Động thái “chưa từng có tiền lệ” trước khi cổ phiếu VPBank lên sàn

Hàn Tín - 08:00, 16/08/2017

TheLEADERCác nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh tay gom cổ phiếu VPBank với mức giá mà chính người trong cuộc cũng không ngờ.

Động thái “chưa từng có tiền lệ” trước khi cổ phiếu VPBank lên sàn

Cuộc chạy đua của các nhà đầu tư nước ngoài gom cổ phiếu VPBank cũng nóng không kém gì giá cổ phiếu của ngân hàng này trước ngày niêm yết.

Chỉ trong vài tháng, giá cổ phiếu VPBank trên thị trường OTC đã tăng phi mã từ mức 11.500 đồng hồi đầu năm lên 34.000-36.000 đồng vào thời điểm một tháng trước khi lên sàn.

Cũng trong khoảng thời gian này, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bất ngờ mạnh tay mua vào cổ phiếu VPBank. Nếu như vào thời điểm cuối năm 2016, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VPBank là … 0% thì theo báo cáo bạch công bố mới đây, số cổ phần mà các nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ đã lên tới 22,34%.

Như vậy, chỉ trong vài tháng, 78 nhà đầu tư nước ngoài đã bất ngờ gom tới 314 triệu cổ phiếu VPBank. Tất cả đều là nhà đầu tư tổ chức, và không có tổ chức nào nắm giữ quá 5% vốn điều lệ.

Bản báo cáo bạch không đề cập đến danh tính của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng theo tìm hiểu của TheLEADER, có những gương mặt quen thuộc với thị trường tài chính Việt Nam như Dragon Capital, nhưng cũng có những cái tên còn mới như GIC, Clermont và Deccan. X

Bất ngờ hơn nữa là trong cuộc hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu VPBank diễn ra ngày 15/8 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Tô Hải, Giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt tiết lộ thông tin sốc: số tiền mà nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua cổ phiếu VPBank qua các đợt giới thiệu ở nước ngoài lên đến 1,2 tỷ USD.

Là đơn vị tư vấn niêm yết và phát hành riêng lẻ cho VPBank, Bản Việt đã tiếp cận với 80 nhà đầu tư nước ngoài và hầu hết họ đều đặt mua với số tiền mà ông Hải cũng phải thốt lên là “chưa từng có tiền lệ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam”, kể cả vào những thời điểm cổ phiếu ngân hàng nóng nhất.

Mức giá chào bán được các nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận mua là 39.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức giá tham chiếu của VPBank khi chính thức giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh ngày 17/8.

Bản thân ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank và các lãnh đạo của ngân hàng còn bất ngờ khi có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả mức giá cao hơn. Nhu cầu của các nhà đầu tư cao hơn 4 lần khối lượng dự kiến chào bán, buộc lãnh đạo ngân hàng phải thuyết phục cổ đông hiện hữu bán bớt cho nhà đầu tư nước ngoài.

“Đến thời điểm này đã có 78 nhà đầu tư đặt mua và chuyển tiền mua cổ phiếu VPBank, họ mua ở mức giá mà lúc đầu chúng tôi cũng không nghĩ như vậy. Chúng tôi tin rằng, các nhà đầu tư nước ngoài không phải dễ thuyết phục. Họ đã tin tưởng đặt cược vào sự phát triển của VPBank,” ông Vinh chia sẻ với các nhà đầu tư tại hội thảo.

Ông Vinh tiết lộ, để các nhà đầu tư nước ngoài móc hầu bao mua cổ phiếu VPBank thì song song với quá trình đàm phán, VPBank cũng thu xếp cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, làm việc với các thành viên Hội đồng quản trị, công việc cụ thể của bộ máy đang làm để họ thấy được người thực, việc thực.

Nhưng quan trọng hơn, không chỉ nói về những điểm mạnh, mà lãnh đạo VPBank cũng thẳng thắn đề cập đến những khó khăn, rủi ro, nợ xấu cũng như số liệu trình bày. “Không một tổ chức nào chỉ có mặt tích cực, chúng tôi trao đổi với các nhà đầu tư cả những khó khăn của mình để họ tin rằng chúng tôi là một tổ chức quản trị minh bạch, rõ ràng,” ông Vinh cho biết.

Cũng không thể phủ nhận kết quả kinh doanh ấn tượng của VPBank trong những năm qua và kế hoạch đầy tham vọng trong những năm tới đã “đánh gục” các nhà đầu tư nước ngoài.

Xét chỉ số hiệu quả kinh doanh là ROAE (tỷ suất sinh lời trên vốn cổ phần bình quân” thì theo báo cáo kiểm toán hợp nhất năm 2016, ROAE của VPBank lên tới 25,7%, cao hơn nhiều so với những ngân hàng lớn như Vietcombank (14,7%) và BIDV (14,2%).

Bản Việt còn tự tin đánh giá không có đối thủ nào sánh được với VPBank trên các thị trường cận biên thế giới và khu vực về khả năng sinh lời, tăng trưởng và vốn. Từ 2016-2018, EPS tăng trưởng kép hàng năm cao hơn so với phần lớn các ngân hàng khác. VPBank cũng vượt các ngân hàng khác, ở cả Việt Nam lẫn trong khu vực, về khả năng sinh lời ước tính (ROA 2016 đạt 1,9% trong khi các ngân hàng khác chỉ đạt 0,8%).

Kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Nguồn (Báo cáo tài chính kiểm toán 2016 của các ngân hàng)

Mặc dù tổng tài sản nhỏ hơn so nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước nhưng VPBank lại hoạt động rất hiệu quả, với lợi nhuận gần bằng các ‘ông lớn’. Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, VPBank đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.100 tỷ đồng và mục tiêu 6.800 tỷ đồng lợi nhuận năm nay có thể nằm trong tầm tay. Năm sau, VPBank đặt lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 8.500 tỷ đồng.

Ông Vinh cho biết, sau khi niêm yết, VPBank sẽ hoàn thiện những bước cuối cùng để phát hành cổ phiếu mới riêng lẻ, từ đó thu về khoảng 6.000 tỷ đồng. Với kết quả đó, VPBank sẽ nâng vốn chủ sở hữu lên 24.000 tỷ đồng và là một trong những ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao.