Đọc “CÁCH SỐNG” của doanh nhân Nhật Inamori ngẫm về nhân cách doanh nhân

Nguyễn Anh Tài - 16:38, 15/10/2017

TheLEADERKhông chỉ tại Nhật Bản, Inamori được ngưỡng mộ là một doanh nhân thành đạt với nhiều đóng góp to lớn, mà ông còn được khắp nơi tôn vinh sự cao quý về đạo đức và lối sống.

Tôi vừa đọc xong cuốn CÁCH SỐNG của tác giả Inamori Kazuo (Nhật Bản) xuất bản lần thứ 2, lần đầu tôi đọc cách đây chừng 4 năm. Rõ ràng, sau mỗi lần đọc, cảm giác thích thú, sự thấu hiểu hoàn toàn khác nhau. 

Do quá trình trải nghiệm bản thân, cũng như kiến thức, tri thức và tâm hồn được nâng cao hơn theo năm tháng; đặc biệt ý thức và sự nhìn nhận về tâm linh có phần đổi mới đã cho tôi cái nhìn khác đi.

Không gì bằng lời cảm ơn chân thành và lời cầu nguyện chúc phước cho Ngài Inamori, để ông luôn sống khỏe (bây giờ Inamori đã 83 tuổi) và sẽ mang một tầng tâm linh cao hơn như mong ước để làm vốn cho cõi vĩnh hằng của ông.

Không còn bàn cãi gì, khi một doanh nhân quá đỗi thành đạt về tài chính (công ty của ông trị giá hơn 8,1 tỷ USD - tính theo giá thị trường năm 2016), ông đã xây dựng thành công hai tập đoàn lớn tại Nhật với công nghệ cao, dẫn đầu xu hướng trong suốt 50 năm qua. 

Rồi ông vực dậy một hãng hàng không khổng lồ tại đất nước mặt trời mọc này khi đang trên bờ phá sản dù lúc ấy ông đã 77 tuổi, tuổi xưa nay hiếm. Ông đã đóng góp cho nền kinh tế Nhật những thành tựu nổi bật từ sau thế chiến thứ 2, giải quyết hàng mấy trăm ngàn lao động trong chừng ấy năm làm việc không ngừng nghỉ.

Không chỉ thế, năm 1984, ông trích 200 tỷ yên (vào khoảng 200 triệu USD), một số tiền khổng lồ thời ấy từ tài sản riêng để thành lập quỹ Inamori và giải thưởng quốc tế Kyoto, một giải thưởng được đánh giá không thua kém gì giải Nobel, hàng năm tổ chức khen thưởng những người có thành tích cống hiến cho sự phát triển và tiến bộ xã hội. 

Tiếp đó, năm 1989, ông thành lập trường tư thục Seiwa để đào tạo các nhà quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ những cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng doanh nghiệp năm 2003, ông là người Nhật Bản đầu tiên được trao Giải thưởng Lòng bác ái của quỹ Canergie Mỹ.

Như lẽ thường thấy, nếu đứng ở trên cao chót vót của thành công và danh vọng, tiền tài như thế ông đã thỏa lòng, đôi chút kiêu ngạo và tự hào cũng là điều xứng đáng. Nhưng không, cả cuộc đời ông luôn băn khoăn trăn trở: Con người sinh ra để làm gì? Sống để làm gì? Tại sao phải làm việc và giàu có?...

Xuyên suốt tác phẩm, ông luôn ghi lại câu trả lời cho những thắc mắc trên mà chính cuộc đời ông phấn đấu đó là “Gọt rửa tâm hồn để lúc chết đi ta tốt hơn lúc sinh ra dù một chút”. Tất cả hành trình cuộc đời từ chăm chỉ lao động, cần cù học tập, sáng tao, vượt khó khăn, vượt sướng, kiềm chế bản thân, sống khiêm tốn, giản dị, hướng hiện, giúp đỡ mọi người cũng để nhằm hướng đến điều ấy.

Doanh nhân Inamori Kazuo. Ảnh Thái Hà Books

Đó chính là nhân cách sống mà ông đã tìm thấy trong đời sống của một doanh nhân điển hình nơi xứ sở hoa anh đào nở rộ vào mùa Xuân và núi Phú Sĩ hùng vĩ đẹp lạ lùng với màu trắng tinh khôi của băng tuyết như cùng hòa nhịp tạo ra niềm cảm hứng bất tận về lẽ sống, hình thành nên những nhân cách rất được người đời trân trọng như ông.

Vì thế, không chỉ tại Nhật ông được ngưỡng mộ là một doanh nhân thành đạt với nhiều đóng góp to lớn, mà ông còn được khắp nơi tôn vinh sự cao quý về đạo đức và lối sống. Có lẽ, với bất kỳ xã hội nào, dù phát triển vượt bậc đến mấy (như xã hội Nhật), thì cũng cần dẫn dắt bởi những triết lý sống và làm việc, kinh doanh dựa trên nền tảng đạo đức của các doanh nhân, người làm ra của cải cho xã hội phồn thịnh.

Như Inamori đã chỉ ra “Phú Quốc Hữu Đức”, đó mới chính là nền tảng vững chắc của sự thịnh vượng và hạnh phúc xã hội mà mỗi một doanh nhân, mỗi một doanh nghiệp nên hướng đến.

Suy tư, đọc đến những trang cuối của cuốn sách những hình ảnh cát tặc, đinh tặc, lâm tặc, buôn lậu hàng giả hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn rồi tham nhũng thất thoát hàng nhiều ngàn tỷ đồng của các đại gia ngân hàng, bất động sản…cứ hiện lên trong đầu tôi. Sao phải giàu bất chấp như thế để làm gì? Được gì? Thật ngao ngán!

Hãy sống có ích cho xã hội, đóng góp vào tiến trình văn minh của nhân loại và có một cuộc sống cá nhân tốt đẹp, vui vẻ hãnh diện đó mới là nhân cách doanh nhân mà chúng ta nên ý thức rèn luyện mỗi ngày.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Nguyễn Anh Tài - Doanh nhân, Nhà tư vấn chính sách đầu tư