Đừng ép lãi suất như... ép duyên

Thạch Miên - 09:26, 21/10/2017

TheLEADERCó thể giảm lãi suất cho vay nhưng không thể giảm đồng loạt.

Đừng ép lãi suất như... ép duyên
Ngân hàng dù tăng trưởng cho vay cao hơn tăng trưởng huy động không có nghĩa là đang khát vốn.

Chính phủ vừa yêu cầu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên một nghịch lý là đến nay tăng trưởng huy động chỉ chiếm 10% trong khi đó tăng trưởng cho vay tới 11%. Vậy dòng tiền ở đâu để ngân hàng cho vay và làm cách nào để giảm lãi suất?

Ngân hàng lấy vốn ở đâu?

Ngay từ tháng 4/2017, tăng trưởng tín dụng đã sớm vượt huy động. Tính đến 20/6/2017, chênh lệch này tiếp tục nới rộng, lên tới 1,65%. Và đến 9/2017 tăng trưởng huy động vẫn thấp hơn tăng trưởng cho vay khoảng 1%. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi: Dòng vốn ở đâu khiến thanh khoản của ngân hàng vẫn trở nên dồi dào?

Tính từ đầu năm đến nay lượng cầu trái phiếu Chính phủ tiếp tục tăng cao nhưng lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ đã liên tục giảm và ở vùng đáy của nhiều năm. 

Bên cạnh đó cuối tháng 8/2017 tổng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng đạt khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm, tương đương tăng hơn 107 nghìn tỷ đồng sau 8 tháng. 

Ngoài ra các khoản tiền mà các định chế tài chính, ngân hàng bảo hiểm... đầu tư vào trái phiếu Chính phủ chưa được rót vào các dự án đầu tư công cũng đã được tạm gửi vào các ngân hàng.

Song song dự trữ ngoại hối đạt mốc kỷ lục mới 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016. Chính vì thế nên mặc dù nhập siêu 2,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nhưng nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư gián tiếp mang về lượng ngoại tệ lớn, trong đó việc đấu giá % vốn Vinamilk đã giúp thu về cả tỉ USD. Tất cả các yếu tố này cũng khiến thị trường vốn dồi dào và phong phú hơn.

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, tăng trưởng huy động khoảng 10% nhưng tăng trưởng cho vay 11% là tốc độ tăng trưởng chứ không phải là lượng tiền trong ngân hàng thấp hơn số tiền ngân hàng vay ra. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ cho vay không được vượt quá 80% tỉ lệ huy động nhưng trên thực tế có những lúc ngân hàng cho vay ra chỉ khoảng 60% so với tiền huy động được. 

“Ngân hàng dù tăng trưởng cho vay cao hơn tăng trưởng huy động không có nghĩa là ngân hàng đang khát vốn. Biểu hiện rõ ràng nhất là gần như lãi suất trên thị trường liên ngân hàng không có dấu hiệu tăng mạnh hay đột biến. Thậm chí trong tháng 6 lãi suất liên ngân hàng còn giảm mạnh”, ông Minh nhận định.

Trong khi đó khảo sát trên thị trường, các biện pháp hỗ trợ thanh khoản thị trường thời gian qua đều không cần sử dụng. Cụ thể thị trường mở (OMO) là nơi Ngân hàng Nhà nước sử dụng nghiệp vụ mua các giấy tờ có giá với các ngân hàng thương mại nhằm đưa tiền ra lưu thông hoặc bán hút tiền. Hay nói cách khác đây là công cụ để Ngân hàng Nhà nước điều tiết tiền tệ, ổn định hệ thống ngân hàng. 

Bài học cuối năm 2011 và đầu năm 2012 là thời điểm hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn thanh khoản vì những biến cố tại một số ngân hàng yếu kém. Lúc này thông qua nghiệp vụ OMO, Ngân hàng nhà nước đã đưa ra khối lượng tiền lớn để hỗ trợ kịp thời cho các ngân hàng thương mại. 

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay khối lượng tiền trên thị trường OMO lưu hành chỉ còn không đáng kể. Điều đó cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đến nay khá dồi dào.

Lãi suất cho vay khó giữ được mức thấp

Mặc dù nguồn vốn không phải là vấn đề đau đầu đối với ngân hàng nhưng với tốc độ cho vay cao hơn tốc độ huy động nên lãi suất cho vay cũng khó có khả năng giảm theo yêu cầu của Chính phủ.

Việc cho vay ra mạnh tay vẫn tạo áp lực lên huy động. Khi huy động tăng, NH cũng khó có thể giảm lãi suất cho vay, việc giữ ổn định lãi suất cho vay cũng là một điều rất tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nhận định tăng trưởng 10% trên tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng trong ba tháng có nghĩa là sẽ phải bơm khoảng 600.000 tỷ đồng ra thị trường. Với số lượng cung tiền quá lớn không gây áp lực lên lạm phát trong thời điểm hiện tại nhưng có thể gây lạm phát trong một hai năm tới nếu không thận trọng. 

Ông Đặng Quốc Tiến, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay đồng nghĩa với việc ngân hàng phải tiết giảm các chi phí và cân đối từ nguồn thu vào và cho vay ra, sao cho biên độ giữa huy động và cho vay ở mức thấp nhất nhưng vẫn có hiệu quả. Các doanh nghiệp tốt thường sẽ được ngân hàng ưu đãi giảm lãi suất khi có điều kiện hoặc các ngân hàng sẽ tìm cách giảm lãi suất khi họ sắp xếp được một lượng tiền mà đầu vào rẻ để hạ lãi suất.

Giảm lãi suất là tăng cường tính cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng, để các ngân hàng tự nguyện giảm lãi suất cho vay nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mới thực sự bền vững nếu không thì chuyện lãi suất sẽ mãi chỉ là ép duyên.