Dự án PPP y tế: Khúc xương khó gặm!

Đỗ Thành Nhân - 09:15, 04/09/2017

TheLEADERBệnh viện quá tải, bệnh nhân nằm chung giường, hàng loạt vụ việc bức xúc được phanh phui liên quan đến y đức; còn những nhà đầu tư PPP - xã hội hóa bệnh viện thì mệt mỏi không kém bệnh nhân, đang ngóng chờ Nhà nước “điều trị chính sách”.

Dự án PPP y tế: Khúc xương khó gặm!
Bệnh viện Phúc An Khang ở quận 2, TP. HCM phải đóng cửa vào tháng 4/2017 sau 2 năm hoạt động.

Trong khi bệnh viện đang quá tải, chất lượng khám chữa bệnh, điều trị xuống cấp đến mức báo động; nhà nước thì nỗ lực mời gọi nhà đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) vào lĩnh vực y tế, ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa khám chữa bệnh như: miễn tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất tín dụng ưu đãi đầu tư..., thì dự án PPP vào y tế vẫn còn rất ít. 

Vậy nguyên nhân đến từ đâu?

Có phải hiệu quả đầu tư thấp?

Thực tế cho thấy đầu tư vào bệnh viện hiệu quả sẽ thấp, thời gian thu hồi vốn lâu, nên Nhà nước mới hỗ trợ ưu đãi đầu tư đến mức tối đa để mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính.

Bởi vì doanh nghiệp đa ngành đầu tư PPP vào bệnh viện thường chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng đầu tư. Họ xác định thu hồi vốn chậm nhưng ít rủi ro vì biến động của thị trường. Qua đầu tư vào bệnh viện sẽ gián tiếp nâng giá trị thương hiệu phục vụ cộng đồng cho các lĩnh vực kinh doanh khác của họ.

Mà nguyên nhân chính lại đến từ…

Nhóm lợi ích

Nhóm lợi ích thường đến từ nhiều nhóm quyển lực khác nhau vì có chung đặc quyền, thông thường là những cái bắt tay giữa giới chức quyền trong cơ quan quản lý và đại gia - nhà đầu tư.

Nhưng ít ai nghĩ rằng: những người mặc áo blue trắng được gọi bằng “thầy”, được tôn vinh “như từ mẫu”; những người tuyên thệ lời thề Hippocrates, thường xuyên “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lại hình thành nhóm lợi ích trong y tế để vô hiệu hóa chính sách tưởng như nhân văn là đầu tư hợp tác công tư - xã hội hóa lĩnh vực y tế.

Nhận diện nhóm lợi ích

Dự án PPP đầu tư vào y tế sẽ tác động trực tiếp đến đến các đối tượng chính sau:

Thứ nhất, nhà đầu tư bỏ vốn 100%, nhưng để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước trong hợp tác công tư thì họ thường phải mất tối thiểu là 30% cho nhà nước (bệnh viện). Phương án tài chính họ phải chịu 100% trách nhiệm, rủi ro; nhưng chỉ được hưởng tối đa 70% hiệu quả.

Tuy nhiên tỷ lệ 70/30 chỉ là con số pháp lý trên giấy tờ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, còn trên thực tế tỷ lệ thực sự sẽ thường từ 45/55 đến 55/45.Do vậy thời gian thu hồi vốn dường như là vô tận; nguy cơ tiềm ẩn rủi ro là nhà đầu tư mất quyền kiểm soát trong tương lai, khi mà những “cổ đông ẩn danh” không góp vốn đã hạ cánh an toàn. Lúc đó dự án PPP có nguy cơ dừng là rất cao.

Thứ hai, bệnh nhân là người hưởng lợi nhất, dự án PPP được thực hiện, họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi khám chữa bệnh về giá cả, chất lượng dịch vụ; chi phí xã hội giảm rất nhiều so với việc phải đến các thành phố lớn điều trị. Nhưng bệnh nhân lại là người không thể quyết định về dự án PPP.

Thứ ba, liên quan đến Bệnh viện - Sở Y tế, gồm cán bộ chuyên môn và lãnh đạo bệnh viện, sở. Nhà nước đầu tư ngân sách để xây dựng, cấp phát kinh phí hoạt động thì những người lãnh đạo y tế sẽ thoải mái hơn nhiều, lúc này tiền lương chẳng là gì so với "thu nhập". Nhưng khi tư nhân đầu tư thì tiền lương tuy cao nhưng lại là thu nhập duy nhất. Câu hỏi là liệu họ có thực sự muốn vào cuộc với dự án PPP?, trong khi đây lại chính là người quyết định đầu tư, sự thành công của dự án PPP.

Còn cán bộ chuyên môn như bác sĩ, điều dưỡng nếu hợp tác công tư thì cơ hội việc làm và thu nhập của họ tăng lên vì họ là đối tượng được ưu tiên của dự án.

Chính sách đầu tư bị lũng đoạn như thế nào?

Khác với PPP giao thông, nhà đầu tư phải chạy dự án, thì dự án PPP - xã hội hóa y tế được trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, đặc biệt là các nhà quản lý y tế và lãnh đạo bệnh viện. Tuy nhiên như những gì đã phân tích ở trên, chỉ khi nhà đầu tư bỏ tiền vào mới xuất hiện lớp đinh dưới thảm đỏ mà có nhà đầu tư đã mỉa mai ví von rằng "như con vịt bắt đầu bị vặt lông".

Có dự án đầu tư bệnh viện PPP hoàn thành nghiên cứu khả thi; thậm chí tổ chức khởi công, cũng bị dừng lại. Lý do được đưa ra là nhà đầu tư không đủ năng lực, mặc dù nhà đầu tư đã tính toán rất kỹ và chi ra không ít tiền.

Tuy nhiên, nên nhìn nhận vấn đề qua những con số thực tế: Có bệnh viện đã quá tải, công suất sử dụng giường 2016 hơn 180%, thường xuyên 2 bệnh nhân/giường; dự báo đến năm 2018 sẽ hơn 250%. Tỉnh không có tiền, nhiều năm mời gọi, cuối cùng cũng có nhà đầu tư. Sau khi chạy đủ cửa ở các sở ngành để thẩm định, lúc chuẩn bị trình UBND tỉnh quyết định thì lại bị chính bệnh viện ách lại, với lý do … người lao động không đồng ý. Mặc dù trước đó lãnh đạo y tế đi từ Bắc vào Nam để tìm hiểu, quá trình lập dự án đã có nhiều cuộc họp với người lao động của bệnh viện.

Nguyên nhân sâu xa, chính là cần duy trì sự quá tải của bệnh viện mới hình thành “nguồn thu khác” của bệnh viện mà trên thực tế với nhiều bệnh viện là cao hơn rất nhiều so với viện phí chính thức; trong khi nếu đầu tư PPP thì nhà đầu tư lại không chấp nhận “tỷ lệ góp vốn” quá đáng của những người quản lý y tế.

Lời kết

Lĩnh vực y tế liên tục bị phanh phui những vụ việc mà xã hội không thể chấp nhận: thuốc ung thư giả vào bệnh viện, thuốc ung thư viện trợ để hết hạn sử dụng, tinh thần trách nhiệm của nhiều lương y và nhà cung cấp dịch vụ y tế xuống cấp nghiêm trọng khi liên tục để xảy ra tình trạng người bệnh tử vong do lỗi từ bệnh viện, nhiều người bệnh phải nằm chung một giường...; nhưng nhà đầu tư PPP - xã hội hóa bệnh viện thì nhiều năm nay đang mệt mỏi không kém bệnh nhân, đang ngóng chờ Nhà nước có các liều thuốc “điều trị chính sách”.

Xã hội kêu gọi y đức của những người thầy thuốc, nhưng luật pháp lại không chế tài được “y đức” của những nhóm lợi ích trong ngành y tế. 

Cơ quan chức năng muốn nhận diện nhóm lợi ích trong ngành y tế có lẽ không quá khó, quan trọng là có quyết tâm hay không!

Đầu tư vào ngành y tế không dễ ăn, ngay cả bệnh viện 100% vốn tư nhân như bệnh viện Phúc An Khang ở quận 2, TP. HCM phải đóng cửa vào tháng 4/2017 sau 2 năm hoạt động vì lỗ lũy kế 60 tỷ đồng.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Đỗ Thành Nhân, Chuyên gia tư vấn đầu tư