Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi: Cần sửa Luật Đất đai

Minh Anh - 16:58, 22/08/2017

TheLEADER"Việc giao rừng tự nhiên cho người dân là trái với Luật Đất đai, do đó, tôi kiến nghị cần xem sét sửa đổi lại Luật đất đai cho phù hợp với điều kiện hiện nay", ông Lù Văn Que, đại diện dân tộc Thái, Sơn La.

Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi: Cần sửa Luật Đất đai
Dự thảo Luật lần này đẩy nhanh, sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa trong lâm nghiệp.

Sáng 22/8, tại Hà Nội, Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng (Viện CENDI) phối hợp với Viện Tư vấn phát triển (Viện CODE) và Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á - Việt Nam (Trung tâm CIRUM) đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Góp ý tại hội thảo, ông Phan Đình Nhã, Ban Nghiên cứu và phân tích chính sách của liên minh các tổ chức Trung tâm CIRUM, Viện CENDI và Viện CODE cho biết: “Dự thảo Luật lần này đẩy nhanh, sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa trong lâm nghiệp. Tạo khung chính sách để thu hút các nguồn lực để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của chủ rừng và người làm nghề rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng tăng vào nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Ông Nhã cũng chỉ ra một số thay đổi tích cực của bản dự thảo 6.1 (phiên bản ngày 1/8/2017) so với dự thảo 5 liên quan đến chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Theo đó, dự thảo bổ sung nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp. Đảm bảo công khai, minh bạch, sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhận.

Dự thảo làm rõ hơn loại rừng theo truyền thống của cộng đồng dân cư và bổ sung rừng khu vực biên giới vào tiêu chí phân loại rừng. Dự thảo đã bổ sung nguyên tắc giao rừng cũng như quy định trách nhiệm của người đứng đầu về công tác quản lý bảo vệ rừng.

Theo ông Nhã: “Những thay đổi trên tuy chưa đầy đủ nhưng nếu được Quốc hội thông qua sẽ là động lực quan trọng để tạo điều kiện cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn bản, buôn làng… tiếp cận thuận lợi hơn về quyền quản lý bảo vệ, sử dụng rừng, phát huy bản sắc văn hóa, sinh kế gắn với rừng và tham gia hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ phát triển rừng để bảo vệ môi trường sinh thái và ổn định an ninh chính trị xã hội”.

Ông Lù Văn Que, đại diện dân tộc Thái, Sơn La phát biểu tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, nhiều kiến nghị bổ sung một số bất cập và chưa phù hợp của dự thảo cũng đã được đưa ra như vấn đề nên hay không nên di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; vấn đề làm rõ sở hữu rừng của hộ gia đình, cộng đồng… 

Theo ông Lù Văn Que, đại diện dân tộc Thái, Sơn La, nguyên tắc giao rừng phải dựa trên cơ sở thống nhất, không nên tách đất với rừng với đồng bào dân tộc. Người dân sống nhờ rừng, gắn bó với rừng, do đó nên giao rừng cho họ.

Rừng là tài sản quốc gia, tài sản của Nhà nước nhưng người dân là chủ, người dân cũng phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Trong khi đó, Luật Đất đai hiện nay đang có nhiều bất cập. Việc giao rừng tự nhiên cho người dân là trái với Luật Đất đai. "Do đó, tôi kiến nghị cần xem sét sửa đổi lại Luật đất đai cho phù hợp với điều kiện hiện nay", ông Que nhấn mạnh.

Ngày 29/7/2016, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 22/2016/QH14 về điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2016 và chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2017. Trong đó giao Chính phủ tổ chức xây dựng dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). 

Ngày 1/3/2017, Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 6/3/2017.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV tháng 5/2017, Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Tổng cục Lâm nghiệp cùng với Ban soạn thảo và tổ chức biên tập đã tổng hợp và chỉnh sửa xây dựng dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến chuẩn bị trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2017.