Gác lại quá khứ, Nokia đang hướng tới tương lai như thế nào?

Việt Hưng - 14:09, 30/05/2018

TheLEADERSau kế hoạch tái cơ cấu, Nokia đã biến hạ tầng mạng thành mảng cốt lõi mới, tạo ra nhiều tỷ đô la giá trị cho các cổ đông.

Nokia đã thay đổi bản thân rất nhiều lần trong lịch sử phát triển kéo dài 150 năm của mình. Từ một nhà máy sản xuất giấy được thành lập năm 1865, Nokia đã phát triển sang rất nhiều lĩnh vực khác nhau và trở thành tập đoàn đa quốc gia.

Được biết đến nhiều hơn cả nhờ những chiếc điện thoại di động mang thương hiệu Nokia. Năm 2007, Nokia là doanh nghiệp thống trị thị trường điện thoại di động, với 40% thị phần trên toàn thế giới nhờ vào những công nghệ độc quyền và khả năng mở rộng quy mô nhanh chóng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của iPhone đánh dấu kỷ nguyên smartphone đã lấy đi của Nokia tất cả. Trước tình hình trên, Nokia đã đặt cược vào một kế hoạch tái cơ cấu hoàn toàn tập đoàn. Công ty Phần Lan quyết định bán lại toàn bộ mảng kinh doanh di động cho Microsoft trong một thương vụ trị giá 7,2 tỷ

Sau khi thoái vốn, các mảng kinh doanh của Nokia chỉ còn 3 phần chính: hạ tầng mạng, dịch vụ bản đồ và bằng sáng chế công nghệ. Trong 3 lĩnh vực, mảng hạ tầng mạng chiếm tỷ trọng lớn nhất của Nokia lúc đó.

Công ty quyết định thâu tóm toàn bộ mảng kinh doanh hạ tầng mạng của Siemen. Bước đi chiến lược này đã mang lại thành công vang dội cho Nokia. Chỉ trong vòng 2 năm sau đó, Nokia đã biến hạ tầng mạng thành mảng cốt lõi mới, tạo ra nhiều tỷ đô la giá trị cho các cổ đông.

Toàn bộ tham vọng trong lĩnh vực hạ tầng mạng đã được bộc lộ vào năm 2015, khi Nokia tuyên bố ý định thâu tóm Alcatel – Lucent. Với thương vụ thâu tóm trị giá 16,6 tỷ USD này, Nokia từ một nhà cung cấp mạng di động thành nhà cung cấp đầy đủ hạ tầng mạng (bao gồm của các dịch vụ như IP định tuyến và mạng quang), đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại thị trường Bắc Mỹ. 

Năm 2018 và bước chuyển mình 5G

Gác lại quá khứ, Nokia đang hướng tới tương lai như thế nào?
Bà Nguyễn Kim Dung, Tổng Giám đốc Nokia Việt Nam

Với chiến lược "tập trung vào lĩnh vực cốt lõi", tại Việt Nam, Nokia đã giành được nhiều hợp đồng hạ tầng mạng với Viettel, Vinaphone hay Mobifone trong giai đoạn 2015 - 2017. Minh chứng là phần lớn hạ tầng 4G LTE tại Việt Nam đang được triển khai bởi chính thương hiệu Phần Lan này.

Không dừng lại ở đó, mới đây, Nokia còn lần đầu giới thiệu các công nghệ trong hệ sinh thái 5G tại sự kiện Innovation Roadshow được tổ chức tại Hà Nội.

Cụ thể, với mạng lõi 5G dựa trên công nghệ điện toán đám mây (cloud-native) của Nokia, các nhà cung cấp dịch vụ có thể triển khai mạng 5G trên diện rộng, độ tin cậy cao, bảo mật và vận hành đơn giản. Mạng lõi này cho phép mở rộng một loạt dịch vụ di động băng rộng cao cấp và dịch vụ IoT, giúp cải thiện các dịch vụ hiện tại nhằm tăng doanh thu…

Cùng lúc, giải pháp Wi-Fi dạng lưới cho phép cung cấp và sử dụng Wi-Fi trở nên đơn giản với cả nhà cung cấp lẫn người dùng đầu cuối. Với môi trường gia đình, phần trình diễn cho thấy nhiều chức năng do giải pháp này mang lại như chuyển vùng phủ sóng mà không bị gián đoạn, chứng thực vân tay để lấy thông tin trong mạng gia đình, và các ứng dụng di động dành cho người dùng đầu cuối.

Ngoài ra, Nokia cũng trình diễn giải pháp truy cập mạng không dây cố định. Với công nghệ này, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông dễ dàng vươn ra khỏi khu vực, triển khai nhiều dịch vụ tốc độ cao và tiếp cận các vùng sâu vùng xa… 

Trong khi đó, giải pháp mạng siêu nhỏ gọn (Ultra Compact Network) của Nokia được sử dụng cho các tác vụ truyền thông trọng yếu (khi xảy ra tai nạn hoặc thiên tai)…

Đại diện Nokia cho hay, hệ sinh thái 5G này sẽ giúp đạt được các mục tiêu phát triển thương mại, xã hội và công nghiệp. 

"Luôn xem Việt Nam là thị trường trọng điểm, Nokia cam kết và mong muốn đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy tương lai số, song song với việc cải thiện chất lượng cuộc sống với các công nghệ tiên tiến", bà Nguyễn Kim Dung, Tổng Giám đốc Nokia Việt Nam cho biết.

Thực tế cho thấy, Việt Nam mới triển khai 4G trên diện rộng chưa được hai năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, còn sớm để nói chuyện 5G nhưng việc chuẩn bị về mặt quy hoạch là cần thiết. Do đó, các công nghệ được Nokia trình diễn lần này được xem là “kênh” tham khảo để nhà mạng có thể nghiên cứu, áp dụng trong tương lai.