Dự thảo “thắt chặt” hoạt động của Uber, Grab

Thùy Dung - 15:49, 08/01/2018

TheLEADERTheo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, các đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử điển hình là Uber, Grab sẽ bị tăng các điều kiện quản lý cũng như bị áp các chế tài xử lý vi phạm trong thời gian tới

Dự thảo “thắt chặt” hoạt động của Uber, Grab
Không chỉ là đối thủ của nhau, Uber và Grab còn là đối thủ của các hãng taxi truyền thống. Ảnh: WordPress

Cụ thể, tạm thời không cấp mới phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi khi tổng số phương tiện này tăng cao nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu; cho dừng hoạt động cung cấp dịch vụ đối với những đơn vị cung cấp phần mềm không thực hiện đúng các quy định theo thí điểm; dừng hoạt động cung cấp dịch vụ ứng dựng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách với những đơn vị vi phạm.

Hệ thống dữ liệu về hóa đơn tính tiền phải được lưu trữ đầy đủ tại đơn vị và phải cung cấp khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng và phải trang bị hệ thống lưu trữ dữ liệu chi tiết từng lần phát sinh doanh thu bằng bản mềm theo từng đầu xe.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu đề xuất những quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động thương mại để quy định đối với các đơn vị cung cấp phần mềm.

Bên cạnh đó, nhiều kiến nghị đã được đưa ra nhằm tăng tính cạnh tranh cho các hãng taxi truyền thống như không hạn chế việc điều hành hoạt động của xe taxi thông qua bộ đàm, cho phép sử dụng các phần mềm điều hành xe taxi đã được đăng kí, ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã nếu có nhu cầu thực hiện ứng dụng khoa học, sử dụng phần mềm để kết nối khách hàng.

Các địa phương cũng đưa ra đề xuất nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử như Uber, Grab như việc yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm phải có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu về ID gắn với biển kiểm soát xe và lái xe, thực hiện nghĩa vụ đăng ký Sàn giao dịch thương mại điện tử.

Sở GTVT Khánh Hòa còn mạnh dạn đề xuất tạm dừng thí điểm đối với Grab và Uber tại tỉnh này và thay vào đó là khuyến khích các doanh nghiệp taxi truyền thống ứng dụng cũng như trang bị khoa học công nghệ trong việc kết nối vận tải.

Hiện nay, một số quy định đang trở nên bất hợp lý đối với loại hình taxi như việc phải đăng kí và sơn biểu trưng, giới hạn về số lượng xe, là đối tượng hạn chế lưu thông trên một số tuyến phố và một số khung giờ, nhất là giờ cao điểm và tuyến đường ở một số đô thị cũng như việc phải kê khai giá.

Bên cạnh đó, hiện còn thiếu chế tài xử lý đối với một số vụ việc như triển khai ứng dụng không nằm trong thí điểm của Grab hay việc có phù hiệu không phù hợp cũng gây ra sự bất bình đẳng đối với taxi truyền thống.

Chỉ sau gần 2 năm được thực hiện thí điểm, loại dịch vụ taxi công nghệ Grab và Uber đã có sự phát triển chóng mặt tại một số tỉnh thành ở Việt Nam, đặc biệt là tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Tính đến thời điểm này, Uber hiện đã có hơn 10.000 xe ở Hà Nội và hơn 22.000 xe ở TP. HCM. Trong khi đó, Grab cũng có số lượng xe không hề kém cạnh.

Với chính sách thí điểm, chưa chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý, lại có những ưu điểm áp đảo về công nghệ thông minh và giá cước rất cạnh tranh, taxi công nghệ đã được người dùng ưa thích hơn và điều này đã đẩy taxi truyền thống vào cảnh cạnh tranh khốc liệt.