Hà Nội nói gì về đề xuất xây lại khách sạn Thắng Lợi cao 36 tầng?

Vũ Minh - 11:43, 02/05/2018

TheLEADERKế hoạch tái phát triển khách sạn Thắng Lợi thành tổ hợp cao 36 tầng của Tập đoàn BRG rơi vào tình trạng bấp bênh sau khi UBND TP Hà Nội cho rằng không phù hợp với quy hoạch khu vực Hồ Tây đã được Thủ tướng phê duyệt.

Hà Nội nói gì về đề xuất xây lại khách sạn Thắng Lợi cao 36 tầng?
Khách sạn Thắng Lợi

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng xin ý kiến về nghiên cứu đề xuất dự án xây dựng công trình Tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ cao cấp 36 tầng tại khu đất số 200 đường Yên Phụ (phường Yên Phụ và Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). 

Nội dung văn bản cho biết, đầu tháng 12/2017, UBND TP. Hà Nội đã nhận được văn bản (kèm với hồ sơ) của Công ty CP Khách sạn Thắng Lợi đề nghị chấp thuận đề xuất nghiên cứu lập và triển khai dự án nói trên (khu đất này hiện là khách sạn Thắng Lợi).

Khu đất có tổng diện tích hơn 4,2ha, hiện trạng trên khu đất có các công trình khách sạn cao 3 tầng trên mặt nước, khu nhà hàng 1 tầng. Theo quyết định của UBND TP. Hà Nội tháng 12/2015, thành phố đã đồng ý cho Công ty CP Khách sạn Thắng Lợi thuê để tiếp tục sử dụng làm khách sạn.

Theo phương án kiến trúc mới trong hồ sơ, Công ty CP Khách sạn Thắng Lợi đề xuất giữ nguyên khối công trình cao 1-3 tầng đã xây dựng trên đất có mặt nước, dỡ bỏ khối dịch vụ khách sạn tại trung tâm khu đất để xây mới công trình cao 36 tầng và 3 tầng hầm với chức năng tổ hợp dịch vụ, thương mại, khách sạn và căn hộ dịch vụ.

Đối với đề xuất này, UBND TP. Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 26/7/2011, khu Khách sạn Thắng Lợi thuộc khu vực Hồ Tây và phụ cận, không cho phép xây dựng công trình cao tầng và các hoạt động lấn chiếm không gian hồ Tây. 

Khách sạn Thắng Lợi thuộc loại công trình có kiến trúc đặc biệt, bảo tồn không gian và công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan. Hơn nữa, theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử đã được UBND thành phố ban hành năm 2016, khu đất nằm tại vị trí không xây dựng công trình cao tầng.

Trên cơ sở Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến 2030 đã được phê duyệt, UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc cải tạo, nâng cấp khách sạn Thắng Lợi là cần thiết, phát huy lợi thế vị trí, tạo điểm nhấn cho khu vực Hồ Tây và du lịch thủ đô. Tuy nhiên, đề xuất xây dựng công trình cao 36 tầng của công ty này là vượt quá quy định, không phù hợp với quy hoạch của khu vực. 

Khách sạn Thắng Lợi là khách sạn tiêu chuẩn quốc tế bốn sao, với 175 phòng nghỉ, nằm ngay trên đường Yên Phụ, được đưa vào hoạt động từ giữa năm 1975, là công trình do nhân dân Cuba xây dựng tặng Việt Nam.

Ý kiến của UBND TP. Hà Nội đã đưa kế hoạch tái phát triển khách sạn Thắng Lợi của Tập đoàn BRG vào tình trạng bấp bênh.

Cuối năm 2014, Tập đoàn BRG - một tập đoàn tư nhân đa ngành về tài chính ngân hàng, bất động sản, sân golf, trong đó đang sở hữu khách sạn 5 sao Hilton Hanoi Opera và Sheraton Grand Danang - đã mua 30% cổ phần khách sạn Thắng Lợi. 

Tiếp đó, đến cuối tháng 12/2016, Công ty Cổ phần Khách sạn Thắng Lợi và Tập đoàn Hilton Worldwide đã ký kết Hợp đồng quản lý tổ hợp hai khách sạn với quy mô dự kiến 610 phòng.

Dự án gồm khách sạn Hilton Hanoi Westlake với khoảng gần 300 phòng khách sạn và căn hộ dịch vụ, khách sạn DoubleTree by Hilton Hanoi Westlake với khoảng 320 phòng khách sạn. Cùng với đó, tổ hợp này sẽ cung cấp khoảng gần 3.000m2 cho nhu cầu hội nghị, hội thảo tại Hà Nội. 

Hilton Hanoi Westlake và DoubleTree by Hanoi Westlake được dự kiến ​​mở cửa vào năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khách sạn Thắng Lợi chia sẻ vào thời điểm ký kết rằng “chắc chắn đây sẽ là điểm nhấn ấn tượng của Thủ đô Hà Nội, tạo thành một quần thể các tiện nghi và dịch vụ cao cấp, trở thành khu vực trọng điểm thu hút du lịch, các hội nghị quan trọng trong và ngoài nước”.