Grab Việt Nam đang mắc kẹt trong trò chơi 'hội đồng tổng cốc'?

Việt Hưng - 10:46, 01/06/2018

TheLEADERGần đây, Grab Việt Nam liên tiếp phải chịu những pha "cốc đầu" từ chính các đối thủ (các ứng dụng gọi xe mới), và cả những phán quyết không có lợi từ phía cơ quan chức năng.

Một trò chơi điển hình của Hà Nội và có xuất xứ từ những trẻ em đường phố, đó là Hội đồng tổng cốc. Lũ trẻ quây quần và "oẳn tù tì", ai thua phải cúi đầu làm tội đồ. Khi tội đồ ngẩng đầu lên nhìn xung quanh dò xét đứa nào đã cốc mình, thì cả lũ nhìn nhau cứ như mình vô can.

Nếu đoán đúng đứa cốc, thì đứa đó phải làm tội đồ, còn sai lại tiếp tục cho đến khi đoán đúng. Thỉnh thoảng đứa đầu trò nháy mắt ra hiệu tất cả thông đồng nên tội đồ có đoán đúng chúng vẫn bảo sai và dù ức nó vẫn phải cúi đầu tiếp.

Theo một cách hiểu nào đó, có vẻ như Grab Việt Nam cũng đang chơi Hội đồng tổng cốc... Mà trong đó, chính công ty này đang đóng vai "tội đồ", liên tiếp phải chịu những pha "cốc đầu" từ chính các đối thủ (các ứng dụng gọi xe mới nổi), và cả những phán quyết không có lợi từ phía cơ quan chức năng.

Bị điều tra vụ mua lại Uber Việt Nam

Giữa tháng 5 vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã ban hành quyết định điều tra chính thức vụ tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam. Thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày, trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.

Sau khi kết thúc điều tra, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ vụ việc để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định.

Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã gửi đi thông báo kết quả điều tra sơ bộ thương vụ Grab thâu tóm lại Uber Việt Nam.

Kết quả sơ bộ cho thấy, việc tập trung kinh tế giữa hai doanh nghiệp này khiến thị phần vượt ngưỡng 50% nên có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh 2004.

Grab Việt Nam đang mắc kẹt trong trò chơi 'hội đồng tổng cốc'?
Thương vụ Grab thâu tóm Uber Việt Nam có 'dấu hiệu vi phạm' Luật cạnh tranh

Theo quy định Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Phía Grab, trong văn bản giải trình gửi Cục Cạnh tranh, GrabTaxi cho biết, thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam thấp hơn 30%. Grab cho rằng các bên tham gia giao dịch "không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất tại Việt Nam".

Bị bủa vây bởi hàng loạt những ứng dụng gọi xe mới

Hai trong số những ứng dụng gọi xe mới - đối đầu Grab Việt Nam trong thời gian gần đây là Aber và Fastgo. Được biết, đây đều là những ứng dụng gọi xe do chính người Việt phát triển, dự kiến sẽ tuyển quân và ra mắt trong tháng 6 này.

Như Aber là một ứng dụng gọi xe của nhóm kỹ sư người Việt ở Châu Âu. Ấp ủ từ 2015, nhưng phải tới đầu năm 2018, Aber mới được triển khai thử nghiệm. Và hiện ứng dụng đã xuất hiện trên 2 nền tảng di động phổ biến nhất là Android và iOS.

Các dịch vụ mà Aber cung cấp là xe hai bánh chở khách, xe hai bánh giao hàng, ô tô, xe cho thuê, xe tải chở hàng và xe khách đường dài... Dự kiến, Aber sẽ tuyển mộ tài xế tại TP. HCM vào tháng 6 này. Sau đó phát triển ra Hà Nội và một số tỉnh, thành khác.

Grab Việt Nam đang mắc kẹt trong trò chơi 'hội đồng tổng cốc'? 1
Những hình ảnh đầu tiên về tân binh Aber chuẩn bị gia nhập thị trường gọi xe Việt Nam

Trong khi Fastgo là một ứng dụng gọi xe Việt do MPOS (Công ty Cổ phần Công nghệ MPOS) âm thầm xây dựng và phát triển. Giải pháp này được xây dựng cho một tập đoàn taxi lớn ở Indonesia và hãng Taxi Open99 Việt Nam. Hệ thống giúp công ty taxi truyền thống bỏ hoàn toàn bộ đàm, báo cáo, quản lý xe, linh hoạt trong hình thức thanh toán.

Fastgo sẽ liên kết tất cả các hãng với hệ thống thanh toán và ứng dụng, đồng thời cũng cho phép các xe tư nhân tham gia. Fastgo không thu phí chiết khấu với xe, chỉ thu một phần nhỏ phí tham gia. Về phía khách hàng đi Fastgo sẽ có giá luôn rẻ hơn thị trường taxi truyền thống và cả Grab, được bảo hiểm hành trình và được thanh toán thấu chi (đi trước, trả tiền sau).

Nhìn vào thông báo tuyển dụng của Fastgo như tuyển Giám đốc vận hành, Giám đốc Kinh doanh ở Hà Nội và TP. HCM có thể thấy, Fastgo sẽ thâm nhập thị trường 2 thành phố này trước, sau đó mới phát triển ra các địa phương khác. Dự kiến, sớm nhất là vào giữa tháng 6 này.

Grab Việt Nam đang mắc kẹt trong trò chơi 'hội đồng tổng cốc'? 2
Go-Jek với định giá 5 tỷ USD sẽ là một đối thủ đáng gờm với Grab Việt Nam

Bên cạnh các ứng dụng nội, Go-Jek đến từ Indonesia cũng là một cái tên đáng gờm. Cách đây không lâu, công ty này tuyên bố sẽ rót khoảng 500 triệu USD vào 4 thị trường là Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines trong vài tháng tới.

Go-Jek được biết đến là startup tỷ đô đầu tiên của Indonesia. Thế mạnh của Go-Jek là hệ sinh thái "một ứng dụng cho tất cả nhu cầu", xây dựng nhiều dịch vụ xoay quanh hoạt động gọi xe, từ gọi xe, giao đồ ăn, đặt vé sự kiện, mát-xa tại nhà cho đến thanh toán.

Bên cạnh đó, Go-Jek còn tỏ ra rất am hiểu thị trường gọi xe tại Đông Nam Á, cũng như tính bản địa của thị trường mà startup này "tham chiến". Go-Jek sẽ tự mình tuyển dụng các nhân sự bản địa, vốn thông thạo thị trường "sân nhà" để tiến hành đổ công nghệ, tài chính và cả kinh nghiệm quản lý vào một lúc.