Doanh nghiệp gia đình nên chọn M&A hay tăng trưởng tự thân

An Chi - 09:42, 07/04/2018

TheLEADERM&A sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động một cách nhanh chóng, kịp thời nắm bắt được các cơ hội để phát triển và chiếm lĩnh thị trường. Song liệu có phải doanh nghiệp nào lựa chọn M&A là phương pháp mở rộng và đầu tư cũng có thể thành công?

Doanh nghiệp gia đình nên chọn M&A hay tăng trưởng tự thân
Chương trình CEO – Chìa khoá thành công số 49 với chủ đề: "Doanh nghiệp gia đình - Tăng trưởng organic hay M&A"

Đứng trước cơ hội của thị trường, nhiều “ông lớn” như Vinamilk, TH Truemilk, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai hay VinGroup đã quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Họ kỳ vọng sớm chiếm lĩnh thị phần, tiến tới đưa sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu.

Mặc dù phần lớn là những doanh nghiệp gia đình đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại lựa chọn chiến lược mở rộng đầu tư khác nhau.

Trong khi Hòa Phát mất khá nhiều thời gian đầu tư cho lĩnh vực mới thì Masan lại có những bước tiến “chóng mặt” nhờ M&A. Ông chủ của Hoà Phát đã trở thành một trong 4  tỷ phú đô la của Việt Nam và là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt, song trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp này dường như vẫn chưa đạt được những thành công như kỳ vọng.

Trong khi đó, khoảng vài năm trở lại đây Masan đã liên tục thực hiện các cuộc thâu tóm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để hoàn thiện chuỗi kinh doanh theo mô hình 3F (Feed: thức ăn chăn nuôi - Farm: nông trại - Food: thực phẩm).

Doanh nghiệp gia đình: Lựa chọn tăng trưởng organic hay M&A?
Ông Trần Hữu Đoàn trong vai trò CEO

Hiện Masan Nutri-Science (MNS) đang sở hữu 75,15% tại Proconco và 99,99% tại Anco. Lĩnh vực nông nghiệp của Masan đang rất phát triển với 10 nhà máy sản xuất cám chăn nuôi với thương hiệu nổi tiếng Bio-zeem, giữ 35% thị phần thức ăn chăn nuôi cho heo trong cả nước.

Cuối năm 2017, nhà máy chăn nuôi heo công nghệ cao tại Nghệ An của doanh nghiệp này cũng đi vào hoạt động, công suất 230.000 con heo/năm. Với việc xây dựng tổ hợp chế biến thịt ở Hà Nam, Masan là công ty Việt Nam đầu tiên trong ngành thịt xây dựng thành công mô hình khép kín 3F – từ trang trại đến bàn ăn. Dự kiến, cuối năm 2018, sản phẩm thịt tại dự án này sẽ được cung cấp cho thị trường.

Thành công của Masan trong nông nghiệp đã khiến không ít doanh nghiệp khác ngưỡng mộ. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào mở rộng đầu tư theo cách M&A, “đi tắt đón đầu” cũng có thể thành công.

Bài học của Vua cá Hùng Vương là một ví dụ điển hình. Với tham vọng “hợp nhất giang sơn” trong ngành thủy sản Công ty CP Hùng Vương đã liên tục thực hiện các hoạt động M&A các doanh nghiệp cùng ngành. Và kết quả là lãi sau thuế của doanh nghiệp này đã liên tục giảm mạnh trong nhiều năm do chi phí tài chính đội lên từ các hoạt động M&A và kết quả kinh doanh của các công ty con sau M&A ngày càng đi xuống.

Doanh nghiệp gia đình: Lựa chọn tăng trưởng organic hay M&A? 1
Ông Nguyễn Thanh Tú trong vai trò cổ đông HĐQT

Vậy đâu mới là lời giải thoả đáng cho doanh nghiệp gia đình, đặc biệt là các doanh nghiệp SME? Đi tìm câu trả lời cho bài toán này, Chương trình CEO – Chìa khoá thành công số 49 với chủ đề: "Doanh nghiệp gia đình - Tăng trưởng organic hay M&A" đã đặt ra tình huống về một doanh nghiệp gia đình chuyên sản xuất và kinh doanh thức ăn gia súc.

Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay khi doanh nghiệp đã lớn mạnh, tiềm lực dư giả, các thành viên Hội đồng quản trị cùng đồng lòng nhất trí mở rộng sản xuất kinh doanh ra các lĩnh vực tiềm năng như: Vắc xin, thuốc thú y. 

Mặc dù đồng lòng về chủ trương mở rộng các lĩnh vực kinh doanh mới, nhưng giữa CEO và các thành viên còn lại trong hội đồng quản trị (HĐQT) lại mâu thuẫn quan điểm về phương pháp mở rộng và đầu tư.

Theo CEO của doanh nghiệp, để có thể gia tăng quy mô một cách nhanh chóng, doanh nghiệp nên mua lại một số công ty thuộc các lĩnh vực có nhu cầu mở rộng như Vắc xin, thú y hay công nghệ thực phẩm. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội kịp thời và chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, chiến lược phát triển của CEO đã bị các thành viên HĐQT phản đối và cho rằng, doanh nghiệp đã có bề dày 20 năm, am hiểu thị trường, vững vàng bộ máy. Vì vậy, nên dựa vào nguồn lực sẵn có này để doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển. Cách làm này mặc dù chậm nhưng chắc.

Nếu hợp nhất với một đơn vị mới, khác biệt về văn hoá, về chất lượng nhân viên, về quy trình và cách thức điều hành, đặc biệt là thiếu nhân sự chủ chốt đáng tin cậy thì nguy cơ thất bại là rất lớn. Hơn nữa, nếu CEO muốn mua các công ty khác với giá tốt thì vẫn phải mất chi phí thuê các đơn vị tư vấn. 

Hậu M&A, CEO vẫn phải xây dựng doanh nghiệp đó lại từ đầu để có thể đồng bộ về thương hiệu, hệ thống nhân sự, quản lý và điều hành. Vậy chi phí sẽ gấp nhiều lần so với việc doanh nghiệp tự phát triển và mở rộng.

Doanh nghiệp gia đình: Lựa chọn tăng trưởng organic hay M&A? 2
Ông Trần Văn Lê trong vai trò cổ đông HĐQT

CEO cố gắng thuyết phục HĐQT rằng việc mở các mảng kinh doanh mới, thực chất là mở nghề mới. Cần kiến thức sản phẩm, thị trường, kinh nghiệm quản lý. 

Nếu phát triển theo hướng Organic như các cổ đông đưa ra thì cần một thời gian rất dài để đầu tư, lúc đó cơ hội thị trường có thể không còn nữa. Đó là chưa kể đến công sức và tiền bạc doanh nghiệp phải bỏ ra là rất lớn, từ chi phí thuê tư vấn, đào tạo đội ngũ nhân sự, tới việc xây dựng nhà máy, hệ thống phân phối.

Ông Trần Hữu Đoàn, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Tư vấn và giáo dục Gia Cát tham gia chương trình CEO - Chìa khóa thành công trong vai trò CEO cùng với hai vị khách mời trong vai trò cổ đông HĐQT, là ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và thương mại Phương Linh và ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và đầu tư PDCA. Cả ba sẽ cùng tranh biện và phân tích xung quanh chủ đề của chương trình.

Chương trình CEO – Chìa khoá thành công số 49 với chủ đề: "Doanh nghiệp gia đình - Tăng trưởng Organic hay M&A" sẽ được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (8/4) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (9/4) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.