Đỗ Long, CEO Bita's: Hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ phải được Chính phủ nâng niu

Kim Yến - 09:40, 11/10/2017

TheLEADERDoanh nghiệp Việt Nam luôn thiệt thòi, luôn là kẻ đi sau các doanh nghiệp khác trong khu vực, cho dù bản thân họ có sản phẩm vượt trội, có tính thị trường rõ rệt.

LTS: “Chính phủ kiến tạo và hành động” là quyết tâm chính trị đã được thực hiện quyết liệt trong 2 năm qua. Với hàng loạt chủ trương, chính sách mang tính cải cách mạnh mẽ hơn (phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, xóa bỏ giấy phép con, đối thoại với doanh nhân...), Chính phủ đã tạo ra một luồng sinh khí mới, một sự tương tác thân thiện với xã hội, với doanh nghiệp để chia sẻ và phát triển. Mới đây Ban bí thư cũng có chỉ thị tiếp tục mở rộng kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, đây là thông điệp đặc biệt cho thấy Đảng nhìn nhận lại và rõ ràng bản chất, vị thế của doanh nghiệp tư nhân.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, TheLEADER đăng tải những kiến nghị, những phát biểu tâm tình của một số doanh nhân với mong muốn đóng góp vào sự hoàn thiện các chính sách của Chính phủ.

Bài 1: Hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ phải được Chính phủ nâng niu

(Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Bita's)

Kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hạ quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, gắn kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, quan tâm nhiều đến các doanh nghiệp tư nhân, đó là luồng gió mát, niềm vui vô cùng lớn đối với doanh nghiệp nói chung. 

Hơn 2 năm qua, các động thái của Chính phủ muốn lắng nghe nhiều hơn, sâu hơn tiếng nói của mọi ngành, mọi doanh nghiệp được thể hiện qua nhiều đợt gặp gỡ trực tiếp với Thủ tướng, tần suất nhân cao, gặp mọi lúc, cả ngày nghỉ, gặp khắp các tỉnh thành, các thành phần ngành nghề khác nhau... 

Đồng thời, thành lập lại ban cố vấn cho chính phủ, mới đây lại thành lập một ban tham vấn chính sách cho các doanh nghiệp tư nhân,.. Có thể nói đó là ý chí quyết tâm của Chính phủ đã hết sức rõ ràng.

Chắc chắn cũng có những thành công nhất định như việc bộ, ngành tự điều chỉnh, bớt hoặc cắt các thủ tục, cắt các điều kiện kinh doanh bất hợp lý tồn tại cả vài chục năm, số cán bộ gây khó khăn, nhũng nhiễu cũng bớt, nhiều chuyển biến giờ có thể đo đếm được.

Tuy nhiên nhìn rộng, nhìn vào các mối quan hệ hành chính của các cơ quan Chính phủ, nhất là cấp sở ngành, địa phương thì vẫn chưa là một mối, còn chồng chéo, đẩy đùn công việc, thiếu tận tâm. Luôn xem doanh nghiệp dưới cặp mắt là người đi xin, mà là người đi xin thì chờ ban ơn. 

Hay nói theo một chuyên gia: "Doanh nghiệp giống như tù nhân thích thì cho ra ngoài trời phơi tí nắng, không thích thì cứ nhốt trong bức tường âm u. Còn đưa điều kiện kinh doanh mỗi năm mỗi tăng y như "siết cổ" không còn có thể thở chứ nghĩ chi lợi nhuận".

Những rào cản bị nêu tên, được gỡ bỏ thì lại mọc những rào cản khác, người ta từng chứng kiến thành công nhất giai đoạn 2000 - 2003 là bỏ được 160 giấy phép con, rồi từ đó tới nay, theo rà soát của VCCI thì có 243 ngành nghề bị kèm hơn 5.700 điều kiện kinh doanh mà trong đó có rất nhiều như là giấy phép con. Đúng là một rừng ma trận thủ tục vây bủa. 

Tôi đố ông chủ doanh nghiệp nào đọc và cập nhật kịp các quy định, thủ tục ban hành hàng tháng, quý, năm..

Doanh nghiệp Việt Nam luôn thiệt thòi, luôn là kẻ đi sau các doanh nghiệp khác trong khu vực, cho dù bản thân họ có sản phẩm vượt trội, có tính thị trường rõ rệt. Khi một quốc gia như Việt Nam chưa được các nước công nhận là kinh tế thị trường thì việc cấp visa, rào cản kỹ thuật, thuế xuất nhập… buộc doanh nghiệp yếu thế cạnh tranh ngay. 

Luôn phải bán sản phẩm với các chi phí cao và chi phí vô hình, để rồi không chịu đựng được nữa thì buông hoặc đổi sang kinh doanh đơn thuần, nhập hàng ngoại về kinh doanh, làm những nghề đơn thuần như mở hàng quán, mua đất, mua nhà sang nhượng, cho thuê, nhẹ nhàng khỏi đau đầu.

Việt Nam ta có doanh nghiệp lớn nhưng đếm trên đầu ngón tay, và với vài chục doanh nghiệp lớn không thể tạo giá trị bền vững cho một quốc gia.

Chúng ta phải có hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ được Chính phủ chắt chiu, nâng niu như Nhật Bản, Đài Loan, thì mới mong cả quốc gia bền vững. Chính những doanh nghiệp vừa và nhỏ này là đặc trưng cho nền kinh tế pha trộn như Việt Nam: vừa truyền thống vừa bước chân vào công nghiệp thay thế. 

Tôi chưa bao giờ nghĩ Việt Nam sẽ có nền công nghiệp công nghệ cao, còn phải làm công, ăn theo các doanh nghiệp FDI thêm vài chục năm nữa. 

Mà doanh nghiệp truyền thống cộng với doanh nghiệp thay thế, tức cái gì nhỏ là nhỏ luôn, còn thay thế là thay quy trình, thay thế cách quản lý hợp lý, có hướng tự chủ, không chờ đợi Chính phủ ban ơn. 

Cần phải chủ động hoàn toàn để xác định doanh nghiệp của ta đang đi được bao xa, đang ở đường quê hay đường cái quan, xu thế tiếp cận công nghệ, liên kết chuỗi sản xuất kinh doanh cũng đã mở ra nhiều nơi, nhiều quốc gia.

Kinh doanh bây giờ không biên giới, chỉ duy nhất một thị trường toàn cầu, buộc doanh nghiệp của ta phải đi theo chuẩn bền vững, không tàn phá môi trường, không gây ô nhiễm hoặc sử dụng các loại nguyên phụ liệu chứa các chất cấm... Phải luôn đi tìm và hoàn thiện sản phẩm hàng ngày, luôn cải tiến các phương pháp. 

Tôi đã trải qua nhiều giai đoạn làm ăn quốc tế, từng có những sản phẩm rất tốt, bán rất nhiều tại thị trường Việt Nam, nhưng khi chào hàng đến châu Âu, đối tác phân tích và thông báo là trong sản phẩm của công ty có một vài loại hóa chất không phù hợp. 

Tôi quyết định phải loại luôn khỏi quy trình sản xuất, kể cả khi bán tại thị trường Việt Nam chưa có chuẩn kiếm soát. Tôi thực hiện là vì tôi muốn hướng tới những điều mà lương tâm mình mách bảo: phải tôn trọng chuẩn mực quốc tế và chuẩn mực đó là lợi ích người tiêu dùng.