EU đau đầu tìm cách cứu vớt thỏa thuận hạt nhân Iran

Hoàng Quân - 19:29, 16/05/2018

TheLEADERLiên minh châu Âu EU gần đây đã đưa ra kế hoạch kinh tế nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ tuyên bố rút đi.

EU đau đầu tìm cách cứu vớt thỏa thuận hạt nhân Iran
Các doanh nghiệp châu Âu sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc tái áp dụng lệnh trừng phạt lên Iran. Ảnh: Fortune

Theo đó, EU đang đưa ra nhiều cách thuyết phục Iran tiếp tục thỏa thuận hạt nhân được bắt đầu từ năm 2015 dù gần đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bỏ rơi thỏa thuận này.

Tehran cảnh báo rằng nước này sẵn sàng tiếp tục chương trình làm giàu uranium quy mô lớn mà không vướng bất kỳ hạn chế nào, trừ khi châu Âu có thể đảm bảo duy trì lợi ích kinh tế cho Iran từ việc tham gia thỏa thuận hạt nhân.

Bộ trưởng Ngoại giao của Iran, ông Mohammad Javad Zarif đã có cuộc gặp với bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của EU về ngoại giao và an ninh cũng như Bộ trưởng Ngoại giao các nước Anh, Pháp và Đức tại Brussels.

Bà Mogherini cho biết các chuyên gia EU đang cố gắng đưa ra đề xuất cụ thể trong những tuần tới, bao gồm việc đảm bảo Iran có thể được bán các sản phẩm dầu khí cũng như tiếp cận với tài chính quốc tế. "Chúng tôi biết rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn nhưng chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc để biến nhiệm vụ này thực sự diễn ra", bà nói.

Nỗ lực của EU tập trung vào 9 lĩnh vực trọng điểm, bao gồm duy trì quan hệ kinh tế với Iran, tiếp tục khả năng bán dầu và sản phẩm khí đốt của Iran và bảo vệ những doanh nghiệp EU đang kinh doanh tại nước này.

Các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là từ Pháp và Đức đã đổ xô đầu tư vào Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có hiệu lực, Iran được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.

Xuất khẩu từ Đức sang Iran đạt gần 3 tỷ Euro, tương đương khoảng 3,5 tỷ USD năm 2017. Cùng với đó, xuất khẩu từ Pháp cũng gia tăng mạnh mẽ, từ mức hơn 600 triệu USD năm 2015 lên khoảng 1,77 tỷ USD năm ngoái.

Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã chính thức kéo Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt. Động thái này như một cái tát vào hơn một thập kỉ rưỡi ngoại giao đầy khó khăn của Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Iran cũng như chính quyền Mỹ trước đây.

Washington hiện đang cho các công ty từ 90 đến 180 ngày để xử lý xong những hợp đồng hiện có với Iran và cấm họ ký bất kỳ một hợp đồng mới nào do những điều kiện của lệnh cấm vận. Và mối đe dọa này không phải là lời nói suông.

Ảnh hướng lớn của Mỹ trên hệ thống tài chính toàn cầu khiến cho các biện pháp trừng phạt trở thành một công cụ mạnh mẽ. Mỹ hoàn toàn có thể đẩy các doanh nghiệp nước ngoài ra khỏi thị trường Mỹ nếu họ từ chối tuân thủ các biện pháp trừng phạt đối với Iran.