Doanh nghiệp trân trọng quá khứ là điều cần thiết, nhưng phải biết quyết liệt cho tương lai

Việt Hưng - 18:11, 08/06/2018

TheLEADER“Đặt niềm tin vào người ngoài, hay cứ trông chờ vào con ông cháu cha?” – đây chính là câu hỏi khiến nhiều doanh nghiệp gia đình phải đau đầu.

Doanh nghiệp trân trọng quá khứ là điều cần thiết, nhưng phải biết quyết liệt cho tương lai
Chương trình CEO – Chìa khoá thành công với chủ đề: "Doanh nghiệp gia đình - Chiến lược nhân sự"

Hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp gia đình tính toán phương án tái cấu trúc hệ thống bằng cách đầu tư cho nhân sự bên ngoài, tham gia vào điều hành công ty.

Với mong muốn, khi có nhân sự bên ngoài vào, doanh nghiệp sẽ giảm bớt các yếu tố gia đình và hướng tới mô hình quản trị chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, kỳ vọng là thế, nhưng trên thực tế không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn cho sự kỳ vọng của mình.

Đó là thách thức về việc cân bằng giữa mối quan hệ ruột thịt với các nguyên tắc quản trị công ty chuyên nghiệp.

Vấn đề của một doanh nghiệp gia đình có 20 năm sản xuất và kinh doanh thành công trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Sau một thời gian du học và làm việc ở nước ngoài, con trai của chủ tịch HĐQT đã về nước và được chuyển giao vị trí CEO.

Các thành viên đều tin tưởng CEO thế hệ mới sẽ đáp ứng kỳ vọng tăng trưởng, mở rộng quy mô và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gia đình đang hoạt động.

Sau nhiều đề xuất cải tổ (về quy trình sản xuất, marketing, hành chính và nhân sự…) có tính thuyết phục cao và được các cổ đông phê chuẩn, CEO tiếp tục mạnh dạn đề nghị cải tổ hệ thống nhân sự, thông qua việc lên kế hoạch tổ chức các chương trình đào tạo và bồi dưỡng cho toàn thể nhân viên, chủ yếu là các vị trí quản lý và điều hành khác nhau để đảm bảo năng lực chuyên môn và đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp của họ.

Ngoài ra, theo phương án quy hoạch cán bộ (succession planning) do CEO đề xuất, với những nhân vật đủ năng lực, đủ tài – đủ tầm (không kể là người trong nhà hay người ngoài), có khả năng đảm nhận các vị trí then chốt, thì công ty nên sẵn sàng đầu tư để họ tham gia các khóa đào tạo đặc biệt và có quy mô, kể cả ở nước ngoài; đồng thời cho tham gia vào những vấn đề chuyên sâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi đưa đề án này ra bàn bạc với HĐQT, thì ngay lập tức có nhiều ý kiến trái chiều về việc này. Một số cổ đông cho rằng, các vị trí lãnh đạo nên ưu tiên đầu tư cho con cháu, tạo điều kiện tốt nhất cho họ chứ không nên dàn trải cho cả người từ bên ngoài. Đó là chưa nói đến việc phải bỏ ra những khoản chi phí khá tốn kém mà chưa chắc đã hiệu quả…

Doanh nghiệp trân trọng quá khứ là điều cần thiết, nhưng phải biết quyết liệt cho tương lai
CEO Đỗ Hữu Thanh - Tổng Giám đốc Công ty May Sư Tử Vàng

Tham gia chương trình là sự góp mặt của CEO Đỗ Hữu Thanh - Tổng Giám đốc Công ty May Sư Tử Vàng. Ông đã đưa ra những lập trường và quan điểm khách quan để bảo vệ ý kiến của mình. Ý kiến của ông đã nhận được sự tán thành của hai chuyên gia trong chương trình, đó là ông Trần Quốc Việt - Thành viên HĐQT kiêm Quyền TGĐ điều hành công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển đô thị Việt Hưng (Ecopark) và bà Bùi Thy Hương - Giám đốc Dịch vụ tư vấn Con người và Tổ chức PwC Việt Nam.

Theo các chuyên gia, trong một thị trường phát triển và đầy tính cạnh tranh như hiện tại, chủ doanh nghiệp luôn phải chịu một áp lực lớn từ việc đương đầu với thử thách, rủi ro. Vì vậy, một nguồn nhân lực ổn định sẽ đóng vai trò lớn trong việc giúp công ty phát triển bền vững.

“Đặt niềm tin vào người ngoài, hay cứ trông chờ vào con ông cháu cha?” – câu hỏi này chỉ có thể được trả lời khi doanh nghiệp thực sự nghiệm túc nhìn vào định hướng trong tương lai của công ty. Đó là việc xem xét lại quy mô phát triển, mô hình hoạt động, đồng thời rà soát lại các nguồn lực của doanh nghiệp.

Từ đó, chủ DN sẽ nhìn ra được nguồn lực, cơ cấu tổ chức và định hướng quản trị, quản lý của mô hình công ty hiện tại có phù hợp để đưa người ngoài vào giữ các vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp hay không.

Và đâu là những rủi ro hoặc bất cập có thể phát sinh liên quan đến việc đưa người ngoài đi đào tạo và giữ các vị trí chủ chốt trong công ty? Đồng thời với đó là những bất cập nếu giữ mô hình hiện tại mà không thay đổi…

Theo các chuyên gia, CEO muốn thuyết phục được HĐQT thì phải cho họ thấy được rằng: Trân trọng quá khứ luôn là điều cần thiết, nhưng cũng phải quyết liệt cho tương lai… Muốn vậy, CEO phải hướng họ tới một tầm nhìn chung, đó mới là yếu tố đưa doanh nghiệp đi xa và vững bền hơn.

Vậy CEO sẽ thuyết phục các thành viên HĐQT thế nào?

Câu trả lời sẽ có tại Chương trình CEO – Chìa khoá thành công với chủ đề: "Doanh nghiệp gia đình - Chiến lược nhân sự", được phát sóng vào 10h00 sáng Chủ nhật ngày 10/06 và phát lại vào 8h00 sáng Thứ 2 ngày 11/06/2018 trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

CEO – Chìa khóa thành công là một chương trình chính luận, kinh tế chuyên biệt của Đài Truyền hình Việt Nam. Ra đời từ năm 2005, chương trình có sứ mệnh “Đồng hành doanh nghiệp, nâng tầm doanh nhân” trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập.

Bắt đầu từ năm 2017, bên cạnh các chương trình phát sóng trên VTV, CEO – Chìa khóa thành công sẽ tổ chức chuỗi các hội thảo dành riêng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp theo các chủ đề hữu ích và thời sự về kinh doanh. TheLEADER.vn là đơn vị bảo trợ thông tin cho chương trình này.

Chương trình được tổ chức định kỳ hai tháng một lần các hội thảo, tọa đàm, workshop, với nội dung xoay quanh các vấn đề nan giải mang tính chiến lược về thương hiệu, phát triển, nhân sự, tài chính của các doanh nghiệp. Qua đó, đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp tục định hướng phát triển.