FDI dệt may từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông: "Biết là hàng ế, hàng sale nhưng vẫn mua vì nó rẻ"

Hồ Mai - 07:32, 01/10/2017

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Đức Thành, giá lao động tại Trung Quốc đang tăng lên và Trung Quốc cũng đang chuyển sang áp dụng tự động hóa và công nghệ cao, do vậy những nhà đầu tư có công nghệ cũ sẽ tìm đến Bangladesh, Srilanka hay Việt Nam.

Sóng FDI dệt may vẫn tiếp tục mạnh

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tổng số 4,981 tỷ USD vốn FDI chảy vào 228 dự án thuộc ngành dệt trong 5 năm qua, chỉ có 5 dự án liên doanh, với tổng vốn đăng ký 192 triệu USD; 4,789 tỷ USD còn lại thuộc về 223 dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Dù số lượng dự án đầu tư vào Việt Nam không lớn, chỉ 22 dự án, nhưng Đài Loan dẫn đầu trong số quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào ngành dệt Việt Nam, với 1,016 tỷ USD, vượt xa các nước ở thứ hạng tiếp theo như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…

Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu sợi đạt tới gần 3 tỷ USD trong năm 2016, có đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp như Texhong (Hồng Kông), Tainan Spinning, Polytex Far Eastern (Đài Loan)…

Trong những tháng đầu năm 2017, nhiều dự án xơ sợi, dệt may của các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đã cấp phép như dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương, sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 486 triệu USD.

Nhà đầu tư Trung Quốc cũng đổ hơn 220 triệu USD vào dự án Nhà máy sản xuất polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam tại Tây Ninh.

Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan) cũng mới khánh thành nhà máy sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD.

Far Eastern cũng là doanh nghiệp có vốn đầu tư tăng thêm lớn nhất tại Bình Dương trong 8 tháng qua. Cụ thể, doanh nghiệp này đã tăng vốn thêm 485,8 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư đăng ký lên 760 triệu USD.

Một “đại gia” Đài Loan là Tập đoàn Tainan Spinning cũng đã kịp điều chỉnh tăng vốn cho Dự án Công ty TNHH sợi Long Thái Tử tại Khu công nghiệp Long Khánh (Đồng Nai), với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 50 triệu USD. Trước thời điểm tăng vốn thêm 50 triệu USD, Công ty TNHH sợi Long Thái Tử đã khởi công xây dựng dự án Nhà xưởng sợi Long Thái Tử giai đoạn II tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai.

Có phải xu hướng tất yếu?

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mặc dù Hoa Kỳ quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng làn sóng doanh nghiệp ngành dệt may của Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Đây không còn là việc đón đầu hưởng lợi từ TPP của doanh nghiệp ngoại, mà chọn “đất lành” để phát triển sản xuất nhằm tận dụng ưu thế từ chi phí sản xuất, lao động giá rẻ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được thảo luận rộng rãi ở Trung Quốc. Một trong những dự án nổi bật của chính phủ nước này là chiến lược “Made in China 2025” được công bố vào tháng 5/2015 nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất nước này trong vòng 10 năm tới.

Chính phủ Trung Quốc cam kết đầu tư để phát triển 10 ngành công nghệ cao như chế tạo người máy, thiết bị hàng không không gian, xe hơi sử dụng năng lượng mới, vận tải công nghệ cao, tàu và thiết bị hàng hải công nghệ cao, y dược sinh học,...

Lộ trình của Trung Quốc là thay thế công nghiệp giá rẻ tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi hay da giày, các ngành thâm dụng lao động, có tác động tiêu cực đến môi trường đều được khuyến khích đầu tư ra bên ngoài.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), giá lao động tại Trung Quốc đang tăng lên và Trung Quốc cũng đang chuyển sang áp dụng tự động hóa và công nghệ cao, do vậy những nhà đầu tư có công nghệ cũ sẽ tìm đến Bangladesh, Srilanka hay Việt Nam. Và Việt Nam có thể là cơ hội cho những nhà đầu tư này.

Về xu hướng FDI ngành dệt may vẫn tiếp đục đổ mạnh vào Việt Nam, theo ông Thành, dù sao đây vẫn là ngành mà Việt Nam có thể làm được và có thị trường.

“Dự án ùn ùn vào là nhận, có thêm công ăn việc làm là nhận nhưng việc lựa chọn nhận dự án nào phụ thuộc vào khả năng sáng suốt của người tiếp nhận là liên doanh hay địa phương”, ông Thành cho hay.

Ông Thành cũng nói thêm: “Công nghệ cũ như hàng ế, hàng sale, mình biết là hàng sale nhưng vẫn mua vì nó rẻ. Đây là khuynh hướng tất yếu nhưng cũng không hẳn là bi kịch”.