Dự thảo chính sách mới nhất cho 3 đặc khu kinh tế

Minh Anh - 15:20, 11/09/2017

TheLEADERCác đặc khu kinh tế sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt: Nhà đầu tư chỉ cần thực hiện một thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kinh doanh, chính sách bầu trời mở, người nước ngoài được sở hữu nhà ở lên đến 99 năm...

Dự thảo chính sách mới nhất cho 3 đặc khu kinh tế
Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Ảnh Báo Đầu tư

Nhiều khó khăn, thách thức

Ban soạn thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vừa có báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Theo đó, ban soạn thảo cho biết, việc xây dựng và phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và bị cạnh tranh quốc tế gay gắt. 

Cụ thể, cơ chế chính sách ưu đãi và các quy định về tổ chức bộ máy quản lý hành chính áp dụng cho các khu kinh tế hiện đang bị giới hạn trong khuôn khổ điều chỉnh chung của pháp luật hiện hành nên không thể tạo ra sự vượt trội về ưu đãi đặc thù cũng như sự năng động và hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hành chính để cạnh tranh và thu hút đầu tư. Nhất là các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, uy tín, kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác và vận hành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày sâu rộng, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán nhiều hiệp định tự do song phương, đa phương với độ mở cao cho thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, việc ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội cho mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần được xem xét trong mối tương quan và tính cạnh tranh so với các cam kết quốc tế và cơ chế, chính sách dành cho mô hình tương tự của các nước trong khu vực.

Nếu chỉ dựa trên thể chế, cơ chế chính sách hiện hành, nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, việc phát triển mô hình đặc khu hành chính - kinh tế sẽ không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư và không đủ nguồn lực thực hiện.

Theo ban soạn thảo, việc phát triển các khu hành chính - kinh tế đặc biệt hiện nay đang tồn tại nhiều hạn chế như vị trí không thuận lợi dẫn đến các chi phí đầu tư lớn, các chính sách thiếu tính cạnh tranh, chủ yếu dựa vào thời gian miễn hoặc ưu đãi thuế, các chính sách lao động cứng nhắc.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư do không thu hút được các nhà đầu tư chiến lược từ khu vực tư nhân, sự phối hợp không chặt chẽ giữa các doanh nghiệp tư nhân và các chính phủ trong phát triển hạ tầng cho đặc khu kinh tế. Giá thuê và các dịch vụ mang tính bao cấp, mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh, có quá nhiều cơ quan tham gia vào việc quản lý đặc khu.

Đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ

Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt. Theo đó, ban soạn thảo đề xuất xây dựng quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt duy nhất theo hướng tích hợp các quy hoạch liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, là nền tảng cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Chính sách cần bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh Không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Nhà đầu tư được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đầu tư, thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo hai phương án: không áp dụng điểm a, Khoản 1, Điều 670 Bộ luật dân sự và thực hiện đầy đủ theo quy định hiện hành của Bộ luật dân sự.

Về việc lựa chọn cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, ban soạn thảo đề xuất có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài theo hai phương án: thông qua Tòa án nước ngoài có thẩm quyền và theo quy định hiện hành.

Đối với chính sách mở cửa thị trường, cần thực hiện mở cửa thị trường tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với mức cao hơn các khu vực khác và bảo đảm cạnh tranh quốc tế thông qua quy định điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt như nhà đầu tư trong nước trong các ngành, nghề cần thu hút đầu tư vào đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Chính phủ cần quy định danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ tạo sự chủ động trong lựa chọn các điều kiện áp dụng đối với các ngành nghề thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh và giai đoạn phát triển của các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Về thủ tục về đầu tư, kinh doanh, ban soạn thảo đề xuất không thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư chỉ thực hiện một thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) và dự án đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư có trụ sở chính tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Quy định việc thực hiện các thủ tục về kinh doanh, đất đai, xây dựng, lao động... tại trung tâm hành chính công theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” và qua hệ thống mạng.

Về chính sách sở hữu nhà ở, sử dụng đất đai, cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với đối với một dự án thuộc số ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị nếu được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng thông qua nhận chuyển nhượng trực tiếp từ tổ chức, cá nhân trong nước trong các dự án nhà ở thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng.

Về các chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, ban soạn thảo đề xuất cho phép nhà đầu tư được phép đề xuất phương thức thực hiện dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội phù hợp với thông lệ quốc tế mà chưa quy định tại pháp luật hiện hành.

Về chính sách ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, xuất nhập khẩu, đất đai, sử dụng đất) đề xuất áp dụng theo hai mức: áp dụng ưu đãi đầu tư (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất) với hai mức.

Ưu đãi cao nhất, áp dụng đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính  kinh tế đặc biệt và dự án của nhà đầu tư chiến lược.

Đối với ngành, nghề lĩnh vực còn lại, bằng với các khu kinh tế hiện nay. Chỉ quy định mức ưu đãi đầu tư tối đa đối với thời gian miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất. Mức ưu đãi đối với từng dự án do Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt quyết định trên cơ sở chế độ miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo từng khu vực, lĩnh vực do Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành để đảm bảo sự linh hoạt, không cào bằng đối với các dự án đầu tư.

Về chính sách bầu trời mở, ban soạn thảo đề xuất cho phép các hãng hàng không quốc tế được phép vận chuyển hàng không quốc tế kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến hoặc một điểm đi tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.