Doanh nghiệp gia đình: IPO – 'vạch áo cho người xem lưng'?

Việt Hưng - 11:20, 19/06/2018

TheLEADERIPO - lên sàn dường như là mục tiêu chung của rất nhiều doanh nghiệp. Thế nhưng, đối với doanh nghiệp gia đình, việc lên sàn còn rất nhiều khó khăn.

Tới năm 2018, sẽ tròn 18 năm kể từ phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ khi bắt đầu phát triển tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giúp cho nhiều doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ, quy mô lên tới hàng tỷ USD.

Chính vì đó, IPO - lên sàn dường như là mục tiêu chung của rất nhiều doanh nghiệp. Thế nhưng, đối với doanh nghiệp gia đình, việc lên sàn còn rất nhiều khó khăn.

Không phủ nhận, việc bán được cổ phiếu ra ngoài thị trường là một bước ngoặt đối với các doanh nghiệp gia đình, dù là thông qua hình thức IPO hay là sang nhượng, bán cho bạn bè, người thân.

Thực ra, một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp gia đình linh hoạt và đưa ra được quyết định nhanh chóng, đó là vì họ có khá ít cổ đông, và giữ gìn được những giá trị, định hướng cốt lõi của gia đình.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp gia đình đạt được tham vọng tăng trưởng, họ luôn tìm cách huy động được vốn, và bán cổ phiếu là một trong những cách thông dụng để đạt được điều đó.

Thách thức ở đây xoay quanh việc, những cổ đông bên ngoài có thể có cách nhìn khác, cũng như đặt niềm tin vào giá trị riêng. Thậm chí là động lực khác so với các thành viên trong doanh nghiệp gia đình.

Điều này có thể ảnh hưởng rất nhiều tới văn hóa của doanh nghiệp, bởi khi hoạt động khép kín, ban lãnh đạo công ty sẽ tập trung cho các vấn đề dài hạn, phát triển kinh doanh từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong khi đó, các cổ đông bên ngoài trú trọng tới việc nhanh chóng hoàn vốn. Từ mục đích khác nhau đó nên những quyết định của họ và các thành viên trong gia đình đưa ra thường khó đồng thuận.

Doanh nghiệp gia đình: IPO – 'vạch áo cho người xem lưng'?
CEO Lê Thanh Hoài - Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành SuperShip trong vai trò CEO trong chương trình giải quyết bài toán “Doanh nghiệp gia đình – Lựa chọn tương lai”

Như vấn đề của một doanh nghiệp gia đình có 20 năm sản xuất và kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm. Doanh nghiệp thuộc sở hữu 100% của các thành viên trong gia đình.

Hiện nay, trước áp lực cạnh tranh gay gắt của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước và quốc tế, doanh nghiệp cần thêm nguồn lực về tài chính, nhân sự để tồn tại và phát triển.

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu cũng như xin tư vấn từ các đơn vị chuyên nghiệp, CEO đã đề xuất với HĐQT kế hoạch đưa công ty trở thành doanh nghiệp đại chúng, thực hiện IPO và sau đó niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng vẫn giữ quyền điều hành, chi phối.

CEO cho rằng, trong các doanh nghiệp bứt phá và có lực cạnh tranh trên thị trường hiện nay, phần lớn là doanh nghiệp đã xã hội hoá. Bởi muốn phát triển được các đơn vị phải cần đến nguồn vốn lớn, nguồn nhân sự chuyên nghiệp. Vì vậy, IPO là giải pháp tối ưu nhất hiện nay để doanh nghiệp phát triển.

Lý lẽ ở đây là doanh nghiệp muốn phát triển, không thể bó hẹp trong phạm vi gia đình. Việc thực hiện IPO sẽ mở ra cơ hội tài chính rộng lớn hơn. Đây còn là giải pháp để tăng khả năng cạnh tranh, sinh tồn của doanh nghiệp, đối phó được các áp lực hiện hữu đến từ nhiều doanh nghiệp nước ngoài và các công ty đại chúng khác.

Ngoài ra, việc đại chúng hoá, thực hiện IPO là cơ hội giúp doanh nghiệp có thể tự điều chỉnh lại mình để chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Sau khi IPO, các nhân viên trong công ty cũng có cơ hội được sở hữu cổ phần. Đây là một trong những tiền đề để doanh nghiệp có thể thu hút được nhân tài.

Thế nhưng, các cổ đông phản đối và muốn giữ nguyên mô hình hiện tại, vì cho rằng, hiện nay, họ hàng trong gia đình còn nhiều, muốn kêu gọi vốn, kêu gọi nhân sự thì chỉ cần huy động người nhà, không cần tới sự trợ giúp từ bên ngoài.

Trở thành doanh nghiệp đại chúng sẽ làm mất đi các giá trị về văn hoá gia đình. Khi IPO, có hàng trăm con mắt soi mói, doanh nghiệp sẽ rất dễ lộ ra các điểm yếu. Không những thế, thực hiện IPO là mang của nhà ra cho người ngoài, bởi tài sản nắm trong tay, giờ thành cổ phiếu, lên xuống phụ thuộc vào thị trường. Nguy cơ bị thôn tính là rất lớn.

Họ chỉ ra, không ít các doanh nghiệp sau khi IPO đã phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Ngoài ra, để thực hiện IPO không phải là chuyện đơn giản, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc. Vì vậy CEO không nên lựa chọn phương án rủi ro này.

Vậy CEO sẽ thuyết phục các thành viên HĐQT thế nào?

Câu trả lời sẽ có tại Chương trình CEO – Chìa khoá thành công với chủ đề: "Doanh nghiệp gia đình - Lựa chọn tương lai", được phát sóng vào 10h00 sáng Chủ nhật ngày 17/06 và phát lại vào 8h00 sáng Thứ 2 ngày 18/06/2018 trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

CEO – Chìa khóa thành công là một chương trình chính luận, kinh tế chuyên biệt do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Bia Hà Nội, PwC Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC). Ra đời từ năm 2005, chương trình có sứ mệnh “Đồng hành doanh nghiệp, nâng tầm doanh nhân” trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập.

Bắt đầu từ năm 2017, bên cạnh các chương trình phát sóng trên VTV, CEO – Chìa khóa thành công sẽ tổ chức chuỗi các hội thảo dành riêng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp theo các chủ đề hữu ích và thời sự về kinh doanh. TheLEADER.vn là đơn vị bảo trợ thông tin cho chương trình này.

Chương trình được tổ chức định kỳ hai tháng một lần các hội thảo, tọa đàm, workshop, với nội dung xoay quanh các vấn đề nan giải mang tính chiến lược về thương hiệu, phát triển, nhân sự, tài chính của các doanh nghiệp. Qua đó, đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp tục định hướng phát triển.