Động lực tăng trưởng của Việt Nam, cần gỡ nhanh các điểm nghẽn

Huy Thắng - 09:30, 16/11/2017

Bối cảnh hiện nay, dư địa cho chính sách tài khoá và tiền tệ không nhiều. Do đó, để thực hiện mục tiêu kép về tăng trưởng nhanh và bền vững, điều quan trọng là cần hướng đến cải cách đồng bộ các trụ cột về thể chế, bộ máy hành chính, tài chính công, tái cơ cấu nền kinh tế quyết liệt hơn.

Động lực tăng trưởng của Việt Nam, cần gỡ nhanh các điểm nghẽn
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là những nội dung được các chuyên gia và đại diện các cơ quan quản lý thảo luận sôi nổi tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởnggiải pháp thúc đẩy" do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 15/11.

Kết quả tăng trưởng cần phân tích các chỉ số thành phần

Tốc độ và chất lượng tăng trưởng nổi lên như một vấn đề được quan tâm hàng đầu tại nhiều diễn đàn khác nhau, kể cả tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trong bối cảnh GDP quý III/2017 đã có tăng trưởng bứt phá.

Phân tích vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định vừa qua có một số ý kiến về con số tăng trưởng do chưa nắm được đầy đủ thông tin, chưa phân tích đầy đủ các chỉ số thành phần. Cụ thể, ông Lâm phân tích, tăng trưởng trong nông nghiệp trong 9 tháng có một số thuận lợi về thời tiết nên tăng trưởng khá. Đồng thời, cần lưu ý là có sự chuyển đổi cơ cấu mạnh mẽ từ trồng lúa sang nuôi trồng thuỷ sản, trong khi một hecta nuôi trồng thuỷ sản thành công, theo tính toán có thể mang lại giá trị gấp khoảng 5 lần một hecta trồng lúa.

Hơn nữa, khi nói về tăng trưởng, không nên nhìn theo quý, mà cần nhìn lại quá trình những năm trước đó, với quyết tâm của Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, năm 2016 đã có hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới, còn riêng trong 9 tháng năm nay có hơn 105.000 doanh nghiệp, dự kiến đến cuối năm có thể có hơn 120.000 doanh nghiệp thành lập. Ông Nguyễn Bích Lâm phân tích thêm, điểm đáng chú ý, qua cung cấp thông tin cơ quan thuế, là có đến hơn 90% số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, có doanh thu…

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng phản biện với quan điểm cho rằng, sản lượng điện tăng không khớp với tốc độ tăng trưởng.

“Cần phải phân tích cụ thể hơn các chỉ số thành phần. Sở dĩ tốc độ tăng sản lượng điện thấp hơn năm ngoái, nhưng điện cho tiêu dùng lại ít đi, trong khi đó điện cho sản xuất kinh doanh lại tăng cao hơn, điều này có tác động tích cực tới tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chứ không chỉ nhìn vào con số chung”, ông Lâm nói thêm.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, Tổng cục Thống kê cũng tuân thủ các thông lệ quốc tế, độc lập khách quan, đồng thời đã đưa vào tính toán nhiều hơn các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng như hệ số ICOR, chỉ tiêu năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), chỉ tiêu về năng suất lao động, cho thấy các chỉ số ICOR và TFP năm 2017 đều tốt hơn khá nhiều so với năm 2016.

Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, điểm sáng lớn nhất là nông nghiệp. Trong đó, không nên chỉ nhìn số lượng mà cần phải thấy có sự chuyển đổi cơ cấu rõ rệt từ trồng lúa sang phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

Yếu tố quan trọng mà việc thống kê chưa nêu nhiều là phần đầu tư khu vực tư nhân tăng rõ rệt. Đây là quá trình tạo các cơ chế chính sách ngày càng thuận lợi, thông thoáng hơn, đối thoại của Chính phủ với doanh nghiệp ngày càng tích cực, đến nay đang dần phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần xem lại các thước đo về tăng trưởng GDP trong ngắn hạn, hướng tới việc tăng trưởng có chất lượng cao, bền vững hơn.

Thực tế, chỉ số quan trọng là yếu tố tăng trưởng dựa vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) dù cải thiện nhưng vẫn thấp, cần phải nâng cao năng suất, hiệu quả mới có thể duy trì được động lực lâu dài cho những năm tiếp theo.

Chia sẻ và góp ý về công tác thống kê, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, việc tính toán công bố thông tin cho người dân phải được tiến hành kịp thời, rõ ràng, có sự phân tích các con số đầy đủ hơn, tránh sự hiểu lầm về chất lượng thông tin.

Các chuyên gia đưa ra nhiều góp ý quan trọng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhìn thẳng vào những hạn chế yếu kém

Nhấn mạnh vào chân kiềng thể chế, TS. Lê Đăng Doanh đưa ra so sánh, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố năm 2017 vừa qua, Việt Nam đã có bước nhảy vọt 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm, lên hạng 55/137. Trong khi đó, thể chế mới được nâng lên thứ 79. Tức là xếp hạng về thể chế còn yếu kém của Việt Nam vẫn là một “điểm lõm”, là yếu tố hạ thấp năng lực cạnh tranh quốc gia, đây là một nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, các quy định vẫn còn chưa minh bạch, nhiều kẽ hở gây thất thoát vốn nguồn lực. TS. Lê Đăng Doanh dẫn chứng về những vấn đề bất cập liên quan đến các dự án BOT, BT. “BT còn nguy hiểm hơn BOT, người dân không biết giá đất bao nhiêu, không thực hiện đấu thầu mà chỉ định thầu. Riêng Hà Nội và TP.HCM có hàng trăm dự án như vậy”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Còn TS. Trần Du Lịch thẳng thắn cho rằng cần thực hiện đúng các mục tiêu về 3 đột phá chiến lược mà lâu nay chưa thực hiện được nhiều, đó là: Đột phá thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. TS. Trần Du Lịch ví 3 đột phá này chính là 3 móng nhà, nếu không tốt thì cũng giống như xây nhà từ nóc.

Nhấn mạnh vào yếu tố chất lượng, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng cần thay đổi động lực khai thác tài nguyên lao động giá rẻ chuyển sang sáng tạo và vận dụng công nghệ. Về công tác thống kê, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, cần xét việc tính toán, công bố các chỉ số phản ánh chất lượng tăng trưởng sát hơn, như: Chỉ số sẵn sàng đổi mới công nghệ, chỉ số về sáng tạo và đổi mới, chỉ số về nền kinh tế tri thức, chỉ số phát minh sáng chế.

Cùng quan điểm về tầm quan trọng của chất lượng, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, tăng trưởng GDP là cần thiết để tạo ra việc làm, nhưng mục tiêu chất lượng là hàng đầu, không phải là số lượng.

“Mục tiêu GDP vừa phải thôi, không cứng và chặt quá, phải tập trung vào chất lượng hơn, cần phải có hệ thống các chỉ tiêu đo lường chất lượng tốt hơn”, TS. Lưu Bích Hồ nói.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Phó Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) cho rằng, Nghị quyết Trung ương 5 và các Nghị quyết của Chính phủ đã chứng minh tinh thần tích cực cải cách, đổi mới của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo ra động lực thực sự cho phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa quyết tâm của Chính phủ với các cơ quan thực thi bên dưới là các địa phương hay một số bộ, ngành.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ chia sẻ, điều doanh nghiệp mong muốn nhất là có thị trường mà các doanh nghiệp được đối xử công bằng, bình đẳng, minh bạch để cạnh tranh lành mạnh theo đúng nghĩa. Đây chính là động lực thực sự của doanh nghiệp tư nhân, là cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân thể hiện vai trò, tạo đột phá về hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân, đóng góp vào phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ nền kinh tế đất nước.

Do đó, cần sớm chấm dứt việc phân bổ nguồn lực theo loại hình doanh nghiệp không công bằng, các cơ chế "Xin - Cho", không minh bạch. Các chính sách hỗ trợ có lúc vẫn chưa sát với thực tế, doanh nghiệp vẫn khổ nhiều về kiểm tra, giấy phép con, các loại chi phí chính thức hay không chính thức.

Cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để không tiếp tục lãng phí nguồn lực Nhà nước, thay đổi tư duy quản lý để vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường và phát huy tối đa nguồn lực sau khi chuyển đổi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đại diện các cơ quản lý, đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, đại biểu và đại diện doanh nghiệp đến phút cuối cùng. Đặc biệt, dù Hội thảo đã bế mạc, Phó Thủ tướng vẫn nán lại hội trường trao đổi thêm, đồng thời ông đề nghị đại diện cơ quan kết nối doanh nghiệp gửi trực tiếp các ý kiến chính thức về các khúc mắc để Chính phủ xem xét, từ đó có biện pháp quyết liệt, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.