Doanh nghiệp Nhật đang gặp 5 rào cản khi đầu tư tại Việt Nam

Quỳnh Như - 15:33, 07/02/2018

TheLEADERCác doanh nghiệp Nhật đã phản ánh khó khăn này với Chính phủ Việt Nam và hiện vẫn đang đợi câu trả lời, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro TP. HCM cho biết.

Doanh nghiệp Nhật đang gặp 5 rào cản khi đầu tư tại Việt Nam
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro TP. HCM

Trong một khảo sát do Jetro tiến hành với sự tham gia của 652/1.345 doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại TP. HCM, có tới 65,1% doanh nghiệp tiết lộ làm ăn có lãi, tăng nhẹ so với năm 2016. Trong đó, lợi nhuận của khối gia công xuất khẩu là tốt nhất.

Tuy nhiên, nếu so với các nước trong khu vực, tỷ lệ có lãi của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam lại thấp nhất. Có 79,5% doanh nghiệp Nhật tại Philippines báo có lãi, Malaysia là 73,9%, Trung Quốc 70,3%, Thái Lan 66%. 

Nhân công là vấn đề gây khó xử nhất

Theo Jetro, vẫn có tới gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có ý định "mở rộng hoạt động", trong khi ở Philippines chỉ có 63,4%, Malaysia 51,3% và cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc 4,3%...

Hai lý do chính khiến họ muốn "mở rộng hoạt động" là vì doanh thu đang tăng và tính tăng trưởng - tiềm năng cao. Có tới 58,4% doanh nghiệp Nhật trong khối dịch vụ chọn tính tăng trưởng - tiềm năng cao.

"Có thể thấy tính tăng trưởng và tiềm năng của Việt Nam trội hơn các nước khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật còn đánh giá cao tình hình chính trị xã hội ổn định, môi trường sống tốt và chi phí nhân công rẻ", ông Takimoto Koji cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp Nhật thì một vài thuận lợi nói trên có thể không còn nữa trong tương lai bởi họ đang vấp phải 5 khó khăn lớn.

Các rào cản đối với doanh nghiệp Nhật như sau: Chi phí nhân công tăng cao; Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng pháp luật không rõ ràng; Cơ chế và thủ tục thuế phức tạp; Khó tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại; Rào cản ngôn ngữ.

52,5% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cho biết, tới thời điểm hiện tại, chi phí nhân công ở Việt Nam vẫn còn tương đối rẻ chỉ đứng sau Bangladesh, Philippines, Lào và Pakistan. Nhưng loại chi phí này đang ngày càng tăng cao.

Năm 2016, chỉ có 58,5% số doanh nghiệp lo lắng về điều đó, nhưng năm 2017 con số này đã tăng lên 61,6%. Nhân viên Việt Nam liên tục đòi tăng lương, tỷ lệ nhảy việc cao nên chất lượng nhân viên giảm sút.

Để khắc phục vấn đề này, các doanh nghiệp Nhật muốn sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhưng họ lại không thể bởi khó quản lý chất lượng đồng thời khó tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu tại chỗ.

Thông thường, một nền kinh tế tăng trưởng tốt, tỷ lệ cung ứng nội địa sẽ tăng theo, nhưng ở Việt Nam lại không phải thế. Năm 2017, tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu linh kiện nội địa của Việt Nam cho doanh nghiệp Nhật chỉ có 33,2% trong khi năm 2016 là 34,2%.

Như vậy, số tiền các doanh nghiệp Nhật chi trả cho Việt Nam trong một sản phẩm đang giảm đi, khó tăng giá trị thặng dư quốc gia.

"Trong các buổi xúc tiến thương mại, Jetro luôn cố gắng tăng tỷ lệ cung ứng nội địa bằng cách kết nối các doanh nghiệp cung và cầu với nhau. Có như thế mới giúp Việt Nam thu lợi lớn nhất", ông Takimoto Koji nhấn mạnh

Liên quan đến việc hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng pháp luật không rõ ràng, thể hiện rõ nhất ở vấn đề: Quy chế nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng. Với quy chế này, các doanh nghiệp Nhật không thể tận dụng máy móc đang sử dụng của mình (nhất là những loại đã vượt quá 10 năm tuổi) để mang đến Việt Nam sản xuất.

Đó là một trong những nguyên chính khiến nguồn vốn đổ vào lĩnh vực chế tạo năm 2017 giảm gần 20% như đã nói ở trên.

"Các doanh nghiệp Nhật đã phản ánh khó khăn này với Chính phủ Việt Nam và hiện chúng tôi vẫn đang đợi câu trả lời", ông Takimoto Koji cho biết.

Vốn Nhật vào bất động sản đang tăng lên

Báo cáo kết quả khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2017 vừa được Jetro công bố ngày 6/2 cho thấy, giới đầu tư Nhật Bản vừa có một năm khá tưng bừng trên thị trường Việt Nam. 

Nhật Bản chính là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có số vốn cấp phép cao nhất trong 125 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 8,64 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2016. 

Sự tăng vọt đó là nhờ 3 dự án tỷ USD gồm: Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 và dự án đường ống dẫn khí Ô Môn "Lô B". 

Tuy nhiên, cũng như các năm trước, dự án có vốn dưới 1 triệu USD vẫn chiếm đa số với 247 dự án, chiếm 67%.

Cơ cấu tỷ lệ ngành đầu tư cũng có một vài dịch chuyển, ngành chế biến - chế tạo giảm xuống gần 20% trong khi đó bất động sản tăng lên 16%.

Dòng vốn Nhật Bản đổ vào bất động sản trong năm 2017 đã tăng hơn 4 lần so với năm 2016, đạt con số 232 triệu USD. 

"Các dự án Aeon Mall, như Aeon Mall Hà Đông, khiến mảng bất động sản có sự tăng trưởng ấn tượng. Trong quá trình xúc tiến đầu tư, tôi cũng trình bày với các doanh nghiệp của mình rằng, bất động sản ở Việt Nam là mảng rất có tiềm năng", ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro TP. HCM cho biết.