Đừng nghĩ đại gia trả nợ nhanh hơn doanh nghiệp nhỏ

Hương Xuân - 17:20, 20/10/2017

TheLEADERHôm nay sức khỏe tín dụng khác xa, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, nợ xấu nếu xử lý được 90 ngàn tỷ đồng thì đất nước sẽ có cơ hội phát triển.

Đừng nghĩ đại gia trả nợ nhanh hơn doanh nghiệp nhỏ
Các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia hội thảo "Nâng cao hiệu quả chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp 2017"

Hội thảo Nâng cao hiệu quả chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp 2017 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP.HCM ngày 19/10/2017 đã bàn luận nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Trong đó, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp xuất nhập khẩu… tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú:

"Chữ tín có thể thay thế rất nhiều thế chấp"

Qua 11 tham luận, ý kiến đóng góp, kiến nghị về chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, mừng là qua chương trình, doanh nghiệp đánh giá khách quan ngân hàng không phải cửa quyền, khó khăn như trước đây, coi quan hệ này là cộng sinh, bình đẳng, hai bên cùng có lợi. 

Chính quan hệ bình đẳng đó làm hai bên gần nhau. Rõ ràng câu chuyện vốn đã được giảm tải rất nhiều. Còn xử lý nợ xấu vẫn là câu chuyện tiếp tục phải giải quyết.

Điều kiện thủ tục thế chấp chưa bao giờ cơ chế tín dụng mở như bây giờ, mặc dù nợ xấu hiện hữu vẫn tiềm ẩn, tăng lên, vì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp còn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cứ lao vào BĐS tưởng xơi được, nhưng có bán được đâu, mà nhà vẫn xây ầm ầm, lĩnh vực rủi ro BĐS phải được quản lý. Cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất mở, các ngân hàng địa phương có quyền tự quyết định khi được chính quyền địa phương bảo đảm, ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp. Không nên hình sự hóa các vụ án kinh tế. Quản lý dòng tiền đến đúng đối tượng rất khó, vì cơ chế tài chính của chúng ta nói chung chưa minh bạch. Nhiều doanh nghiệp vác tiền mặt về lại đi làm việc khác, nền kinh tế ngầm của chúng ta còn rất nhiều khoản khó kiểm soát…

Phía NHNN đặc biệt chú trọng cải cách hành chính của các ngân hàng để tăng chỉ số tiếp cận của doanh nghiệp với ngân hàng, đây là chỉ đạo rất quyết liệt. Phải cải cách thủ tục hành chính, tác phong, giao tiếp đến các công nghệ. 

Tôi cùng anh em NHNN sẽ đi kiểm tra không báo trước xuống các ngân hàng thương mại, không áp dụng thưởng, phạt, nhưng sẽ đi cùng cơ quan báo chí truyền thông để mọi thông tin đến với xã hội, đó là thể hiện quyết tâm của NHNN trong cái cách hành chính. Tuy nhiên, tín dụng phải có nguyên tắc, điều kiện rõ ràng. Quan hệ tín dụng chính là chữ tín, chữ tín có thể thay thế rất nhiều thế chấp.

TS. Trần Du Lịch, Phó chủ tịch Trung tâm trọng tài kinh tế Việt Nam:

"96% doanh nghiệp Việt Nam là đối tượng rất dễ bị tổn thương"

Tôi có duyên nợ với Chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp. Ra đời tháng 8/ 2012 tại TPHCM, tôi được mời tham gia trong bối cảnh nợ xấu như cục máu đông, từ tim không đưa máu được về cơ thể. 

Phải có giải pháp gì giúp một loạt doanh nghiệp đang vướng vào nợ, nhưng nếu vượt qua khó khăn sẽ có khả năng trả nợ. Tôi nói ngân hàng phải nuôi nợ để đòi nợ. 

Phải kéo chính quyền địa phương, các Bộ ngành vào để cùng tháo gỡ, cách làm đó chỉ có ở Việt Nam. Rất may những doanh nghiệp đó khi được tiền mừng lắm, lo làm ăn để trả nợ, và không ai vướng vào nợ xấu. 

Đừng nghĩ đại gia trả nợ nhanh hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người này đường cùng rồi, họ phải nỗ lực bằng mọi giá để trả nợ… Hôm nay, chương trình đã ở mức độ khác, sức khỏe tín dụng khác xa so với 2012, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, nợ xấu nếu xử lý được 90 ngàn tỷ đất nước sẽ có cơ hội phát triển.

Doanh nghiệp Việt Nam mỏng vốn lắm, vốn chủ sở hữu rất nhỏ, chủ yếu là tiền đi vay, chính vì vậy chi phí tài chính rất cao. Tình trạng vốn mỏng khiến nhu cầu vốn rất lớn. Các doanh nghiệp huy động dòng tiền để đầu tư chủ yếu qua ngân hàng thương mại, còn thị trường chứng khoán vẫn chưa tạo ra dòng vốn cho doanh nghiệp đâu. 

Tình trạng này còn kéo rất dài vì thị trường tài chính Việt Nam phát triển khập khiễng, vẫn tập trung trên thị trường tiền tệ, một tình trạng “không giống ai”, nếu quản lý theo nước ngoài không thể được, vẫn phải quản lý theo kiểu Việt Nam thôi.

Ngân hàng thương mại phải cầu xin doanh nghiệp uy tín cho vay, nhưng nói thẳng mấy ông đó trả chậm lắm! Còn doanh nghiệp vừa và nhỏ cần ngân hàng thì đầy rủi ro, thậm chí thế chấp cái này cái kia ngân hàng cũng không yên tâm. 

Chương trình này phải tập trung vào đối tượng có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng chưa tin lắm, tương lai 2-3 năm sau họ sẽ trở thành doanh nghiệp uy tín, lúc đó thì ngân hàng phải cầu cạnh họ để cho vay.

Tôi tâm tư lắm với quỹ bảo lãnh tín dụng, sau 10 năm giống như … tiệm cầm đồ. Bảo lãnh tín dụng bản chất là tín chấp, khi một tài sản được cho vay thì ngân hàng cho vay phải giám sát, khi có chuyện gì xảy ra thì ngân hàng phải chịu 70%, quỹ chịu 30%. 

Chính NHNN phải đứng ra xây dựng lại quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chứ đừng bắt NHTM làm quỹ tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mong NHNN có giải pháp mới hơn theo cách làm khác, đối tượng khác, vì 96% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, đối tượng rất dễ bị tổn thương…