Giảm sâu giá dịch vụ, K+ vẫn mất hơn 60.000 thuê bao trong năm qua

Trần Dũng - 15:48, 07/03/2018

TheLEADERViệc K+ chỉ cung cấp một gói dịch vụ đồng thời giảm giá thuê bao xuống 125.000 đồng một tháng trên thực tế đã không giúp doanh nghiệp này kinh doanh hiệu quả hơn.

Giảm sâu giá dịch vụ, K+ vẫn mất hơn 60.000 thuê bao trong năm qua
K+ là đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng các giải bóng đá của Anh, Tây Ban Nha, Italia tại Việt Nam.

Cách đây 1 năm, K+ gây bất ngờ khi thông báo giảm giá cước thuê bao cho dịch vụ của mình xuống 1 gói duy nhất là 125.000 đồng một tháng.

Thời điểm đó, ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV), đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+ chia sẻ, gói cước cao cấp của K+ có giá 230 nghìn đồng/tháng, được coi là cao hơn so với mức giá chung của thị trường, vì vậy K+ cần một gói cước giá phù hợp hơn, thu hút được nhiều người dùng lâu dài hơn.

“Trước đây, do K+ có lượng thuê bao ít nên đã phải bán với giá cao để đảm bảo vốn kinh doanh, tuy nhiên, mô hình kinh doanh dịch vụ chất lượng cao và bán với giá cao tương ứng đã có hạn chế là không phát triển thuê bao không được nhanh và K+ phải lựa chọn chiến lược phát triển mới", ông Công nói.

Mức giá 125.000 đồng mỗi tháng được K+ đánh giá là cạnh tranh, tương đương với các nhà cung cấp truyền hình trả tiền hiện tại khác là SCTV hay VTVcab. 

Ban lãnh đạo của K+ kỳ vọng, việc giảm giá mạnh cộng thêm độc quyền trong sở hữu bản quyền Ngoại hạng Anh sẽ giúp K+ nhanh chóng mở rộng thị phần. Đây cũng là chiến lược được K+ áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trước khi đặt chân tới Việt Nam.

Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai, thực tế cho thấy K+ không gặt hái được nhiều thành công với chiến lược mới này. Báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của K+ cho thấy, số lượng thuê bao của doanh nghiệp này không những không tăng lên mà còn giảm đi. Cụ thể, tính đến tháng 12/2017, K+ chỉ có 789.000 thuê bao, giảm mạnh so với con số 855.000 thuê bao hồi tháng 3/2017, giảm hơn 60.000 thuê bao.

Thuê bao giảm, doanh thu của K+ trong năm qua cũng đi xuống theo. Doanh thu của K+ trong năm 2017 chỉ đạt 44 triệu euro (khoảng 1.200 tỉ đồng), giảm gần 5 triệu euro (140 tỉ đồng) so với năm 2016. Đây cũng là mức doanh thu thấp nhất của K+ tại Việt Nam trong vòng 3 năm qua.

Giảm sâu giá dịch vụ, K+ vẫn mất hơn 60.000 thuê bao trong năm qua
Nguồn: Báo cáo của Vivendi Group

K+ sụt giảm mạnh số lượng thuê bao trong bối cảnh thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng. Tính tới giữa năm 2017, cả nước có khoảng 13,1 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, tăng tới 30% chỉ trong vòng 2 năm.

Ước tính đến hết năm 2015, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam khoảng 9,9 triệu thuê bao, tăng mạnh so với năm 2014 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. SCTV, đơn vị đang nắm giữ lượng thuê bao lớn nhất hiện nay, với khoảng 4,5 triệu thuê bao, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 15% trong năm qua.

Năm 2017 cũng là năm thị trường truyền hình trả tiền xuất hiện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT mới như: Vietnamnet ICOM hay Clip TV, bên cạnh những gương mặt lão làng trong lĩnh vực truyền hình như VTVcab, SCTV, AVG (MobiTV), VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel, K+.

Dù K+ đã chấp nhận giảm tới nửa giá thuê bao, nhưng những đơn vị khác cũng sẵn sàng tung ra thị trường những dịch vụ có giá cạnh tranh hơn nhiều. Chẳng han, SCTV có SCTV VOD thu phí từ 30.000 đồng – 50.000 đồng/tháng, hay như VTVcab cũng có VTVcab ON với giá cước chỉ từ 40.000 đồng – 50.000 đồng/tháng.

Cùng với đó, một số dịch vụ khác như FPT Play, Zing Play, VNPT Media hay những đơn vị nước ngoài như Netflix đổ bộ vào Việt Nam cũng đang khiến miếng bánh thị phần bị xé nhỏ.