Doanh nghiệp hiến kế cho nông nghiệp Bến Tre

Quỳnh Như - 10:24, 21/09/2018

TheLEADERTheo các đại diện doanh nghiệp, diện tích canh tác manh mún, ý thức kém của người nông dân, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó và quỹ đất hạn hẹp do giá đất cao là bốn trở ngại lớn nhất khi đầu tư vào Bến Tre.

Doanh nghiệp hiến kế cho nông nghiệp Bến Tre
Ông Nguyễn Đăng Tùng, CEO Vina T&T Group phát biểu trong diễn đàn thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bến Tre

Là một tỉnh có động lực phát triển kinh tế chính là nông nghiệp, với cây trồng chủ lực là dừa, việc giá dừa vài tháng gần đây chỉ đạt 20.000 - 30.000 đồng/chục (12 trái), rớt xuống thấp nhất trong khoảng 5 - 10 năm qua đã gây khó khăn lớn cho nông nghiệp Bến Tre.

Tại Diễn đàn thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bến Tre vừa tổ chức, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chia sẻ và kiến nghị cụ thể về những vấn đề mà họ gặp phải khi sản xuất – kinh doanh. 

Tựu chung các kiến nghị cho thấy có 4 vấn đề chính đang làm cản trở sự bứt phá của nông nghiệp Bến Tre

Diện tích canh tác manh mún và ý thức kém của người nông dân

Ông Bùi Dương ThuậtCEO Công ty TNHH XNK Trái cây Mê Kông chia sẻ: “Qua 4 năm đầu tư ở Bến Tre, chúng tôi thấy nổi lên 3 vấn đề. Đầu tiên, diện tích đất canh tác ở Bến Tre quá nhỏ lẻ, do quá nhỏ nên nhiều nông dân không quan tâm chăm sóc ảnh hưởng xấu tới chất lượng sản phẩm, đã thế còn xen canh rất nhiều loại cây khác nhau.

Hậu quả của việc này là các vườn xen canh năng suất không cao như chuyên canh, chất lượng không đạt để xuất khẩu. Nếu nông dân cứ mãi xen canh như thế, thì đừng nói tới chuyện làm trái cây organic.

Thứ hai, giá đầu vào ở Việt Nam luôn cao hơn so với các quốc gia lân cận, khiến thu nhập của nông dân không cao. Muốn cải thiện điều đó, chúng ta phải rút ngắn khâu trung gian từ nông dân tới nhà máy.

Thứ ba, đường vào thu mua nông sản ở Bến Tre rất khó khăn, những đường vào các mảnh vườn rất nhỏ, chỉ có xe máy đi vào, xe ô tô có trọng tải lớn không thể. Không chỉ các thương lái, ngay công ty Mê Kông, sau khi cộng các chi phí logistics, thấy giá 30.000 đồng/chục lên đến nhà máy đội lên 70.000 đồng.

Thứ tư là giống, Sở Khoa học và công nghệ cố gắng chuẩn hoá giống vì hiện tại giống cây trồng ở Bến Tre bị lai tạp quá nhiều, giống không cần phải tốt nhất mà chỉ cần đồng nhất.

Cùng kinh doanh một mảng nên những vấn đề mà Công ty Chánh Thu thấy phiền lòng cũng khá giống Công ty Mê Kông. Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết, công ty đã kinh doanh được gần 10 năm, đã đi từ VietGap đến GlobalGap. Cái khó khăn nhất khi hoạt động là diện tích đất tại Bến Tre quá manh mún, nhiều người không trồng chuyên canh mà xen canh, rất khó cho doanh nghiệp có thể đầu tư sản xuất lớn và bao tiêu đầu ra.

Theo bà Vy, hiện tại, hàng trái cây của Việt Nam qua Trung Quốc vẫn theo dạng tiểu ngạch, xuất qua biên giới đường bộ, đang có 5 đến 6 đầu mối Trung Quốc quản lý những đầu mối sản phẩm ở Việt Nam, họ mua về đóng gói sau đó bán lại.

Muốn bán trực tiếp qua Trung Quốc theo đường chính ngạch, Việt Nam cần cung cấp số lượng và chất lượng sản phẩm ổn định. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm lâu dài với chất lượng và sản lượng ổn định, song hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào dám nhận.

Hiện ở Bến Tre, tìm một vùng đất khoảng 20 - 30ha để chuyên canh là rất khó. Mặc dù tỉnh đã đẩy mạnh hình thức hợp tác xã (HTX) song vùng trồng vẫn chưa đủ mạnh để tìm nhiều đầu ra khác nhau. Ngoài Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt có rất nhiều mối hàng ở châu Âu nhưng vùng trồng lại không đủ năng lực đáp ứng.

4 “quả tạ” khiến nền nông nghiệp của Bến Tre chưa thể cất cánh
Bí thư tỉnh Bến Tre Võ Thành Hạo đang đi thăm các gian hàng trưng bày tại diễn đàn.

“Ngoài diện tích đất canh tác manh mún, người nông dân thỉnh thoảng còn lật kèo với doanh nghiệp. Nhiều người nông dân luôn có xu hướng chưa hài lòng với giá trị sản phẩm của mình, nên hễ có thương lái trả giá cao hơn giá thỏa thuận với doanh nghiệp, họ có thể phá vỡ liên kết.

Tư duy của đa số người nông dân vẫn nặng theo kiểu: phải có đơn đặt hàng, họ mới chịu làm hàng sạch. Thế nên, nhiều vùng trồng theo chuẩn VietGap nhưng không hề có hàng sạch. Họ không biết rằng, chúng ta phải có vùng trồng tốt, sản xuất chuyên canh trên diện tích lớn thì mới có thể làm thị trường, đi chào hợp đồng, nếu chỉ biết nghĩ đến cái lợi trước mắt thì rất khó phát triển", đại diện Công ty Chánh Thu nói. 

Theo vị lãnh đạo này, công ty muốn chính quyền và cả người dân hiểu cái khó của doanh nghiệp, biết vai trò của doanh nghiệp quan trọng như thế nào. Cả ba bên phải thấu hiểu lẫn nhau thì mới có thể ngồi lại tháo gỡ để có thể phát triển bền vững. Chính quyền và người dân phải cùng doanh nghiệp nâng cao giá trị nông sản, đừng ngồi chờ thời cơ.

Cùng trăn trở về thái độ của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ông Nguyễn Đăng Tùng, CEO Vina T&T Group chia sẻ, nhiều năm qua luôn xảy ra tình trạng như thế này trong chuỗi liên kết: khi được giá, nông dân đi bán cho thương lái, còn khi mất giá thì đùn đẩy cho doanh nghiệp. Để chuỗi liên kết có thể bền vững, cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều phải biết giữ chữ tín, kể cả khi xuống giá hay mưa gió bão bùng doanh nghiệp cũng phải bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Ngược lại, người dân cũng phải bán toàn bộ sản phẩm cho doanh nghiệp theo giá đã thỏa thuận, kể cả khi thị trường đang nóng. Chỉ một doanh nghiệp bỏ chạy, như Vina T&T chẳng hạn, chẳng ai dám về tiếp tục làm ăn với nông dân vùng đó.

Hay như bây giờ, tại Bến Tre, có vài ngân hàng cũng muốn tham gia vào chuỗi liên kết, ví dụ như HDBank. Nếu phương án kinh doanh của doanh nghiệp tốt, HDBank sẽ cho nông dân ở vùng trồng đó vay vốn. HDBank sẽ bám vườn, bằng cách nào đó họ sẽ khiến toàn bộ hàng của nông dân bán cho doanh nghiệp, doanh nghiệp trả tiền cho nông dân và nông dân trả lại cho ngân hàng.

Muốn sản lượng được đảm bảo về lâu về dài, giữa nông dân – doanh nghiệp – ngân hàng phải cùng nhau giữ chữ tín, mà để cả ba có thể làm được điều đó, cần có sự hỗ trợ từ tỉnh, ông Tùng đề nghị.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn

Khác với đồng nghiệp bên Vina T&T Group, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty CP Xuất nhập khẩu N.P.T cảm thấy các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được nhiều sự chăm sóc cũng như hỗ trợ từ tỉnh và các ngân hàng trong tỉnh.

“N.P.T đã về hoạt động kinh doanh tại Bến Tre trong 2 năm. Trong 2 năm qua, gần như doanh nghiệp của chúng tôi mày mò tự làm một mình, chứ vẫn chưa có sự hỗ trợ thích đáng từ tỉnh. Hiện công ty đang tự đầu tư vào sản xuất thông qua 7 HTX ở Bến Tre bằng hình thức vốn đối ứng, tức mỗi thành viên HTX sẽ được vay hỗ trợ từ 100 - 300 triệu đồng. Luật HTX không cho một doanh nghiệp góp hơn 20% vốn đối ứng.

Công ty đang giúp người dân nâng cao giá trị nông sản, không bán sản phẩm thô mà đã qua tinh chế. Ví dụ, HTX Hòa Lộc không trồng dừa hay bưởi mà sản xuất món ăn vặt đang được ưa chuộng gà lá chanh. Một vài HTX khác sản xuất nước ép bưởi hoặc tinh dầu bưởi. Công ty cũng đang đứng ra tự thuê đất ở Mỹ Thạnh An để trồng bưởi da xanh, N.P.T đầu tư 100% vốn và chia cho nông dân theo tỷ lệ 6-4. Chúng tôi đang tự đứng ra làm hợp đồng, không hề có bảo lãnh từ nhà nước nên khá rủi ro”, ông Vũ cho biết.

Một vấn đề khó khăn nữa ở Bến Tre là việc tiếp cận nguồn vốn. N.P.T đã thử tìm đến với một vài ngân hàng nhưng thấy các ngân hàng có vẻ không mặn mà với các công ty làm nông nghiệp.

Cùng 1 bất động sản, ngân hàng BIDV ở TP. HCM định giá 4,2 tỷ đồng, sau khi thẩm định thêm phương án kinh doanh cho N.P.T vay 30 tỷ đồng; trong khi đó ngân hàng Agribank ở Bến Tre định giá 300 triệu đồng cho vay hơn 1 tỷ đồng. Điều khó nhất là doanh nghiệp không thể kinh doanh ở Bến Tre mà lại đi vay ngân hàng ở TP. HCM.

4 “quả tạ” khiến nền nông nghiệp của Bến Tre chưa thể cất cánh 1
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty CP Xuất nhập khẩu N.P.T phát biểu

Ông Vũ kiến nghị, các ngân hàng ở Bến Tre nên mạnh dạn thẩm định tài sản theo giá thị trường, ngân hàng cũng nên nhìn vào thực lực của doanh nghiệp để cho vay.

Quỹ đất hạn hẹp do giá đất cao

Việc khó tiếp cận quỹ đất do giá đất ở Bến Tre ngày một tăng cao cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp không hài lòng. Tại Bến Tre, đất nông nghiệp hiện có giá gần ngang bằng với đất nhà ở, doanh nghiệp muốn tích tụ một lượng đất lớn để sản xuất nông nghiệp gần như là điều bất khả thi.

Ông Lê Tấn Tài, Giám đốc Công ty Thức ăn gia súc Tấn Lợi đang là một trong những doanh nhân gặp khó khăn về đất đai: "Thật ra, một doanh nghiệp có khả năng thì không cần tỉnh phải lo. Doanh nghiệp ngồi chờ tỉnh rót vốn là những doanh nghiệp không đủ lực, rất khó thành công.

Cái mà các doanh nghiệp cần nhất chính là tinh thần hỗ trợ của các lãnh đạo tỉnh, huyện và xã. Nếu không có sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo thì rất khó đầu tư. Ví dụ, tôi đang muốn xây dựng một nhà máy đông lạnh nhưng vẫn không thể tìm ra đất để xây dựng. Tương tự, tôi muốn mở rộng trại giống của mình vì Bến Tre rất hiếm trại giống, song vẫn không thể bởi chẳng có đất. Các doanh nghiệp ở Bến Tre đang gặp khó về đất đai”.

Theo ông Tài dự đoán, khó khăn này sẽ càng ngày càng lớn vì đất đai sẽ ngày càng lên giá, do các doanh nghiệp đang kéo nhau đổ về làm ăn ở Bến Tre theo lời đồn “Bến Tre phát triển tốt lắm”.

Đại diện của Công ty TNHH Thương mại Vikin cũng cho biết, mặc dù tiềm năng phát triển về tài nguyên đất và nước ở Bến Tre còn lớn, nhưng hiện tại, các doanh nghiệp đã bắt đầu gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn đất. Ngoài ra, Bến Tre cũng nên biết tận dụng diện tích mặt nước lớn, để giúp các doanh nghiệp dễ dàng vào thu mua trái cây ở vườn, tỉnh có thể làm một con đường dọc sông, cách mép sông khoảng 200m.

Trước những băn khoăn của các doanh nghiệp, bên cạnh việc đồng tình với các kiến nghị, Bí thư tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo nhấn mạnh: "Một trong những nỗi nhục nhã của người Bến Tre là không ít kẻ xấu đã mang giống dừa điếc ra bán. Còn xen canh là điều không nên nhưng các doanh nghiệp cũng nên biết vì sao người nông dân làm thế.

Một người dân có vài ba công đất, chỉ trồng mỗi dừa rất nguy hiểm, vì nếu dừa xuống giá như năm nay thì lấy thu nhập ở đâu? Với tư duy lượm bạc cắc như vậy, người nông dân đã chọn xen canh nhiều loại cây trồng với nhau, để lỡ cây này rớt giá còn cây khác.

Theo ông Hạo, Bến Tre cần nhanh chóng xây dựng vùng nguyên liệu cho từng vùng và từng nhà máy, áp dụng công nghệ 4.0 vào trồng trọt và chế biến, vì trong 20 năm nữa, mỗi một trái cây đều phải truy xuất được nguồn gốc.

Ông Hạo cũng nhắn nhủ với các cộng sự của mình trong bộ máy quản lý nhà nước: mỗi người hãy trăn trở ở vị trí của mình, đừng chỉ nhận lương mà sống, chân thành sẽ là từ khóa giúp Bến Tre tiếp tục đi lên.