Gần 70% số doanh nghiệp nhà nước chưa được rà soát, báo cáo

Hồ Mai - 15:25, 15/09/2017

TheLEADERMới có 250 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 800 doanh nghiệp nhà nước được các đơn vị quản lý vốn rà soát và báo cáo Bộ KH&ĐT, trong số này 72 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.

Gần 70% số doanh nghiệp nhà nước chưa được rà soát, báo cáo
Bãi cọc cũ của Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong do Vinalines thi công. Cảng Vân Phong là một trong các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả. Ảnh: NLĐ

Tin từ Bộ KH&ĐT cho biết đến ngày 25/8 mới có 11 bộ, cơ quan ngang Bộ, 39 địa phương, 2 tập đoàn và 9 tổng công ty cùng với Đài truyền hình Việt Nam báo cáo về hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, theo một đề nghị của Bộ này gửi đi hôm 16/6.

Hai tập đoàn VNPT, VRG và các tổng công ty Vinafood 1, Vinafood 2, SCIC, Vinataba, Vinalines, SBIC, Vinapaco, Vinacafe, Khánh Việt là các đơn vị đã gửi báo cáo.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. HCM; Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hoá chất, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tổng công ty như Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị… chưa gửi báo cáo theo đề nghị của Bộ này.

Thống kê tại các báo cáo gửi về cho thấy, tính đến 25/8/2017 có 72 dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả. Tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng của các dự án này khoảng 42.744 tỷ đồng. 

Các dự án phát triển hạ tầng tại các Bộ chiếm tỷ trọng vốn lớn (gần 14 nghìn tỷ), tương tự là các dự án xây dựng nhà máy, dây chuyền tại các Tổng công ty nhà nước (11 nghìn tỷ). Riêng các dự án bất động sản tại địa phương và các Bộ chiếm hơn 3 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của các đơn vị báo cáo, các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả là thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự án đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, thua lỗ kéo dài…

Các dự án (14 dự án ) chủ yếu nằm trong lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy với tổng mức đầu tư rất cao: 29 nghìn tỷ đồng. 

Ngoài ra 33 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đang trong tình trạng tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài. Nguyên nhân là năng lực của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lập, triển khai và quản lý dự án; trong công tác dự báo biến động của thị trường nông sản trong nước và thế giới.

Bộ KH&ĐT cho biết, số doanh nghiệp được báo cáo rà soát chỉ chiếm 31,2% tổng số doanh nghiệp. Điều này không đảm bảo được yêu cầu về chất lượng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cơ quan này kiến nghị, các Bộ ngành, địa phương, tập đoàn, công ty khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng danh mục dự án có dấu hiệu không hiệu quả và gửi về Bộ trước ngày 30/9.