Doanh nghiệp TP. HCM hiến kế phát triển đột phá và bền vững

Hương Xuân - 09:47, 19/03/2018

TheLEADERNhững kiến nghị khẩn thiết có tính đột phá của cộng đồng doanh nghiệp với lãnh đạo TP. HCM tập trung vào các mũi nhọn: Logistics, gói cho vay kích cầu, nhà ở xã hội, an toàn thực phẩm...

Doanh nghiệp TP. HCM hiến kế phát triển đột phá và bền vững
Toàn cảnh hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP. HCM với 300 doanh nghiệp tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM

Đúng với tinh thần “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TP. HCM nhanh, bền vững”, cộng đồng doanh nghiệp tại TP. HCM đã thẳng thắn đưa ra những kiến nghị khẩn thiết liên quan đến sống còn của doanh nghiệp mình trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp tổ chức cuối tuần qua. 

Tập trung 3 mũi nhọn logistic, nhà ở xã hội và an toàn thực phẩm

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Nam Thái Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, với kinh nghiệm hơn 20 năm trong xuất nhập khẩu kiến nghị: “Logistics của thành phố đang có lợi thế về cảng biển, đặc biệt Cát Lái có vị trí không thua Singapore. TP. HCM phải kỳ vọng các hãng tàu đi từ Đông Dương đi vào cảng TP. HCM nếu chúng ta làm tốt.

Các hãng tàu, công ty xuất nhập khẩu tập trung nhiều ở TP. HCM. Cảng TP. HCM đang nằm trong Top cảng biển hoạt động tấp nập trên thế giới, tuy nhiên có nguy cơ Nhà nước bị giảm thu nhập vì hạ tầng đầu tư chưa tương xứng với dịch vụ xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, các tỉnh xung quanh đang tập trung phát triển logistics như Bình Dương, Long An… Nếu TP. HCM không chuyển động kịp thời, các doanh nghiệp sẽ dịch chuyển dịch vụ cảng biển sang chỗ tốt hơn.

Doanh nghiệp TP. HCM hiến kế phát triển đột phá và bền vững
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Nam Thái Sơn.

TP. HCM nên xây dựng cảng biển, dịch vụ logistics mà mình có lợi thế. Việc đầu tư phải hết sức quyết liệt để trở thành nơi tập trung kho bãi lớn trong khu vực. Thành phố không nên phát triển dịch vụ cảng biển gần khu dân cư. Nên áp dụng chính sách trung chuyển để tạo nguồn thu. Khi đầu tư sẽ giảm chi phí logistics xuống 10%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đa số không tập trung nghiên cứu phát triển, làm sản phẩm lâu năm, rất ít cơ hội tiếp cận đến nguồn vốn tín dụng. Trong hội thảo này, có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa nhận được hỗ trợ từ thành phố.

Để phát triển nhóm doanh nghiệp tiên phong, dẫn đầu, thành phố nên gặp gỡ nhiều hơn những doanh nghiệp có doanh thu trên 30 triệu USD/năm, có tỷ suất lợi nhuận cao trên vốn. Họ cần có sự gặp gỡ, chia sẻ và có nhiều ý tưởng”.

Trong lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM một lần nữa lại khẩn thiết kiến nghị thành phố chú trọng đến chính sách cho nhà ở xã hội của đông đảo người dân.

Ông Châu cho biết: Cứ mỗi 5 năm, thành phố tăng dân số hơn 1 triệu người tương đương với 1 quận. Có điểm sáng là TP. HCM đã giải quyết chỗ ở được cho sinh viên nhưng người nhập cư thì phần lớn thuê nhà ở giá rẻ, tiện nghi thiếu thốn, không an toàn. Nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố hiện rất lớn.

Hiện nay, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào lĩnh vực này không nhỏ. Điển hình như Công ty Địa ốc Hoàng Quân, Công ty Lê Thành… tiên phong đầu tư nhà ở xã hội. Đặc biệt, Công ty Lê Thành đầu tư 6.000 căn nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ. Công ty Nam Long hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho người mua nhà ở xã hội…

Thực tế thị trường nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho thuê còn rất thiếu, trong khi đó nhà ở tái định cư còn trống, cần chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp bất động sản cần tập trung phát triển dự án vừa túi tiền có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn, tham gia chương trình nhà ở xã hội với thành phố.

Coi trọng uy tín doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, coi chất lượng là danh dự, chia sẻ lợi ích với khách hàng, tham gia 127 dự án điểm cùng thành phố.

Ông Châu kiến nghị một số trường hợp cụ thể: “Công ty Lê Thành được UBND ký hai quyết định, nhưng do sổ đỏ chưa được điều chỉnh nên chưa được vay ngân hàng. Hy vọng trong tuần tới có thể giải quyết để thế chấp vay vốn. Thành phố cần hình thành thị trường nhà ở giá rẻ cho thuê chuyên nghiệp, căn hộ thuê chung như xu hướng của thế giới.

Đề nghị xem xét lại điều kiện nhập khẩu vào TP. HCM như Hà Nội, chỉ cần nhà ở có diện tích 15m2 thôi. Cải cách thủ tục hành chính gắn với sự hài lòng của người dân, rút ngắn thời gian, hạn chế nhũng nhiễu. Hỗ trợ 25.000 giường nằm cho ký túc xá Đại học Quốc gia vì ký túc xá đã xây xong rồi. Đề nghị thành phố cho đấu giá công khai quỹ nhà tái định cư”.

Nhấn mạnh đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học, một vấn nạn đáng báo động hiện nay, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food đề xuất một thỏa thuận hợp tác với TP. HCM và Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM.

“Tôi đề xuất tiên phong ký kết thỏa thuận hợp tác với TP. HCM về an toàn thực phẩm trong trường học. Tại sao chúng tôi nêu vấn đề đó? Vì chất lượng thực phẩm liên quan chất lượng cuộc sống, quyết định chất lượng giống nòi. Nhưng hiện nay việc quản lý thực phẩm của chúng ta chưa trọn vẹn.

Saigon Food xuất khẩu 15 ngàn tấn hải sản, thức ăn tươi sang Nhật Bản, nhưng không có cơ hội tham gia vào các trường học. Tôi kiến nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để Hội Lương thực thực phẩm với những doanh nghiệp có uy tín, có công nghệ được chính thức đấu thầu đưa sản phẩm an toàn vào trường học.

Việc ứng dụng công nghệ 4.0 phải được đưa vào trường học, để phụ huynh học sinh, giáo viên được tham gia, hiểu về chuỗi cung ứng thực phẩm, và đích thân tự chọn thức ăn cho con em mình. Hội sẽ thực hiện đề án này”, bà Lâm nêu kiến nghị trực tiếp.

Tập trung gói vay kích cầu cho những sản phẩm chủ lực của TP. HCM

Đề cập đến gói cho vay kích cầu, nhiều doanh nghiệp cho biết thông tin còn rất mơ hồ. Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm An Thiên Trần Ngọc Dũng cho biết: “Dược phẩm An Thiên nếu không có gói kích cầu thì không thể làm được. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp gặp tôi hỏi: Sao An Thiên hay thế, làm thế nào để vay được gói kích cầu?

Rõ ràng công tác tuyên truyền hiện còn rất yếu, đầu mối là Sở Công thương, Sở Kế hoạch và đầu tư. Năm 2017 con số tiếp cận được nguồn vốn này rất khiêm tốn, vậy tắc chỗ nào?

Đối với thủ tục hành chính, những dự án cũ muốn cải tạo để đưa công nghệ tiên tiến thì hồ sơ phải làm lại từ đầu, doanh nghiệp muốn nộp hồ sơ không có đầu mối , rất tản mạn. Sở Công thương, Sở Kế hoạch và đầu tư nên sơ kết lại, công tác đào tạo, tập huấn, truyền thông cho các đơn vị quận, phường để doanh nghiệp không bị hiểu mơ hồ. Nên có trung tâm đầu mối để doanh nghiệp cần chỉ đến nơi đó tìm hiểu, chứ để doanh nghiệp tự bơi, tự lo sẽ rất khó khăn.

Năm 2003-2004, anh Nguyễn Thiện Nhân rất kiên quyết với chương trình sản phẩm chủ lực TP. HCM, nhưng rất tiếc khi anh Nhân về Trung ương chương trình này gần như “im luôn”. Chính quyền thành phố cần tập hợp nhóm doanh nghiệp dẫn đầu để dẫn dắt các đơn vị trong từng ngành nghề, tác động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp rất nhiều.

Nên giao cho một đầu mối để khởi động lại các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp dẫn đầu. Thành phố cần xác định lại sản phẩm chủ lực của mình để doanh nghiệp tham gia”.

Mong muốn tăng cường tỷ lệ nội địa hóa trong các công trình trọng điểm về đầu tư công, ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Dũng kiến nghị, với các công trình thành phố đầu tư cần có chủ trương bảo hộ cho doanh nghiệp thành phố được tham gia nhiều hơn vào những công trình đầu tư công mà ngành cơ khí trong nước làm được, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, ưu tiên mua hàng hóa của doanh nghiệp thành phố.

Các gói thầu đầu tư công, trước đây Đại Dũng chỉ được làm các dự án Nhiệt điện Long Phú, Duyên Hải, Thái Bình, còn dự án khác không được tham gia. Công trình tuyến Metro số 1, nhà để xe Tân Sơn Nhất… Đại Dũng là nhà thầu phụ và đã chứng minh làm rất tốt, năng lực đủ điều kiện. Nhưng rất nhiều phần việc khác đều dành cho công ty nước ngoài. Do đó, rất mong thành phố có chính sách bảo hộ doanh nghiệp trên địa bàn thực tiễn hơn.

Với quy mô hơn 2.400 cán bộ, kỹ sư, mức lương trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, tốc độ tăng trưởng 15-20%/ năm, doanh thu 2018 hướng tới 500 triệu USD/ năm, Đại Dũng đang đầu tư sâu vào công nghiệp 4.0 và rất cần vay vốn kích cầu.

Ông Dũng cho biết, điểm yếu của doanh nghiệp trong nước là phải cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, họ không chịu chi phí logistic, nhập khẩu cao, nguồn vốn lớn, thương hiệu lâu đời, quy trình sản xuất hoàn thiện.

Trong khi doanh nghiệp trong nước là thế hệ F1 chưa được kế thừa nhiều mặt, chi phí logistics cao, lãi suất cao, máy móc công nghệ còn yếu, cần phải đầu tư mọi mặt mới theo kịp đối tác nước ngoài.

Trong điều kiện tham gia các Hiệp định thương mại và hội nhập sâu, doanh nghiệp trong nước phải tự đi tìm khách hàng trên thế giới.

Trong 2017 - 2018, Đại Dũng sẽ là công ty đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế để lọt vào các thị trường xuất khẩu khó tính như Nhật, EU, Mỹ. Nỗ lực đối ngoại, tham gia xúc tiến đầu tư các nước, khu vực, bắt kịp nền công nghiệp 4.0, sử dụng tự động hóa bằng robot, lade… đầu tư lớn ấy của Đại Dũng hy vọng được tiếp xúc với vốn ưu đãi của thành phố.

Việc đầu tư mở rộng của doanh nghiệp được tiếp xúc với vốn vay kích cầu, tuy nhiên thủ tục đang còn khó khăn, một số ngành nghề bị giới hạn, nên mở rộng hơn để các doanh nghiệp mạnh dạn hơn, tăng sức cạnh tranh.

“Tránh tình trạng sau khi doanh nghiệp nhận vốn ưu đãi đầu tư rồi, lại phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra gắt gao, làm khó cho doanh nghiệp. Làm sao cho doanh nghiệp phát triển hơn nữa, để tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội là trách nhiệm của chính quyền thành phố” ông Dũng kiến nghị.