quốc hội. Hầu hết quy hoạch chỉ được một thời gian ngắn là bị phá vỡ do thiếu cơ sở dữ liệu khoa học, tầm nhìn ngắn hạn biến nhiều khu vực của Hà Nội trở nên nhếch nhác, chật chội và luôn trong tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Cách đây gần một năm, trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội để giải cứu những bất cập ách tắc giao thông và hạ tầng quá tải, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã phải nói như trải lòng: Hà Nội nhìn thấy thảm họa đang tiến dần tới mình mà không biết làm thế nào!

Từ lời trải lòng đó của Bí thư Hải, Hà Nội liên tục có các tọa đàm để bàn việc xây dựng cơ chế, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để nhằm bịt lỗ hổng, hướng tới xây dựng một bản Quy hoạch chung, thống nhất, có tầm nhìn và tư duy phát triển không chỉ 5 năm, 10 năm mà cả trăm năm để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể bản đề xuất quy hoạch Ga Hà Nội cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, hiện tại nó lại đang vấp phải phản đối rất lớn của dư luận khi chưa công khai các chi tiết liên quan, và mới chỉ gửi cho một số bộ ban ngành xin ý kiến.

Phối cảnh đồ án quy hoạch lại ga Hà Nội. Ảnh Vnexpress

Được biết, bản quy hoạch này được lập do Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội dưới sự tư vấn của Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (NSC), một đơn vị tư vấn quy hoạch nổi tiếng đến từ Nhật Bản với lịch sử hơn 110 năm tuổi và đã tham gia tư vấn và triển khai lên đến gần 25.000 công trình trên toàn thế giới. Đồ án theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), tức là lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho quy hoạch đô thị; lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.

Về mặt lý thuyết, phương pháp lập quy hoạch được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế tại Hà Nội, nhưng trên thực tế cùng với khá nhiều nội dung đề xuất vượt quá các khung quy hoạch đã được xác lập trước đó, Đồ án đang đi ngược tiêu chí giãn dân khỏi khu vực lõi đô thị khi vừa muốn quy hoạch lại Ga Hà Nội với chức năng ga đầu mối, vừa muốn xây một loạt công trình thương mại cao từ 40-70 tầng…Chính vì điều này, nhiều ý kiến nhận xét của giới chuyên gia đã thẳng thừng: "có lợi ích nhóm trong dự thảo quy hoạch này"...

Muốn công tác quy hoạch hiệu quả, ngay từ đầu nó phải được đảm bảo bằng hệ thống pháp luật chặt chẽ, công khai, minh bạch về quy hoạch và kiến trúc; đồng thời mục tiêu quy hoạch phải hướng đến vì sự phát triển chung và vì lợi ích chung của cộng đồng. Đặc biệt ở những khu vực đặc thù như Hà Nội, là Thủ đô và là thành phố có bề dày văn hóa lịch sử ngàn năm, có đặc điểm riêng về địa chính trị thì việc quy hoạch và đầu tư phát triển càng được xem xét một cách cẩn trọng.

Thông tin Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000:

Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận do Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội phối hợp với sự tư vấn của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltđ, Nhật Bản (viết tắt là NSC) thành lập, vị trí quy hoạch sẽ thuộc địa giới hành chính các quận Đống Đa (các phường Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên), quận Hoàn Kiếm (phường Cửa Nam), quận Ba Đình (phường Điện Biên), quận Hai Bà Trưng (phường Nguyễn Du).

Tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 98,1ha với tổng dân số dự kiến khoảng 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người). Tổng vốn đầu tư khoảng 23.800 tỷ đồng.

Quy hoạch nhằm sắp xếp lại các chức năng sử dụng đất theo hướng mật độ thấp, tạo nhiều không gian mở đô thị, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân cư. Theo đó, quy hoạch chỉ ra 9 phân vùng không gian chức năng bao gồm:

Khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40 - 70 tầng bố cục ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch; khu truyền thông cao khoảng 40 - 70 tầng và khu công viên bố cục ở phía Đông khu đất; khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40 - 60 tầng, bố cục ở phía Tây Nam khu đất lập quy hoạch; khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40 - 60 tầng, khu ga đường sắt cao 40 - 70 tầng được bố trí nằm tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch.