Hà Nội trao chứng nhận đầu tư cho 71 dự án, tổng vốn 17 tỷ USD

Quỳnh Chi - 19:53, 17/06/2018

TheLEADERTổng số vốn đầu tư được UBND thành phố Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư tại "Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội 2018" lên tới gần 400.000 tỷ đồng (tương đương 17 tỷ USD).

Hà Nội trao chứng nhận đầu tư cho 71 dự án, tổng vốn 17 tỷ USD
Hà Nội đang tạm đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2018.

Trong số 71 dự án này có 11 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5,4 tỷ USD) và 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng.

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong vùng, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã trao 24 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư dự kiến trong thời gian tới khoảng gần 70.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, kết quả này đã đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI.

Đặc biệt, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 5 tỷ 915 triệu USD, góp phần đưa thành phố tạm vươn lên đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2018.

Ông Chung cho biết trong thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng thủ đô và Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục ưu tiên và kêu gọi đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch và các dự án liên kết, phát triển vùng, các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ cho xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, xử lý bùn; xây dựng nông nghiệp công nghệ cao; các nhà máy chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm; chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; các trường học, trường đại học, trường dạy nghề; các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ...

Theo đó, có tổng 553 dự án đã được giới thiệu đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp; trong đó có 161 dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật; 36 dự án phát triển hạtầng xã hội; 91 dự án phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ, du lịch; 75 dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và 90 dự án kinh doanh bất động sản. 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất vào tháng 7 tới sẽ bàn thảo và thông qua việc hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp từ 1/8/2018. 

Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện kê khaihồ sơ qua mạng để thành lập doanh nghiệp; toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả qua chuyển phát nhanh về cho doanh nghiệp.

6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Để nâng cao tạo sự lan tỏa sự liên kết hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết trong những năm tới sẽ thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng. 

71 dự án lớn tại Hà Nội được trao chứng nhận đầu tư
Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Thứ nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; phát triển Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo - thành phố thông minh.

Thứ hai, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ ba, huy động tối đa nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung.

Thứ tư, xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước và khu vực. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn khu vực và thế giới trong các lĩnh vực cung cấp nước sạch, sử dụng năng lượng xanh, xử lý rác thải, xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

Thứ năm, Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố trong vùng, sẽ xây dựng kế hoạch khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương để giải quyết các vấn đề chung như: xử lý môi trường; phát triển năng lượng xanh; khởi nghiệp, kết nối hạ tầng giao thông, tiêu thụ, chế biến, nông, lâm, hải sản, dịch vụ, du lịch.

Và cuối cùng là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường các hoạt động đối ngoại, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, nhất là với thủ đô các nước, các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ mới trên mọi lĩnh vực.