Đề xuất tính lương tối thiểu theo giờ

Lam Điền - 11:00, 14/09/2017

TheLEADERViện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, tính lương tối thiểu theo giờ đảm bảo những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày đều được hưởng đầy đủ các quyền lợi, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động.

Đề xuất tính lương tối thiểu theo giờ
Nhiều khuyến nghị nên điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam), trong hơn một thập kỷ gần đây, lương tối thiểu đã tăng liên tục với tốc độ khá nhanh tại Việt Nam. 

"Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước láng giềng, mức tăng lương tối thiểu đã làm gia tăng mối lo ngại về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung", theo VEPR.

Tốc độ tăng lương tối thiểu tại Việt Nam được đánh giá là đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động, đi ngược với xu hướng tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia.

Theo đó, VEPR khuyến nghị nên điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động.

Các chuyên gia của VEPR cho rằng lương tối thiểu không hiệu quả nếu được xem là một chính sách bảo trợ xã hội. Bởi hệ thống lương tối thiểu hiện nay chưa áp dụng với người lao động không có hợp đồng lao động, cũng như không thể hiện vai trò bảo vệ nhóm người thiệt thòi và dễ tổn thương. Do vậy, cần phải xem xét các chính sách xã hội bổ sung - áp dụng với nhóm cá nhân không được quy định trong chính sách lương tối thiểu. 

Đáng chú ý, VEPR đưa ra đề xuất rằng, "lương tối thiểu nên chuyển sang hệ thống lương tối thiểu theo giờ".

VEPR cho rằng, cách tính này sẽ đảm bảo rằng những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày đều có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động.  

Hội đồng tiền lương quốc gia cũng khuyến nghị nên có thêm sự tham gia của các học giả độc lập có kiến thức sâu rộng về kinh tế vĩ mô, kinh tế lao động và có thể kiểm tra tác động của mức lương tối thiểu đối với việc làm, thu nhập và thu nhập trước và sau khi điều chỉnh lương tối thiểu. 

VEPR cũng cho rằng việc ước tính tác động của tăng lương tối thiểu cần được thực hiện thường xuyên hơn với số liệu cập nhật, dù không cần thiết phải thực hiện hàng năm. 

Điều quan trọng là phải theo dõi tác động của việc tăng lương tối thiểu lên nền kinh tế để tránh việc tăng lương tối thiểu có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn như sự dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang khu vực không chính thức.

Các chuyên gia của VEPR lưu ý, lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp.