GS. Đặng Hùng Võ: 'Các đại gia Việt Nam 80% là từ đất mà lớn lên'

An Chi - 09:28, 27/10/2017

TheLEADERĐất đai là câu chuyện bất bình đẳng trong thị trường hiện nay. Kinh doanh đàng hoàng chỉ lãi 2 - 4%, trong khi chi phí không chính thức lên đến 10%, vậy sao mọi việc vẫn ngon lành, GS. Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017.

GS. Đặng Hùng Võ: 'Các đại gia Việt Nam 80% là từ đất mà lớn lên'
GS. Đặng Hùng Võ

Bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, tài nguyên

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp gặp khó khăn ở các phương diện: Khách hàng, thị trường; Tiếp cận vốn vay; Lao động và chất lượng lao động; Thanh tra, kiểm tra; Tiếp cận đất đai; Vấn đề chi phí không chính thức

Về tiếp cận vốn vay, doanh nghiệp càng lớn càng có khả năng tiếp cận vốn và ngược lại doanh nghiệp càng bé thì khả năng tiếp cận vốn càng thấp. Về lao động và chất lượng lao động: Lao động có chất lượng chưa cao.

Về thủ tục hành chính, thuế, phí, lệ phí, đất đai, quản lý thị trường….vẫn là những khó khăn của doanh nghiệp tư nhân. Về thanh tra, kiểm tra: Các doanh nghiệp lớn thanh kiểm tra càng nhiều hơn doanh nghiệp. “Đây cho thấy nhiều doanh nghiệp càng không muốn lớn, lớn càng rủi ro, càng tốn chi phí”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Khảo sát cũng cho thấy, việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp tư nhân cũng còn khó khăn. 65% gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai, không chỉ giá đất cao, giải phóng mặt bằng… Vấn đề chi phí không chính thức, ông Tuấn cho biết, việc chi trả chi phí này khá phổ biến và tồn tại ở cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.

Về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, doanh nghiệp tư nhân hiện nay đang gặp rất nhiều ách tắc, trong đó có ách tắc về đất đai. Bây giờ tiếp cận đất đai thì doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận nhưng doanh nghiệp lớn tiếp cận cũng… không hề dễ. Họ cũng phải xách “cái này, cái kia” đi, "phải quan hệ cao lắm" thì mới tiếp cận được.

"Nhiều người cho rằng, doanh nghiệp lớn thì tiếp cận đất đai dễ hơn, thực ra không phải như vậy. Doanh nghiệp lớn thì họ chỉ có nhiều tiền hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó, họ chi tiền mạnh hơn để tiếp cận đất đai dễ hơn. Chính vì vậy, đất đai là câu chuyện bất bình đẳng trong thị trường hiện nay", ông Võ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Võ, chi phí không chính thức lên đến 10% mà doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng chỉ lãi từ 2 đến 4%, vậy tại sao mọi việc vẫn ngon lành. Bản thân câu chuyện đất đai đã thể hiện rất rõ điều này. Sở dĩ như vậy là do doanh nghiệp có lãi rất nhiều.

Ví dụ như như nhiều doanh nghiệp có được đất dựa trên mối quan hệ nào đó và họ được cho phép chưa phải nộp tiền sử dụng đất ngay như Luật đất đai quy định, chỉ đến khi nào kinh doanh có lợi nhuận thì mới trả tiền sử dụng đất. 

Các đại gia của Việt Nam thì 80% là từ đất mà lớn lên, các khoản lãi từ đất đai lớn hơn con số 2 - 4% rất nhiều, ông Võ nhấn mạnh.

Chi phí không chính thức: Doanh nghiệp kêu cứ kêu, chi cứ chi!

Ở góc nhìn khác về khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, về chi phí không chính thức, doanh nghiệp hiện nay kêu cứ kêu còn chi cứ chi. Các doanh nghiệp luôn biết cách tính toán các chi phí chính thức và không chính thức của mình để cân nhắc cái gì có lợi họ làm.

Về vấn đề tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, chúng ta đều biết rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng nghĩa với quy mô vốn nhỏ. Trong khi đó, theo rất nhiều thống kê 50% doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận được vốn của ngân hàng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nhu cầu tiếp cận vốn của khu vực tư nhân là bao nhiêu, bao nhiêu phần trăm các doanh nghiệp hài lòng với quy mô vốn hiện nay của họ. Có nghĩa là họ không có nhu cầu vay vốn hoặc họ có các kênh khác để vay vốn mà không cần đến nguồn vốn tín dụng, 

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp tư nhân không chịu lớn và không muốn lớn, theo tôi là khoảng một nửa số doanh nghiệp. Trong khi đó, chúng ta lại có sáng kiến để họ lớn lên. Như vậy, đối với những doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn và không có nhu cầu lớn lên chúng ta sẽ không bàn ở đây, ông Ánh phân tích. 

Tuy nhiên, ông Ánh cũng cho rằng, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp tư nhân đều nói phải đình đẳng, kêu bình đẳng nhưng lại đòi xin hỗ trợ. Như vậy là bất bình đẳng. Tôi lấy ví dụ về câu chuyện về chính sách thuế. Nếu doanh nghiệp bình thường thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% thì doanh nghiệp nhỏ và vừa là 15%, doanh nghiệp siêu nhỏ đề xuất là 10%. Vậy rõ rằng là nhiều doanh nghiệp sẵn sàng "xung phong muôn đời siêu nhỏ", mặc dù đã là đại gia để hưởng ưu đãi, hỗ trợ.

Do đó, Chính phủ phải có chính sách bình đẳng đối xử giữa các doanh nghiệp. Có như vậy mới tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển.

Về vấn đề này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho rằng, chính phủ cần có chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Thực hiện giải pháp này chính là phải khuyến khích, tạo mọi cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh. 

Đồng thời đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, thực hiện một nhà nước, một Chính phủ kiến tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tạo dựng minh bạch hệ thống thông tin quản lý, tạo dựng minh bạch hệ thống thông tin quản lý trong xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế tư nhân nhằm mục đích để kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, bền vững.