GDP giảm tốc và nỗi lo "kế hoạch"

Vĩnh Trà - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERTăng trưởng GDP đột ngột tăng thấp, lạm phát cao trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới có nhiều biến động như hiện nay đang đặt ra nhiều quan ngại bao trùm xung quanh các báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2017.

GDP giảm tốc và nỗi lo "kế hoạch"
Nhiều lĩnh vực chủ chốt tăng trưởng chậm khiến GDP quý I/2017 giảm tốc. Ảnh minh họa

GDP giảm tốc

Báo cáo nghiên cứu của Market Intello cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý 1 của Việt Nam chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây khiến cho mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% trong năm 2017 trở thành một thách thức lớn. 

Tăng trưởng thấp chủ yếu diễn ra ở khu vực công nghiệp, xây dựng mà cụ thể là ngành công nghiệp khai khoáng (giảm 10% so với cùng kỳ). Tăng trưởng kinh tế thấp do nhập siêu cao và đầu tư chậm lại. Nhập siêu gia tăng có sự đóng góp không nhỏ của tăng nhập khẩu máy móc thiết bị. 

Trong khi đó, vốn đầu tư toàn xã hội giảm tốc ở cả 3 khu vực nhà nước, ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài. Cầu tiêu dùng nội địa cũng tương đối yếu, cho thấy nhiều khả năng nền kinh tế đang gia tăng động lực từ nhu cầu nước ngoài. 

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm đều trên mức mục tiêu 4% (YoY), trong đó tháng 3/2017 đạt 4,65%, được đóng góp chủ yếu từ tăng giá của các nhóm hàng hóa do Nhà nước điều chỉnh.

Cũng theo Market Intello, Mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Quốc hội khó đạt được. Với kế hoạch cắt giảm khai thác dầu thô và những dấu hiệu kém khả quan ở khu vực công nghiệp trong quý 1/2017, có thể nói mục tiêu tăng trưởng 6,7% là rất khó đạt được. 

Các chuyên gia của Market Intello khuyến nghị, để cải thiện sức khỏe của nền kinh tế, thách thức chủ yếu của nền kinh tế sẽ làm thế nào để tiếp tục khuyến khích được đầu tư từ khu vực tư nhân. Đầu tư suy giảm là một trong số các nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế không đạt được kỳ vọng trong quý 1. 

Vì vậy, trong bối cảnh dòng vốn FDI hạn chế và giải ngân vốn ngân sách gặp khó khăn, kinh tế Việt Nam rất cần các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn vốn đầu tư tư nhân phát triển. Với việc cầu tiêu dùng trong nước yếu, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế. 

Điều này càng khiến các rủi ro thương mại quốc tế có sức ảnh hưởng lớn hơn đến tình hình kinh tế trong nước. Ngoài ra, cầu nội địa yếu cũng có thể gây ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước vì họ khó có thể chuyển gánh nặng lạm phát sang cho người tiêu dùng nội địa

GDP giảm tốc và nỗi lo "kế hoạch"

Nợ công vẫn là một trở ngại lớn đối với tăng trưởng. Ảnh minh họa

Ở góc nhìn tương tự, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cho biết, tăng trưởng GDP quý 1/2017 thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (5,1% so với 5,48%) chủ yếu do ngành khai khoáng và xây dựng. Loại trừ yếu tố mùa vụ, tăng trưởng GDP đạt mức 5,62% trong quý 1/2017 và là quý thứ 2 liên tiếp giảm tăng trưởng. 

Sự phục hồi giá hàng hóa thế giới vẫn chưa đủ mức để dẫn đến việc tăng sản lượng của ngành khai khoáng khiến ngành này tăng trưởng âm 10% trong quý I/2017 do sản lượng khai thác dầu giảm 14,9% và than đá giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ 2016 sản lượng khai thác dầu giảm 5,6% và khai thác than đá tăng 1%); Ngành xây dựng cũng tăng trưởng chậm lại so với cùng k ỳ (6,1% so với 9,9%) một phần do tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm. 

Cán cân thương mại 3 tháng đầu năm nhập siêu 1,9 tỷ USD (cùng kỳ 2016 xuất siêu 776 triệu USD). Nguyên nhân của việc cán cân thương mại suy giảm, trong khi tỷ giá thương mại vẫn tăng 2,4% (so với cùng kỳ năm trước) là do lượng nhập khẩu tăng mạnh. Nhập khẩu đã tăng 19,9% về lượng (trong đó, nhập khẩu ô tô tăng 43,3% trong khi xuất khẩu chỉ tăng 6,7% về lượng).

Về dự báo tăng trưởng cả năm 2017, UBGSTCQG cho rằng, mặc dù nền kinh tế nhìn chung vẫn trong xu hướng cải thiện, nhất là đối với khu vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo, song những diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017. 

Tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn đang có xu hướng tăng tích cực nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ đã thực hiện trong suốt thời gian qua. Dự báo xu thế này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, tạo tiền đề cho tăng trưởng của nền kinh tế trong trung, dài hạn.

Nguy cơ lạm phát tăng cao

Theo báo cáo của UBGSTCQG lạm phát bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 4,96% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm giao thông tăng 9,18% so với cùng kỳ; và cũng do chịu tác động một phần của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình tại một số tỉnh, thành (giá dịch vụ y tế và giáo dục 3 tháng đầu năm 2017 tăng lần lượt 68,63% và 11,8% so với cùng kỳ năm 2016). 

Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức ổn định (3 tháng đầu năm lạm phát cơ bản tăng 1,66% so với cùng kỳ 2016). Xu hướng dài hạn của lạm phát bắt đầu có xu hướng tăng rõ nét kể từ tháng 9/2016 đến nay. 

Xu hướng lạm phát dài hạn tại thời điểm tháng 3/2017 cao hơn khoảng 0,6 điểm % so với tháng 3/2016. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Lạm phát năm 2017 chịu áp lực trước hết từ giá hàng hóa thế giới. UBGSTCQG dự báo yếu tố giá hàng hóa thế giới sẽ góp vào lạm phát năm 2017 khoảng 2,5 điểm % đến từ các nhóm hàng năng lượng, lương thực. 

Như vậy, lạm phát trong năm 2017 sẽ phụ thuộc vào chính sác h điều chỉnh giá dịch vụ công, tỷ giá và có thể cả giá điện. Theo tính toán của UBGSTCQG: (i) Tỷ giá USD/VNĐ tăng 1% làm lạm phát tăng thêm 0,17 điểm %; (ii) Giá dịch vụ công điều chỉnh bằng nửa năm 2016 sẽ làm lạm phát tăng khoảng 1,8- 2 điểm %.

Trong khi đó, theo nhóm chuyên gia của Market Intello, lạm phát sẽ tiếp tục khó kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu 4% trong năm 2017. Nếu Chính phủ quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 như đã đề ra, nhiều khả năng NHNN sẽ phải tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ từ nửa sau của năm và gây thêm áp lực tăng chỉ số giá cả. 

Xu hướng tăng của các hàng hóa cơ bản mà đặc biệt là giá nhiên liệu, cùng sự lên giá của đồng USD cũng sẽ tạo thêm áp lực gia tăng lạm phát.

Trước diễn biến xấu đi của tăng trưởng kinh tế quý I/2017, Market Intello hạ dự báo tăng trưởng cho cả năm xuống 0,2 điểm phần trăm. Dự báo lạm phát cho quý 2 thấp hơn kỳ dự báo trước nhưng lạm phát cả năm được giữ nguyên tại mức 4,3%. 

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 kỳ vọng đạt mức 6,1%. Nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hồi phục nhẹ nhưng công nghiệp khai khoáng suy giảm sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể. Lạm phát cả năm dự báo sẽ đạt mức khoảng 4,3%. Khả năng tăng giá điện và mở rộng chính sách tiền tệ vào nửa sau của năm có thể đẩy lạm phát vượt mức mục tiêu 4%.

Theo GS. TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, kinh tế quý I/2017 giảm tốc bởi vì công nghiệp đi xuống, không chỉ khai khoáng mà cả dịch vụ chế biến chế tạo. Bởi vì công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào FDI, xuất khẩu cũng phụ thuộc chủ yếu vào FDI, bên cạnh đó, các sự kiện thế giới cũng tác động lớn đến kinh tế Việt Nam

“Nếu chuyển đổi trong nước không quyết liệt thì sẽ không theo kịp được với những biến đổi của chính trị thế giới, biến đổi khí hậu phức tạp. Trong bối cảnh mới, doanh nghiệp muốn kinh doanh tốt thì cũng nên có nhiều kịch bản, nghĩ khác đi, để ứng biến linh hoạt với tình hình của cả thế giới và trong nước, phải tìm ra các phương thức, dự đoán trước một số tình huống”, GS. Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh.